Chuyên gia quân sự Đài Loan cho rằng hành động này của quân đội Mỹ là để phản ứng lại việc quân đội Trung Quốc gần đây liên tiếp tiến hành huấn luyện quân sự biển xa xung quanh Đài Loan.
Theo báo chí Đài Loan, đường bay của các máy bay B-52 Mỹ là một “đường bay tấn công điển hình”, mô phỏng phóng tên lửa hành trình Tomahawk và tên lửa hành trình JASSM ở khu vực lân cận đảo Đông Sa, tấn công căn cứ trên đất liền, căn cứ ở đảo Hải Nam và biên đội tàu sân bay của Trung Quốc.
Trước hành động lần này của 2 máy bay ném bom B-52 Mỹ, tại cuộc họp báo thường lệ vào chiều ngày 26/4, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Đại tá Ngô Khiêm cho rằng tình hình này đều được quân đội Trung Quốc "nắm chắc trong tay", quân đội Trung Quốc “sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia”.
Ngoài ra, theo báo quân đội Trung Quốc ngày 26/4, cùng ngày nhiều loại máy bay tiêm kích, máy bay cảnh báo sớm, máy bay trinh sát và máy bay ném bom H-6K của không quân Trung Quốc đã cất cánh từ nhiều sân bay, triển khai huấn luyện quân sự sát thực tế chiến đấu trên hướng biển. Biên đội nhiều loại máy bay trong đó có H-6K đã bay qua eo biển Miyako và eo biển Bashi, đã tiến hành huấn luyện khoa mục “tuần tra quanh Đài Loan”.
Trước đó, từ ngày 18/4, không quân Trung Quốc đã liên tục nhiều lần điều các máy bay quân sự như máy bay ném bom H-6K bay quanh các đảo, luyện khả năng “bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”.
Trang tin Sina Trung Quốc ngày 26/4 cho rằng, hành động bay tiếp cận lãnh thổ Trung Quốc lần này của 2 máy bay ném bom B-52 Mỹ có ý nghĩa không lớn lắm.
Trước hết máy bay ném bom B-52 là một loại máy bay ném bom được nghiên cứu chế tạo vào thập niên 1950 của thế kỷ trước, thể tích lớn, không có khả năng tàng hình, dễ bị radar phòng không phát hiện, trở thành “bia ngắm” của máy bay chiến đấu và tên lửa phòng không hiện đại. B-52 Mỹ đã lộ những điểm yếu này trong chiến tranh Việt Nam.
Sau khi bước vào thế kỷ mới, không quân Mỹ tiếp tục xem xét cắt giảm số lượng máy bay ném bom B-52 do nó quá cũ, khả năng sống sót thấp trong môi trường đối kháng cường độ cao, cần có máy bay tác chiến điện tử và máy bay chiến đấu hộ tống thì mới có thể bước vào chiến trường.
Trong khi đó, Trung Quốc đã xây dựng được hệ thống do thám tình hình trên không và hướng dẫn chỉ huy tương đối hoàn thiện, đặc biệt là sau khi trang bị máy bay cảnh báo sớm tiên tiến với khả năng bao quát chuỗi đảo thứ nhất.
Ngoài ra, các máy bay chiến đấu thế hệ mới J-11, J-10 có khả năng tác chiến tương đối mạnh; máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư J-20 cũng đã trang bị cho quân đội, khả năng đánh chặn trên không tăng nhanh.
Vì vậy, cho dù máy bay ném bom B-52 Mỹ được hộ tống bởi máy bay chiến đấu thì khả năng sống sót cũng không lớn lắm sau khi bay vào khu vực phía đông eo biển Bashi. Bởi chưa cần đến máy bay chiến đấu, ngay cả tên lửa phòng không thế hệ mới của Trung Quốc cũng có thể tiến hành đánh chặn, chẳng hạn tên lửa phòng không S-400 có tầm bắn lên tới 250 km, coi B-52 như là “bia ngắm”.
Hơn nữa, máy bay ném bom H-6K của không quân Trung Quốc được trang bị tên lửa hành trình, tính năng tương đương với tên lửa AGM-86B, được dẫn đường bởi hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu, có khả năng tác chiến trên biển, có thể tiến hành tấn công đối với Guam.
Ngoài ra, lực lượng tên lửa Trung Quốc cũng đã trang bị tên lửa đạn đạo tầm trung Đông Phong-26, có thể tiến hành tấn công đối với các mục tiêu quan trọng ở Guam, từ đó làm mất tác dụng của điểm tựa chiến lược quan trọng này.