(tiếp theo kỳ trước)
Tên lửa Trung Quốc tập “đánh phủ đầu” Mỹ, Nhật Bản
Nghiên cứu của RAND năm 2007 cũng cho rằng các loại đạn tên lửa thứ cấp về cơ bản không có khả năng xuên thủng các nơi nhà chứa kiên cố dùng để đỗ máy bay chiến đấu ở nhiều căn cứ không quân, mà tên lửa đạn đạo của Trung Quốc lại không đủ chính xác để đảm bảo tấn công trực tiếp bằng các đầu đạn đơn nhất, do đó “máy bay chiến đấu trong các hầm trú ẩn có thể sẽ được an toàn trong các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Trung Quốc”.
Điều này hiện nay không còn đúng nữa, vì khả năng đưa các đầu đạn tấn công các địa điểm một cách chính xác như trung tâm chỉ huy chỉ trong vài phút, cũng có thể phá hủy các trung tâm này cùng đội ngũ cán bộ chỉ huy, ngay trong loạt tấn công đầu tiên.
Trung Quốc không ngần ngại thể hiện các khả năng tiên tiến của lực lượng tên lửa PLA. Trung Quốc đã công khai trình diễn một số những tên lửa mới nhất như tên lửa DF-26 “tiêu diệt căn cứ Guam” trong lần duyệt binh kỷ niệm lần thứ 70 năm ngày quốc khánh vào năm 2015 và thậm chí còn sơn dấu hiệu nhận diện tên lửa ở hai cánh bằng tiếng Anh để tất cả đều có thể nhận ra chúng. Lực lượng tên lửa PLA cũng bật những bản nhạc và các hình ảnh trên TV thể hiện việc sử dụng phối hợp nhiều bệ phóng tên lửa, cũng như sử dụng đạn tên lửa thứ cấp.
Liệu có phải là Trận Trân Châu Cảng thứ 2?
Năm 2010, chuyên gia Toshi Yoshihara thuộc Đại học Chiến tranh hải quân Mỹ đã viết rằng các bài viết của PLA chỉ ra rằng lực lượng tên lửa của Trung Quốc có lẽ đang cố gắng nghiên cứu kế hoạch thực hiện đòn tấn công phủ đầu để hạ nốc ao hải quân Mỹ ở châu Á, với đòn tấn công chủ yếu nhằm vào các tàu sân bay và tàu chiến dễ bị tổn thương đang neo đậu tại cảng. Ông Yoshihara cũng đặc biệt lưu ý rằng: “Có lẽ không có nơi nào khác được Trung Quốc thu thấp nhiều hình ảnh như ở Yokosuka, một căn cứ hải quân lớn của Mỹ ở gần Tokyo, nơi neo đậu của tàu sân bay được triển khai lâu dài của hải quân Mỹ mang tên USS Ronald Reagan, cũng như nhiều tàu khác cùng các căn cứ hỗ trợ quan trọng.
Năm 2012, tiến sĩ Yoshihara lại khẳng định rằng: “ Cuộc tấn công bất ngờ của hải quân Nhật vào Trân Châu Cảng đến nay vẫn là một minh chứng nổi tiếng về sự nguy hiểm của việc không chuẩn bị trước và chỉ ra sự cận kề nguy hiểm. Nhưng khả năng các căn cứ của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương có thể lại một lần nữa bị tổn thương như vậy vẫn ít được công luận chú ý hay tranh luận”.
Cụ thể, lực lượng tên lửa PLA có vẻ như đã thực hành tấn công tàu bằng tên lửa đạn đạo nhằm vào mục tiêu kích cỡ tương đương với tàu khu trục lớp Arleigh Burke, thả neo ở một cảng giả, đây là hình ảnh gần giống với cảng thật ở căn cứ hải quân Mỹ tại Yokosuka. Lưu ý rằng hố đạn trông giống như miệng núi lửa nằm sát trung tâm ba tàu mục tiêu, đủ gần để phá hủy ba tàu này chỉ với các đạn tên lửa thứ cấp. Sự thể hiện khả năng tấn công 3 mục tiêu đồng thời có thể báo động Mỹ và các đồng minh rằng đây là một nỗ lực răn đe lâu dài.
Đồng thời, nó cũng khiến người ta nghĩ rằng cách duy nhất mà Trung Quốc có thể mong đợi tiêu diệt được nhiều tàu Mỹ neo ở cảng là thông qua một cuộc tấn công bất ngờ. Nếu không, với những dấu hiệu rõ ràng về một cuộc chiến sắp xảy ra như vậy, Mỹ sẽ cử hạm đội của mình ra khơi nhằm phân tán lực lượng. Một số người hoài nghi có thể nói rằng việc bất ngờ tấn công được Mỹ ngày nay sẽ là không thể, nhưng lịch sử lại cho thấy không thể coi thường khả năng thành công của các cuộc tấn công bất ngờ.
