"Siêu động đất" ngày 5/7: Truyện tranh Nhật Bản từng tiên đoán thảm họa năm 2011 gây hoang mang

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Một manga Nhật Bản nổi tiếng đang gây bão mạng khi "tiên đoán" siêu động đất xảy ra vào ngày 5/7/2025. Tin đồn khiến du khách lo ngại, hàng loạt chuyến bay bị hủy và ngành du lịch Nhật Bản chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.

"Siêu động đất" ngày 5/7: Truyện tranh Nhật Bản từng tiên đoán thảm họa năm 2011 gây hoang mang

Một truyện tranh Nhật Bản (Manga) đang làm dấy lên tin đồn về một trận siêu động đất sẽ xảy ra vào thứ Bảy, ngày 5/7, khiến mạng xã hội “dậy sóng” và ngành du lịch Nhật Bản sụt giảm, theo một số báo cáo. Người hâm mộ cho rằng bộ truyện này từng “tiên đoán” được thảm họa động đất sóng thần Tohoku năm 2011 cướp đi gần 20.000 sinh mạng.

Vì sao dư luận lại lo ngại một "lời tiên tri" từ truyện tranh? Nhật Bản đã chuẩn bị ra sao nếu siêu động đất thực sự xảy ra? Tạp chí This Week in Asia đã lý giải.

Sieudong dat Nhat Ban.png
Bộ truyện tranh nổi tiếng của Nhật Bản dự báo về thảm họa trong tháng 7/2025. Ảnh: MSN.

Manga Nhật đã "tiên đoán" điều gì?

Tin đồn lan truyền từ bộ truyện tranh “Watashi ga Mita Mirai, Kanzenban” (Tương lai tôi đã thấy - Ấn bản hoàn chỉnh), một bộ truyện tranh thuộc hàng bán chạy nhất ra mắt từ năm 1999, dựa trên những giấc mơ của tác giả Ryo Tatsuki.

Trên bìa bản mới nhất, có dòng chữ “Thảm họa thực sự sẽ đến vào tháng 7/2025”, trong truyện các nhân vật cũng thảo luận về một trận thiên tai do “đáy biển giữa Nhật Bản và Philippines nứt ra”, kéo theo sóng thần cao gấp ba lần so với thảm họa Tohoku tràn vào vùng tây nam Nhật Bản.

Dù không có bất kỳ cơ sở khoa học nào, nhiều người đã hiểu đây là dự báo về một thảm họa thực sự vào ngày 5/7. Các video và bài đăng liên quan đến lời tiên đoán đã lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội, thậm chí xuất hiện bằng tiếng Trung, tiếng Việt và tiếng Thái Lan.

Tatsuki – được gọi là “Baba Vanga của Nhật” – từng gây chú ý khi “tiên đoán” trận động đất 9,0 độ Richter tại Tohoku năm 2011, với dòng chữ “thảm họa lớn vào tháng 3/2011” trên bìa truyện. Người hâm mộ còn cho rằng bà đã tiên đoán cái chết của Công nương Diana, ca sĩ Freddie Mercury và đại dịch Covid-19.

Căng thẳng càng tăng khi từ ngày 21/6, hơn 1.000 trận động đất nhỏ làm rung chuyển chuỗi đảo Tokara của Nhật, trận gần nhất hôm 3/7 đã buộc 89 cư dân trên một hòn đảo nhỏ phía nam phải sơ tán.

Siêu động đất ngày 5 tháng 7 Truyện tranh Nhật Bản từng tiên đoán thảm họa năm 2011 gây hoang mang 2.jpg
Một ngôi nhà bị sập sau trận động đất ở thị trấn Osaki, tỉnh Kagoshima, vào ngày 8/82024. Ảnh: Kyodo News.

Khả năng xảy ra động đất lớn là bao nhiêu?

Các nhà địa chấn học đã bác bỏ khả năng xảy ra một trận siêu động đất đúng ngày 5/7.

“Hiện tại không có cách nào để dự đoán chính xác thời gian, địa điểm hay cường độ của một trận động đất”, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho hay và gọi các tuyên bố trên là “tin giả và thông tin sai lệch”.

Dù một số trận động đất tại Nhật từng xảy ra sau các dư chấn nhỏ (như năm 2011), nhưng tần suất này chỉ là 1 trên hàng trăm lần, theo Bloomberg.

Chính Tatsuki cũng bác bỏ việc mình là nhà tiên tri, kêu gọi công chúng “không nên quá bị chi phối bởi giấc mơ” và hãy hành động theo hướng dẫn của chuyên gia, theo Reuters.

