Trung Quốc sở hữu “vũ khí” 1,1 nghìn tỷ USD trong thương chiến, nhưng liệu có dùng tới?

VietTimes -- Hơn một tuần qua, thương chiến Mỹ - Trung bất ngờ tăng nhiệt. Bắc Kinh hạ giá đồng NDT sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa áp thuế đối với gần như tất cả lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Mỹ còn gán danh "nước thao túng tiền tệ" cho Trung Quốc, càng khiến căng thẳng gia tăng.
Thương chiến Mỹ-Trung có thể biến thành một cuộc chiến tiền tệ (Ảnh: Reuters)
Thương chiến Mỹ-Trung có thể biến thành một cuộc chiến tiền tệ (Ảnh: Reuters)

Hàng loạt động thái của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã làm rúng động các thị trường toàn cầu và đe dọa nền kinh tế thế giới. Giờ ai cũng đoán xem điều gì sắp xảy ra.

Trung Quốc từng tuyên bố họ luôn sẵn sàng chiến đấu nếu cần thiết. Và họ sẵn có một thứ vũ khí mạnh mẽ ngay dưới tay áo: Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của chính phủ Mỹ. Trên lý thuyết, Bắc Kinh có thể gây ra tình trạng hoảng loạn trên các thị trường trái phiếu bằng cách bán tháo một số trong 1,1 nghìn tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ mà họ đang nắm giữ.

Một khi Trung Quốc bán tháo lượng trái phiếu này, giá của nó sẽ sụp đổ, khiến cho tỷ lệ lãi suất tăng mạnh và chi phí vay mượn ở Mỹ tăng đột biến. Nhưng có nhiều lý do để Trung Quốc không sử dụng đến thứ vũ khí này. Đầu tiên, nó không mang lại hiệu quả như họ mong muốn. Thứ hai, hành động này có thể gây ra tác động ngược lên nền kinh tế của họ.

"Nó chắc chắn không phải công cụ sẵn có hiệu quả nhất" - Brad Setser, chuyên gia phân tích thuộc Hội đồng Đối ngoại và là cựu kinh tế gia thuộc Bộ Tài chính Mỹ, nhận định.

Trong những ngày gần đây, Trung Quốc đã có một số động thái liên quan tới đồng tiền trong nước, điều này cho thấy đồng NDT giảm giá là một lời cảnh báo của họ. Tuy nhiên, Tổng thống Trump vẫn có thể đáp trả, dù cho chính quyền của ông đang giữ vững kế hoạch tổ chức thêm các vòng đàm phán thương mại trong tháng 9. Đây là tình trạng cho thấy căng thẳng giữa hai nước còn có thể tiếp tục gia tăng, và nhiều người lo ngại rằng Trung Quốc sẽ vận tới thứ vũ khí trái phiếu.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, nếu Trung Quốc thực sự muốn tung đòn chí mạng với Mỹ, họ có thể hạ giá trái phiếu kho bạc Mỹ bằng cách bán tháo chúng ra thị trường. Hành động này sẽ khiến tỷ lệ lãi suất tăng. Và do tỷ lệ lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ được xem như thước đo lòng tin người tiêu dùng và doanh nghiệp; các khoản nợ doanh nghiệp, các khoản vay thế chấp sẽ tăng, hãm phanh đà tăng trưởng nền kinh tế Mỹ. Đồng USD cũng sẽ chịu ảnh hưởng.

Nhưng trên thực tế, động thái như vậy tiềm ẩn rủi ro rất lớn và không phù hợp với chiến lược hiện tại của Trung Quốc - Michael Hirson, chuyên gia phân tích thuộc Eurasia Group, nhận định.

"Rõ ràng là tình trạng căng thẳng đang dần gia tăng" - ông Hirson nhận định - "Nhưng tôi nghĩ rằng mục đích chính của Bắc Kinh ở thời điểm hiện tại là chịu đựng sức ép từ ông Trump. Có thể nghĩ về nó như kiểu "kiên nhẫn là trên hết"".

Và theo quan điểm như trên, việc bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ là phản tác dụng. Nếu Bắc Kinh bán tháo một lượng trái phiếu Mỹ mà họ sở hữu, lượng còn lại mà họ nắm giữ cũng giảm giá. Bắc Kinh cần có kho trái phiếu Mỹ để bảo vệ đồng tiền của họ. Giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ cố gắng thiết kế một đợt giảm giá đồng NDT trong những tháng tới đây, nhằm giảm bớt chút sức ép cho nền kinh tế mà không tạo nên làn sóng "chảy máu" nguồn vốn.

Một lý do khác: Việc bán tháo trái phiếu của Mỹ sẽ gây ảnh hưởng tới chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài đối với các thị trường trái phiếu và chứng khoán của họ.

"Họ cần có nguồn vốn từ nước ngoài để che chắn cho đồng NDT trong bối cảnh chiến tranh thương mại" - ông Hirson nói - "Nếu Trung Quốc vũ khí hóa trái phiếu Mỹ, họ sẽ gửi đi một thông điệp rất đáng báo động tới các nhà đầu tư trên toàn thế giới".

Cũng có nhiều câu hỏi đặt ra rằng, liệu việc Trung Quốc bán tháo trái phiếu Mỹ có thực sự gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ? Ông Setser tỏ ra hoài nghi về điều này. "Ngay khi việc bán tháo trái phiếu gây ảnh hưởng tiêu cực đến nước Mỹ, Fed chắc chắn sẽ hành động" - ông Setser nói.

Trong một bản báo cáo trình Quốc hội năm 2012, Bộ Ngoại giao Mỹ từng chỉ ra rằng Fed "hoàn toàn đủ khả năng" để mua lại hết lượng trái phiếu kho bạc Mỹ mà Trung Quốc bơm ra thị trường, nhằm giảm thiểu hậu quả đối với nền kinh tế Mỹ.

Thêm vào đó, Trung Quốc có rất ít thứ thay thế cho trái phiếu Mỹ để gửi gắm nguồn ngoại tệ lên tới 3,1 nghìn tỷ USD của họ. Trái phiếu chính phủ Đức và Nhật Bản cũng là một lựa chọn, nhưng lãi suất cao nhất chỉ là 0%. Lãi suất 1,63% với trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm rõ ràng tốt hơn nhiều so với âm 0,59% của Đức.

Trên lý thuyết, Trung Quốc vẫn có thể dùng khối tài sản này để đe dọa Mỹ. Nhưng thực sự nó chẳng có mấy sức hấp dẫn.

Theo CNN