Châu Âu ra mắt hệ thống tên lửa chống tăng tầm xa đặt trên xe robot chiến đấu không người lái

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc

Ngày 2/7 vừa qua, Tập đoàn tên lửa châu Âu MBDA, công ty Milrem Robotics (Estonia) và công ty SignalGeneriX (Cộng hòa Síp) đã công bố tích hợp thành công hệ thống tên lửa chống tăng tầm xa Akeron LP lên xe chiến đấu không người lái Type-X.

Toàn bộ hệ thống phóng tên lửa tầm xa Akeron LP trên xe robot Type-X. Ảnh: NetEase.
Toàn bộ hệ thống phóng tên lửa tầm xa Akeron LP trên xe robot Type-X. Ảnh: NetEase.

Tổ hợp robot chiến đấu không người lái đa năng

Đây là một bước tiến quan trọng trong chương trình quốc phòng hợp tác châu Âu có tên gọi MARSEUS – dự án được tài trợ bởi Quỹ Quốc phòng châu Âu (EDF), nhằm phát triển các nền tảng chiến đấu robot thế hệ mới.

Tâm điểm của hệ thống là chiếc xe chiến đấu robot không người lái Type-X do Milrem Robotics phát triển – một nền tảng hybrid (kết hợp động cơ diesel và điện), sử dụng bánh xích, được thiết kế để hỗ trợ các đơn vị bộ binh cơ giới. Milrem Robotics nổi tiếng với việc phát triển các phương tiện không người lái như THeMIS và Type-X

Xe robot Type-X có trọng lượng khoảng 12,5 tấn, dài 6,2 mét, rộng 2,9 mét và cao 2,5 mét. Xe có tải trọng hữu ích lên tới 5 tấn, đủ để mang tháp pháo, tên lửa, thiết bị trinh sát hoặc khí tài hỗ trợ khác. Trên thực địa, Type-X có thể đạt tốc độ tối đa 80 km/h trên đường nhựa và khoảng 50 km/h trên địa hình gồ ghề. Xe vượt được dốc nghiêng 60 độ, chướng ngại cao 1 mét và lội nước sâu tới 1,5 mét.

Khung gam Type X.png
Xe tự hành không người lái Type-X. Ảnh: Topwar.

Thân xe được bọc giáp đủ khả năng chống lại đạn xuyên cỡ 14,5x114mm và mìn chống bộ binh. Đặc biệt, xe có khả năng quay tròn tại chỗ (360 độ), phù hợp với cả môi trường tác chiến đô thị hoặc địa hình phức tạp.

Tên lửa Akeron LP – “Át chủ bài” chống tăng ngoài tầm nhìn

Trên xe Type-X, Milrem lắp đặt một hệ thống vũ khí do Tập đoàn Tên lửa Châu Âu (MBDA) phát triển, tích hợp 8 tên lửa chống tăng Akeron LP. Đây là dòng tên lửa chiến thuật tầm xa tiên tiến nhất châu Âu hiện nay, được MBDA thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu bọc thép trong điều kiện chiến trường hiện đại và bị gây nhiễu mạnh.

Mỗi quả tên lửa Akeron LP nặng từ 30 đến 40 kg, dài khoảng 1,8 mét, trang bị đầu đạn xuyên lõm tandem – có thể xuyên qua giáp thép đồng nhất (RHA) dày hơn 1.000 mm hoặc bê tông cốt thép dày hơn 2 mét.

Tên lửa Akeron LP sử dụng đầu dẫn đa chế độ gồm: Dẫn đường bằng laser bán chủ động; dẫn đường bằng hình ảnh truyền hình (TV); dò tìm hồng ngoại (IR).

Nhờ đó, Akeron LP hỗ trợ nhiều chế độ tấn công, bao gồm : Bắn và quên (fire-and-forget); khóa mục tiêu trước khi phóng (lock-on-before-launch); khóa mục tiêu sau khi phóng (lock-on-after-launch). Đặc biệt, tên lửa có thể thay đổi mục tiêu hoặc hủy nhiệm vụ giữa chừng.

Ten lua Akelon LP.png
Tên lửa chống tăng Akeron LP được phóng từ máy bay trực thăng. Ảnh: Topwar.

Tên lửa duy trì liên lạc dữ liệu hai chiều với bệ phóng qua liên kết vô tuyến (RF datalink), cho phép cập nhật mục tiêu và điều chỉnh đường bay liên tục. Khi phóng từ mặt đất, tầm bắn hiệu quả lên đến 8 km. Nếu được triển khai phóng từ máy bay từ trực thăng hoặc UAV, tầm bắn có thể đạt tới 20 km.

