Khám phá “Vòm Thép” - Hệ thống phòng không bao phủ lãnh thổ đang được Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang phát triển một hệ thống phòng không tổng hợp có tên “Celik Kubbe” (Vòm Thép) bao gồm các loại tên lửa, pháo cao xạ, các tổ hợp laser do ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ tự phát triển hoặc mua từ nước ngoài.

Phác họa hệ thống “Celik Kubbe” (Vòm Thép) của Thổ Nhĩ Kỳ với các loại vũ khí, trang thiết bị. Ảnh: QQnews.
Phác họa hệ thống “Celik Kubbe” (Vòm Thép) của Thổ Nhĩ Kỳ với các loại vũ khí, trang thiết bị. Ảnh: QQnews.

Tham vọng nhất thể hóa phòng không quốc gia

Ý tưởng xây dựng một hệ thống phòng thủ tổng hợp đã được Lực lượng Vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi từ nhiều năm trước. Hệ thống này được Viện Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Thổ Nhĩ Kỳ (TUBİTAK SAGE) cùng với hai tập đoàn quốc phòng lớn là Aselsan và Roketsan đề xuất. Tên gọi dự án là “Celik Kubbe” (Vòm Thép).

Vào tháng 6/2024, đề xuất này đã được giới lãnh đạo chính trị và quân sự cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ phê duyệt. Kể từ đó, TUBİTAK SAGE cùng các cơ quan liên quan bắt đầu xây dựng kế hoạch chi tiết, xác định thành phần, cơ cấu tổ chức, nhân sự, cũng như số lượng trang bị cần thiết cho hệ thống.

Hiện nay kế hoạch này bao gồm việc mua sắm và tổng hợp nhiều hệ thống phòng không khác nhau. Một số hệ thống đã được sản xuất hàng loạt, trong khi số khác vẫn đang ở trong giai đoạn thử nghiệm và phát triển.

Ten lua tam xa Siper.png
Tên lửa tầm xa Siper bắn thử nghiệm. Ảnh: Topwar.

Thành phần cấu trúc đa dạng

Mục tiêu của dự án “Celik Kubbe” là xây dựng một hệ thống phòng không quốc gia tổng hợp, bao phủ toàn bộ biên giới và không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Hệ thống này phải đạt yêu cầu có khả năng đánh chặn nhiều loại mục tiêu, từ UAV nhỏ đến máy bay chiến đấu hiện đại và tên lửa tấn công đường không. Các thành phần của hệ thống sẽ có khả năng đánh chặn mục tiêu trong phạm vi tới 150 đến 180 km.

Thành phần cốt lõi của “Celik Kubbe” là hệ thống thông tin liên lạc và điều khiển do Thổ Nhĩ Kỳ tự phát triển, tích hợp các trạm điều khiển HERİKKS, thiết bị thu thập và xử lý dữ liệu, radar, các hệ thống phòng không và bộ chỉ huy điều hành. Hệ thống sẽ tự động phân phối mục tiêu và kiểm soát hỏa lực của các tổ hợp tên lửa đất đối không (SAM) và hệ thống pháo phòng không (ZAK).

Phao tu hanh Korkut.png
Pháo phòng không tự hành Korkut. Ảnh: Topwar.

Theo kế hoạch hiện tại, 8 loại hệ thống phòng không sẽ được tích hợp trong hệ thống này. Chúng sẽ cùng nhau tạo ra mạng lưới radar thống nhất, phát hiện và tiêu diệt các mục tiêu trên không trong khu vực phụ trách. Các tổ hợp chính bao gồm:

Tầng đánh chặn tầm xa: sử dụng hệ thống tên lửa phòng không Siper. Phiên bản Siper Block 1 có tầm bắn ít nhất 100 km. Siper Block 2 sẽ mở rộng tầm bắn thêm 50%, còn Siper Block 3 sẽ đạt tới 180 km. Tầm cao đánh chặn cũng sẽ tăng từ 20 km lên 30 km.

