Trang tin Sina Trung Quốc ngày 28/3 dẫn báo Anh cho hay, sau 2 năm bị gác lại, dự án xây dựng đường ống dẫn dầu của Trung Quốc trên lãnh thổ Myanmar cuối cùng đã tái khởi động.
Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ xây dựng một đường ống dẫn dầu mới dài 770 km chạy xuyên qua lãnh thổ Myanmar và thông tới khu vực Tây Nam Trung Quốc. Dự án này là dự án lớn nhất của Trung Quốc ở Myanmar.
Nhờ đường ống này, một bộ phần dầu thô Trung Quốc nhập khẩu từ khu vực Trung Đông sẽ có thể trực tiếp từ Myanmar vận chuyển thẳng về Trung Quốc, không nhất thiết phải đi qua eo biển Malacca.
Trong khi đó, cùng với các dự án khác, như cơ sở lọc dầu 10 triệu tấn ở tỉnh Vân Nam, dự án xây dựng đường ống này, nếu được thực hiện, sẽ làm giảm mạnh tình hình thiếu hụt dầu khí của khu vực Tây Nam Trung Quốc.
Các nguồn tin từ quan chức và giới công thương Myanmar xác nhận, sau 2 năm gián đoạn, Trung Quốc và Myanmar đã quay lại đạt được thỏa thuận về các vấn đề còn vướng mắc của tuyến đường ống dẫn dầu này.
Những năm gần đây, quan hệ Trung Quốc - Myanmar đã trở nên lạnh nhạt sau khi Chính phủ Myanmar đóng băng dự án đập thủy điện Myitsone. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là đối tác hợp tác kinh tế lớn nhất của Myanmar. Một số nhân vật có ảnh hưởng ở Myanmar nhận thức được lợi ích tiềm tàng của sáng kiến "Một vành đai, một con đường" đối với phát triển đất nước.
Tương tự, do Myanmar có vị thế chiến lược to lớn trong hành lang kinh tế trên bộ kết nối tỉnh Vân Nam, Trung Quốc với Ấn Độ Dương, Trung Quốc cũng không thể để "mất đi" Myanmar.
Đặc biệt là đường ống kết nối Vân Nam với thủ đô Myanmar cho phép dầu mỏ và khí đốt được vận chuyển về Trung Quốc, không nhất thiết phải đi qua eo biển Malacca, giảm sự lệ thuộc của nhập khẩu dầu mỏ Trung Quốc từ Trung Đông vào eo biển Malacca.
Nếu Trung Quốc xây dựng được đường ống dầu khí Trung Quốc đi qua Myanmar và tránh được eo biển Malacca thì Trung Quốc sẽ có hai ưu thế rất có giá trị:
Một là có thể bỏ qua eo biển Malacca, nơi cướp biển hoạt động mạnh. Trên thế giới, eo biển Malacca là nơi hoạt động nhộn nhịp nhất của cướp biển hiện đại.
Số vụ tấn công của cướp biển tại eo biển Malacca chiếm 56% tổng số toàn cầu. Như vậy, vận chuyển dầu khí bỏ qua eo biển Malacca có thể giúp Trung Quốc tránh được sự tổn thất không cần thiết.
Hai là có thể tránh eo biển Malacca, lựa chọn được tuyến đường có ưu thế giá trị lớn hơn. 80% hydrocarbon nhập khẩu của Trung Quốc đi qua eo biển Malacca. Nếu xảy ra khủng hoảng địa chính trị, Trung Quốc sẽ dễ dàng bị hạm đội Hải quân Mỹ phong tỏa cung ứng năng lượng ở nước ngoài.
Tái khởi động dự án đường ống dầu khí là một sự khởi đầu tốt của quan hệ hai nước Trung Quốc và Myanmar trong giai đoạn hiện nay, có lợi cho cải thiện quan hệ song phương bị lạnh nhạt trong một khoảng thời gian trước đây.
Trung Quốc chắc chắn sẽ nỗ lực để gia tăng các hợp tác với Myanmar, bao gồm có thể yêu cầu khôi phục dự án đập Myitsone, thực hiện dự án đường sắt cao tốc kết nối tỉnh Vân Nam, Trung Quốc với Myanmar, Thái Lan và Malaysia.