Akeron LP có thể lựa chọn các quỹ đạo bay: bay thẳng, leo cao (top attack) hoặc bổ nhào (direct dive), tùy theo loại mục tiêu và môi trường tác chiến.

Tích hợp thiết bị định hướng điện tử RFHunter

Một điểm nổi bật khác là việc tích hợp thiết bị định hướng điện tử RFHunter do Công ty SignalGeneriX phát triển – một hệ thống tác chiến điện tử (EW) thụ động chuyên dò tìm, định vị và phân tích tín hiệu vô tuyến (RF) trên chiến trường.

Thiết bị RFHunter được lắp trực tiếp trên tháp pháo mang tên lửa Akeron LP, cho phép tổ hợp robot có thể: Phát hiện tín hiệu liên lạc của đối phương trong thời gian thực, xác định vị trí phát sóng, phục vụ chỉ thị mục tiêu, hỗ trợ định vị trong môi trường bị gây nhiễu GPS hoặc hoàn toàn không có tín hiệu định vị; tăng khả năng nhận thức tình huống điện từ (EMS SA) và sinh tồn trên chiến trường

Ông Tasos Kounoudes, nhà sáng lập công ty SignalGeneriX, tuyên bố: “Chúng tôi tự hào đã tích hợp thành công RFHunter lên nền tảng chiến đấu robot Type-X, giúp tổ hợp có thể thực hiện nhiệm vụ tấn công mục tiêu ngoài tầm nhìn trực tiếp (BLOS) và duy trì nhận thức tình huống điện từ trong thời gian thực”.

Sự kết hợp giữa RFHunter, cảm biến quang điện tử, UAV trinh sát và tên lửa dẫn đường tầm xa đã tạo nên một hệ thống chống tăng không người lái có độ chính xác cao, hoạt động hoàn toàn không cần binh sĩ tại mặt trận.

Cac cau truc.png
Các cấu trúc của hệ thống. Ảnh: Topwar.

Dự án MARSEUS – biểu tượng hợp tác quốc phòng châu Âu

Hệ thống robot chiến đấu này là một phần của dự án “MARSEUS” (viết tắt của Modular Architecture and Reconnaissance System for Enhanced Unmanned Systems), do Tập đoàn tên lửa châu Âu MBDA điều phối, với sự tham gia của các cơ quan và doanh nghiệp quốc phòng từ Pháp, Thụy Điển, Bỉ và Cộng hòa Síp.

MARSEUS được khởi động từ tháng 3/2025 và dự kiến kéo dài đến tháng 3/2027, với tổng kinh phí 25 triệu euro, trong đó 15 triệu euro đến từ Quỹ Quốc phòng châu Âu (EDF). Mục tiêu của dự án là thúc đẩy tích hợp các hệ thống mô-đun tiên tiến vào thế hệ xe chiến đấu robot tiếp theo, tập trung vào: Tác chiến điện tử, dẫn hướng mục tiêu chính xác, điều hướng tự động (autonomous navigation), khả năng tác chiến mạng trung tâm (network-centric warfare)

Ngoài Type-X, dự án còn nghiên cứu tích hợp tên lửa Akeron LP lên nhiều nền tảng khác như xe bọc thép Arquus Sherpa hay kết hợp dẫn hướng với UAV trinh sát Novadem NX70. Như vậy, các phương tiện không người lái sẽ đóng vai trò nòng cốt trong các hoạt động tấn công chính xác tầm xa, yểm trợ hỏa lực và trinh sát chiến thuật của quân đội châu Âu.

Việc ra mắt hệ thống robot chống tăng tích hợp Akeron LP và RFHunter đánh dấu bước tiến rõ rệt trong xu hướng tự động hóa chiến tranh mặt đất. Các lực lượng NATO và EU ngày càng chú trọng phát triển các phương tiện không người điều khiển (unmanned ground vehicles – UGV) nhằm giảm thiểu thương vong, tăng cường độ chính xác và nâng cao hiệu quả chiến đấu trong môi trường điện tử hiện đại.

Dự kiến, các cuộc thử nghiệm vận hành hệ thống sẽ diễn ra vào cuối năm 2025 tại các thao trường châu Âu, trước khi bước vào giai đoạn đánh giá và triển khai thực địa.