Cần tăng cường biện pháp răn đe
Theo Warontherock, các nỗ lực của Mỹ và đồng minh đều nỗ lực nhằm cải thiện các khu vực phòng thủ như các căn cứ chủ chốt và phân tán các lực lượng, cũng như tiến hành nghiên cứu sâu hơn về hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo như đạn có vận tốc cao, súng điện từ (có sức công phá khủng khiếp) và vũ khí laser. Khả năng răn đe thông thường và các khả năng đặc biệt mà Mỹ có thể phát triển trong một vài năm tới sẽ có vai trò quan trọng trong việc triển khai lực lượng có thể ngăn chặn chiến tranh trong khu vực, trong khi vẫn thực hiện các nhiệm vụ thời bình ở một cấp độ hợp lý. Khả năng hiện thực về mối đe dọa của cuộc tấn công phủ đầu từ lực lượng tên lửa PLA thực sự tồn tại đã thúc đẩy nhu cầu cấp bách phải hành động ngay lập tức.
Trước tiên, Mỹ phải công khai triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa mạnh nhất có thể để bảo vệ các căn cứ ở Nhật Bản. Về lâu dài, các đột phá về công nghệ là rất cần thiết để đuổi kịp mối đe dọa tấn công tên lửa đạn đạo ngày càng chính xác với chi phí hợp lý. Nhưng hiện nay, một hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo nhiều tầng là rất cần thiết, vì các khẩu đội phòng thủ tên lửa và phòng không tầm ngắn Patriot hiện đang bảo vệ các căn cứ của Mỹ và đồng minh ở Nhật Bản có vẻ như không thể chống lại một cuộc tấn công lớn từ Trung Quốc.
Một hệ thống phòng thủ tên lửa mạnh như vậy cùng yêu cầu phải triển khai cả Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD) của quân đội Mỹ tại Nhật Bản, hoặc đưa các tàu khu trục có hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis vào bảo vệ các căn cứ của Mỹ.
Vì các tàu khu trục của Mỹ có thể sẽ có các nhiệm vụ khác nếu xảy ra xung đột với Trung Quốc, việc triển khai THAAD tới Nhật Bản trong tương lai gần sẽ là cần thiết để bảo vệ lực lượng của Mỹ. Một khi đã triển khai, các lực lượng phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ và đồng minh sẽ cần phải công khai thực hành phối hợp phòng thủ chống lại các cuộc tấn công tên lửa đạn đạo quy mô. Thậm chí dù có thực hành tốt vẫn có thể gặp phải thách thức lớn nếu phải chống lại một cuộc tấn công tên lửa đạn đạo bất ngờ, chưa rõ về quy mô trong thực tế, mà chỉ có vài phút để thực hiện và chỉ được phép thực hiện chính xác.
Theo Warontherock, với những khó khăn và sự mơ hồ về việc phòng thủ chống lại một cuộc tấn công bằng tên lửa quy mô lớn, kể cả với các hệ thống phòng thủ mạnh, nhiều tầng nấc, quân đội Mỹ đóng tại các căn cứ ở Nhật Bản và Guam cần phải thực hành sơ tán nhanh chóng các loại thiết bị, vũ khí vốn là mục tiêu của học thuyết của lực lượng tên lửa Trung Quốc.
Tương tự, các trung tâm chỉ huy quan trọng của Mỹ ở Nhật Bản sẽ thực hành các kế hoạch vận hành nhanh chóng một cách liên tục, vì thời gian từ lúc phát hiện việc triển khai tên lửa bởi các radar cảnh báo tên lửa trên không của Mỹ tới lúc có hậu quả chỉ là 10-15 phút. Trong thời gian ngắn như vậy, các trung tâm cảnh báo sớm của Mỹ sẽ phải phát hiện ra cuộc tấn công, đánh giá và cảnh báo các lực lượng của Mỹ ở nước ngoài.
Các nhân viên và tướng lĩnh chỉ huy ở nước ngoài sẽ cần thực hiện các thủ tục sơ tán chỉ trong vài phút. Tương tự, các tàu trên cảng của Mỹ ở khu vực Tây Thái Bình Dương phải có khả năng rút khỏi các vị trí ở bến tàu chỉ trong vài phút, và các đơn vị không quân có giá trị cao trong khu vực cũng phải có khả năng di chuyển nhanh chóng máy bay khỏi vị trí đang đỗ trú. Dù trong trường hợp nào cũng không được phép xảy ra sai sót do thiếu huấn luyện hay không thành thục.
Warontherock khuyến cáo Mỹ và các nước đồng minh nên hành động ngay lập tức để đảm bảo rằng Trung Quốc không cho rằng mình có thể chiếm thế thượng phong trong cuộc xung đột bằng các cuộc tấn công tên lửa vào các căn cứ của Mỹ ở châu Á. Mỹ và đồng minh phải đảm bảo rằng Trung Quốc không bị cám dỗ bởi tham vọng cố hạ gục Mỹ với hy vọng Mỹ không thể hồi phục, như một số đối thủ của Mỹ trước đây đã từng lầm tưởng.