Tầng đánh chặn tầm ngắn: gồm các hệ thống tên lửa Hisar-O (tầm bắn 25 km) và Hisar-A (tầm bắn 15 km). Ngoài ra, tên lửa Hisar-RF đang được phát triển với tầm bắn ít nhất 40 km. Tầm cao của tầng này là 10-15km.

Tầng đánh chặn cận chiến: tập trung vào tiêu diệt UAV và vũ khí chính xác cao, bao gồm các hệ thống pháo phòng không như Korkut (35 mm), Gurz, Sahin (40 mm), cùng hệ thống tác chiến điện tử İhtar và vũ khí laser Gokberk đang trong quá trình phát triển. Các hệ thống này được cho là đủ sức áp chế và tiêu diệt các mục tiêu không người lái.

He thong chong UAV.png
Hệ thống tác chiến điện tử chống máy bay không người lái İhtar. Ảnh: QQnews.

Tiến độ của dự án không như ý muốn

Việc xây dựng hệ thống Celik Kubbe sử dụng nhiều loại vũ khí khác nhau. Một số loại đã được Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ mua, một số đang còn trong giai đoạn phát triển. Theo các thông tin hiện có, hệ thống kiểm soát điều khiển Celik Kubbe vẫn đang trong giai đoạn phát triển, đã đạt được một số tiến triển, nhưng vẫn chưa công bố thời hạn hoàn tất.

Tên lửa Siper Block 1 đã được đưa vào sử dụng từ năm 2024 và đang được sản xuất hàng loạt; các phiên bản Block 2 và 3 dự kiến hoàn thành vào cuối thập kỷ này.

Tên lửa Hisar-A và Hisar-O đã được biên chế từ năm 2021, Hisar-RF đang ở giai đoạn nguyên mẫu và sẽ được triển khai vào cuối những năm 2020.

Pháo phòng không Korkut 35mm đã được đưa vào sử dụng từ năm 2016. 40 tổ hợp đã được đặt hàng và giao nhận vào đầu thập kỷ 2020. Các hệ thống khác vẫn đang thử nghiệm, được kỳ vọng sẽ sớm hoàn thiện.

Tho nhan S-400.png
Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu hệ thống phòng không tầm xa S-400 của Nga. Ảnh: Sohu.

Những khó khăn và giải pháp tạm thời

Do không thể hoàn thành dự án Celik Kubbe trong thời gian ngắn, Thổ Nhĩ Kỳ đã tính đến việc triển khai tạm thời một số hệ thống phòng không nhập khẩu.

Một ví dụ là việc Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm đến hệ thống tên lửa phòng không SAMP/T của Pháp, với tầm bắn 150 km. Hệ thống này còn giúp nâng cao khả năng nhất thể hóa phòng không giữa Thổ Nhĩ Kỳ và NATO.

Tuy nhiên, do nguyên nhân chính trị, Pháp đã từ chối đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ. Các cuộc đàm phán gần đây tại hội nghị thượng đỉnh ở The Hague dường như cũng không đạt kết quả.

Hiện tại, hệ thống tên lửa phòng không có tầm bắn xa nhất của Thổ Nhĩ Kỳ là S-400 do Nga sản xuất. Thổ Nhĩ Kỳ đã mua 4 tiểu đoàn S-400 vào cuối thập kỷ 2010 và đang sử dụng để trực chiến. S-400 vượt trội so với các hệ thống nội địa khác của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng không được tích hợp vào hệ thống Celik Kubbe do không tương thích về mặt tiêu chuẩn kỹ thuật và điều khiển.

Hệ thống “Vòm Thép” này được kỳ vọng sẽ nâng cao đáng kể năng lực phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ, giúp nước này đối phó hiệu quả với các mối đe dọa hiện nay. Tuy nhiên, quy trình phát triển phức tạp có thể khiến tiến độ và kết quả bị ảnh hưởng.