Cuộc chiến thương mại nông nghiệp của ông Trump đã “phủ sóng” toàn cầu

VietTimes -- Cuộc chiến thương mại kéo dài suốt hai năm qua của Tổng thống Trump với Trung Quốc, trong đó nông nghiệp là tâm điểm của mọi tranh chấp đã được báo chí khai thác triệt để. Nhưng báo chí chưa phản ánh đủ những tác động toàn cầu –cả hai mặt tích cực và tiêu cực của mối xung đột dai dẳng này. Tiến sỹ Terry Buss (Học viện Hành chính Quốc gia Hoa Kỳ) đã có bài viết riêng cho VietTimes về chủ đề này.

Ông Trump đã phát động hoặc đe dọa sẽ phát động thương chiến nông nghiệp với các quốc gia và tổ chức khu vực (EU) thông qua các hiệp định thương mại hiện có, khiến cho nguy cơ xung đột thương mại toàn cầu hoàn toàn có thể xảy ra.

Đồng thời, ông Trump cũng đang tăng cường vũ khí hóa thương mại nông nghiệp, dùng lệnh trừng phạt và tẩy chay để trả đũa các đối thủ.

Việc ông Trump có những động thái gây gián đoạn hệ thống thương mại toàn cầu là hệ quả của nỗi thất vọng sâu sắc trước việc nhiều quốc gia đang tìm cách gây bất lợi và lạm dụng nước Mỹ trên thị trường quốc tế. Tổng thâm hụt thương mại của Mỹ năm 2018 lên đến 900 tỷ đô la, phần lớn là thâm hụt trong nông nghiệp.

Ông Trump đã xác định việc “chỉnh đốn” lại cán cân thương mại là một ưu tiên chính sách hàng đầu trong nhiệm kỳ của mình.

Cuộc chiến thương mại của ông Trump đang diễn ra từng bước, nhưng quyết liệt, thay đổi lại hệ thống thương mại toàn cầu – tuy không hẳn chỉ là những thay đổi tốt.

Chiến tranh thương mại xảy ra khi các quốc gia cạnh tranh áp đặt thuế quan, hạn ngạch xuất khẩu, tẩy chay và trừng phạt đối với hàng hóa và dịch vụ của nhau – có thể là xuất khẩu hoặc nhập khẩu. Các quốc gia tham gia vào các cuộc chiến thương mại nhằm tiếp cận tốt hơn với thị trường nước ngoài hoặc hạn chế tiếp cận với các đối tác trong nước. Trong một số trường hợp, một quốc gia tìm cách cải thiện cán cân thương mại bằng cách xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu.

Ông Trump đã phát động cuộc chiến thương mại toàn cầu bằng việc rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi nhậm chức vào năm 2017. Trước đó, chính quyền của TT Barack Obama đã đàm phán TPP với 11 quốc gia châu Á Thái Bình Dương, bao gồm cả Việt Nam. Hiệp định này được ca ngợi là “chuẩn mực vàng” cho các thỏa thuận thương mại tự do. Việt Nam chỉ có lợi khi thị trường Mỹ mở cửa và tăng cường đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Bằng việc rút khỏi thỏa thuận, ông chủ Nhà Trắng đã không chỉ nhường lại thị trường thương mại khu vực cho Trung Quốc mà còn khiến các chuyên gia thương mại Mỹ phải mất công đàm phán lại các thỏa thuận song phương với 11 quốc gia khác. Hai năm đã trôi qua và chưa có thỏa thuận mới nào được chốt. Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn đang chờ đợi một thỏa thuận, nhưng cũng đang đồng thời cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc.

Tháng 3 năm 2018, 11 quốc gia còn lại, bao gồm cả Việt Nam, đã thống nhất ký vào một phiên bản sửa đổi của TPP mà không có sự tham gia của Mỹ và Trung Quốc.

Tệ hơn nữa, ông Trump phải đối mặt với sự phản đối quyết không nhân nhượng tại Quốc hội từ đảng Dân chủ, những người luôn chủ trương chống lại thương mại tự do. Các hiệp định thương mại nông nghiệp đang đàm phán với Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam có thể không đạt được kết quả.

Sau TPP, đầu năm 2018, ông Trump đã áp đặt thuế quan để bảo vệ các nhà sản xuất thép và nhôm của Hoa Kỳ khỏi sự cạnh tranh toàn cầu và để phản đối các chính sách và hành động thương mại của Trung Quốc nói chung. Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Thổ Nhĩ Kỳ, Canada và Mexico đã ngay lập tức trả đũa 800 nhà xuất khẩu nông sản và thực phẩm của Hoa Kỳ bằng đòn thuế quan, khiến cho ngành công nghiệp trị giá 26,9 tỷ USD của nước Mỹ chao đảo. Nông nghiệp Mỹ là ngành dễ tổn thương bởi đòn trả đũa. Hệ quả sau đó là Trung Quốc đã tụt từ vị trí nhà nhập khẩu nông sản lớn nhất của Hoa Kỳ xuống thứ năm.