Mặc dù lời tiên tri trong manga có thể không có thật, Nhật Bản đang thực sự đối mặt với nguy cơ từ trận động đất thế kỷ có thể xảy ra trong 30 năm tới.

Chính quyền Nhật cảnh báo có 80% khả năng sẽ xảy ra trận động đất 9 độ từ rãnh Nankai, dài 800 km ngoài khơi phía nam Nhật Bản, trước năm 2055. Rãnh này từng gây ra các trận động đất lớn mỗi 100–200 năm; trận gần nhất xảy ra năm 1946.

Một trận “siêu địa chấn” tại đây có thể khiến 300.000 người thiệt mạng, thiệt hại kinh tế lên tới 2.000 tỷ USD.

Năm ngoái, khi một trận động đất 7,1 độ Richter xảy ra, chính phủ Nhật lần đầu ban hành cảnh báo động đất lớn, dù sau một tuần, cảnh báo được gỡ bỏ vì không có thiệt hại đáng kể.

Siêu động đất ngày 5 tháng 7 Truyện tranh Nhật Bản từng tiên đoán thảm họa năm 2011 gây hoang mang 3.jpg
Khách du lịch nước ngoài trên đường dẫn đến đền Dazaifu Tenmangu ở Dazaifu vào ngày 21/5. Ảnh: Kyodo News.

“Lời tiên tri” từ manga ảnh hưởng thế nào đến du lịch Nhật?

Người dân Hong Kong (Trung Quốc), từng thực hiện gần 2,7 triệu chuyến du lịch tới Nhật trong năm ngoái, có vẻ bị ảnh hưởng nặng nề bởi tin đồn.

Số khách từ Hong Kong đến Nhật vào tháng 5 năm nay giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số hãng bay như Hong Kong Airlines và Greater Bay Airlines đã hủy chuyến bay tới Nhật, viện dẫn “nhu cầu hành khách yếu”.

Theo chuyên gia kinh tế Takahide Kiuchi từ Viện nghiên cứu Nomura, nếu khách quốc tế tiếp tục tránh xa Nhật Bản, thiệt hại kinh tế có thể lên tới 3,9 tỷ USD.

Tuy nhiên, vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn rằng lời tiên tri manga là nguyên nhân chính. Hai hãng du lịch lớn tại Hong Kong cho biết không ghi nhận số lượng hủy tour đến Nhật đáng kể trong dịp cuối tuần này.

Tổng thể, du lịch Nhật Bản vẫn khởi sắc: riêng tháng 4 vừa qua đã lập kỷ lục với 3,9 triệu lượt khách quốc tế – cao nhất từ trước đến nay.

Nhật Bản chuẩn bị thế nào cho “đại địa chấn”?

Người dân Nhật đã quen sống trong tâm thế có thể xảy ra động đất bất cứ lúc nào. Quốc gia này nằm trên “Vành đai lửa Thái Bình Dương”, nơi có hoạt động địa chất mạnh mẽ nhất thế giới. Trung bình mỗi ngày Nhật ghi nhận 2–3 trận động đất.

Hầu hết chỉ là rung chấn nhẹ. Riêng tại đảo Tokara từ ngày 21–27/6, có gần 500 trận động đất trên 1 độ Richter; trong đó chỉ 25 trận mạnh từ 4 độ trở lên.

Tuy nhiên, các trận động đất lớn gây hậu quả nặng nề vẫn luôn là ám ảnh: từ thảm họa Tohoku 2011 đến trận động đất Kanto năm 1923, cướp đi hơn 100.000 sinh mạng – được xem là thảm họa tự nhiên tồi tệ nhất lịch sử Nhật.

Nhật Bản khuyến khích các hộ gia đình luôn chuẩn bị bộ dụng cụ sinh tồn khi động đất xảy ra. Trong nhiều năm, giới kỹ sư và kiến trúc sư Nhật đã phát triển thiết kế chống động đất, từ bộ khung thép dẻo đến hệ thống bi đỡ tòa nhà cho phép kết cấu “trôi” độc lập khỏi nền móng khi có rung chấn.

Chính phủ Nhật ban hành kế hoạch ứng phó với động đất Nankai năm 2014, đặt mục tiêu giảm 80% số người chết. Tuy nhiên, sau đó, họ thừa nhận các biện pháp hiện tại mới chỉ giúp giảm 20% thiệt hại.

Một bản kế hoạch cập nhật đã được công bố ngày 1/7, trong đó yêu cầu đẩy nhanh xây dựng đê chắn sóng, nhà tránh trú, và tổ chức diễn tập định kỳ hơn.