Những hành động này đã dẫn đến một cuộc chiến thương mại toàn cầu hiện đang sôi sục.

Trung Quốc là nước có thặng dư thương mại lớn trong giao thương với Mỹ - xuất khẩu đạt 539 tỷ USD trong năm 2018 trong khi chỉ nhập khẩu 120 tỷ USD giá trị hàng hóa. Tuy nhiên, Trung Quốc nhập khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp và hàng hóa từ Mỹ, đạt 24 tỷ USD trong khi xuất khẩu nông sản chỉ ở mức 5 tỷ USD. Đậu nành chiếm một nửa nhập khẩu nông sản của Trung Quốc, tiếp theo là thức ăn chăn nuôi, gia cầm, sữa, thịt lợn và lúa mì.

Mỹ đã phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc vào năm 2017 để giảm thâm hụt thương mại, tuyên bố lý do rằng Trung Quốc hạn chế doanh nghiệp Mỹ tiếp cận thị trường nước này và trợ cấp không công bằng cho doanh nghiệp trong nước. Trung Quốc cũng sử dụng các công ty nhà nước như một con bài để đạt được lợi thế cạnh tranh.

Người Trung Quốc biết rằng Mỹ muốn duy trì vị thế thống lĩnh của mình trong xuất khẩu một số mặt hàng nhất định, đặc biệt là đậu nành. Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa trông cậy vào sự hậu thuẫn tài chính của nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp, bởi vậy bảo vệ quyền lợi của phân khúc này là một trọng tâm chính sách của Mỹ. Ngành xuất khẩu nông nghiệp Mỹ đang thu hút khoảng 1,2 triệu nhân lực. Năm 2019, cuộc chiến thương mại đã khiến xuất khẩu nông sản của Mỹ giảm xuống 1,9 tỷ USD từ 142 tỷ USD.

Đáp lại việc Mỹ áp thuế quan lên hàng xuất khẩu của Trung Quốc, Bắc Kinh phản đòn áp thuế đối với tất cả các mặt hàng nông sản. Trong nỗ lực bảo vệ nền nông nghiệp, chính phủ Mỹ đã chi 16 tỷ USD trợ cấp cho các hộ nông dân và công ty bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nhiều người dân và doanh nghiệp sẽ rời bỏ ngành này, nhiều người khác thì đang lo lắng sẽ không tiếp cận được thị trường Trung Quốc nữa.

Brazil, đối thủ cạnh tranh hàng đầu của Mỹ về đậu nành, đang tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc. Argentina cũng bắt đầu lấp đầy khoảng trống do Mỹ để lại.

Tháng 6 năm 2019 tại cuộc họp G20 ở Osaka, Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc đã bắt tay đình chiến. Tổng thống Trump dỡ bỏ lệnh trừng phạt làm tê liệt ông lớn công nghệ của Trung Quốc là Huawei và Trung Quốc đồng ý tiếp tục mua đậu nành. Cả hai nước đều có kế hoạch nối lại đàm phán.

Tháng 7 năm 2019, Mỹ trông đợi Trung Quốc tăng đáng kể lượng nhập khẩu đậu nành từ nước này, coi đó là “nhành nguyệt quế” đánh dấu thành công của một thỏa thuận thương mại mới. Vậy nhưng thực tế lại là sự bực mình của ông chủ Nhà Trắng về việc Trung Quốc đã không đạt nhập khẩu đủ theo thỏa thuận trước đó, và đáp lại Mỹ sẽ áp thuế nhập khẩu lên khoảng 300 tỷ USD giá trị hàng hóa của Trung Quốc.

Cùng lúc đó, Brazil, nước nhập khẩu đậu nành hàng đầu của Mỹ bắt đầu tăng cường xuất mặt hàng này sang Trung Quốc. Phần khoảng trống còn lại trên thị trường được Argentina phủ lấp nốt.

Các công ty nước ngoài, bao gồm cả các nhà sản xuất thực phẩm, đã bắt đầu chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang các nước châu Á - Thái Bình Dương để tránh các cuộc chiến thương mại và các lệnh trừng phạt của Mỹ. Nhiều quốc gia không ngần ngại đưa ra hàng loạt các chính sách ưu đãi thuế và trợ cấp cho các công ty này.

Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng tiêu cực trong tương lai vì mục đích của dự án tiêu tốn nhiều nghìn tỷ USD này là nhằm liên kết các thị trường Trung Quốc với Châu Âu, Trung Đông, Nam Á và Đông Phi. Các mặt hàng và sản phẩm nông nghiệp có thể sẽ không lưu thông dọc theo các tuyến giao thương đường bộ và đường biển như Trung Quốc đã dự tính.

Đến tháng 8, Mỹ và Trung Quốc vẫn không thể đạt thêm được bước tiến mới nào trong những tranh chấp thương mại. Nhiều nhà quan sát cho rằng Trung Quốc có kế hoạch “án binh bất động” đến tận tháng 11/2020 trước khi chính thức đàm phán nghiêm túc với Mỹ. Trung Quốc hy vọng đảng Dân chủ với chính sách yếu ớt về thương mại sẽ đánh bại Tổng thống đương nhiệm trong kỳ bầu cử lần tới đây.

Cùng lúc đó, Cục dự trữ liên bang ra chỉ dấu sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất áp dụng cho các ngân hàng – một động thái sẽ làm tăng cường các hoạt động đầu tư tại thị trường Mỹ.

Sau hai năm, các nhà đàm phán đã đưa ra được một thỏa thuận mới (USMCA) với Mexico và Canada để thay thế cho thỏa thuận hiện tại (NAFTA) do Tổng thống Bill Clinton ký năm 1994. USMCA cho phép giao thương tự do ở khắp khu vực Bắc Mỹ. Với gần 325.000 nhân công đang làm việc trong ngành xuất khẩu nông sản sang Mexico và Canada, nước Mỹ sẽ nhận ra những lợi ích to lớn, đặc biệt là từ các sản phẩm sữa. Đúng thời điểm bài báo này được viết, ông Trump đang chờ Quốc hội phê chuẩn thỏa thuận này.

Thành công trong việc hoàn tất thỏa thuận USMCA của ông Trump có thể đã khiến ông chủ Nhà Trắng có bước đi mạnh mẽ hơn, buộc Trung Quốc và các nước khác phải đồng ý với các điều khoản thương mại tốt hơn cho nước Mỹ.

Mặc dù Mỹ đã đặt bút ký thỏa thuận USMCA vào tháng 11/2018 nhưng cho đến tháng 8/2019 Quốc hội vẫn chưa thông qua thỏa thuận này trong một nỗ lực nhằm phủ nhận thắng lợi chính trị quan trọng của Tổng thống Trump.

Mặc dù các nhà đàm phán đã đạt được thỏa thuận USMCA, ông Trump vẫn đe dọa sẽ phát động cuộc chiến thuế quan với Mexico do nước này đã không thể ngăn chặn khoảng 1 triệu người nhập cư bất hợp pháp từ Honduras, El Salvador và Guatemala tràn vào Mỹ qua biên giới Mexico.

Ông Trump đe dọa sẽ áp thuế quan lên các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Mexico, đặc biệt là cà chua và bơ. Mức thuế quan sẽ được tăng hàng tháng cho đến khi Mexico tuân thủ. Mexico đã phải nhượng bộ các yêu cầu này. 15.000 quân lính Mexico đã được triển khai dọc biên giới với Mỹ, bắt đầu tiến hành trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp trên đường đến biên giới và tiếp tục cung cấp thị cho họ ở lại Mexico thay vì đến Mỹ.

Một lần nữa, thành công này có thể tiếp tục thúc đẩy ông Trump có các động thái mới. Từ trước đến giờ, chưa có Tổng thống Mỹ nào đạt được sự hợp tác như vậy của Mexico trong vấn đề nhập cư bất hợp pháp.

Sau phản ứng của EU trước mức thuế quan áp lên thép và nhôm nhập khẩu cùng với thiện chí thỏa hiệp, tương lai về một thỏa thuận thương mại Mỹ-EU là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, hiện tại chưa có thỏa thuận nào hé lộ manh nha thành hiện thực. Cốt lõi của mọi sự đình trệ là vấn đề thực phẩm.

Theo Tạp chí Fortune, ông Trump sẽ không đàm phán bất kỳ thỏa thuận nào không bao gồm mở cửa thị trường châu Âu cho nông dân và nhà sản xuất Hoa Kỳ; EU sẽ không tham gia bất kỳ thỏa thuận nào không bảo vệ nông dân và duy trì các tiêu chuẩn thực phẩm ít người hiểu được và không giống với tiêu chuẩn của Mỹ. Điều quan trọng là các công ty nông nghiệp của Mỹ có quy mô rất lớn so với quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ của EU – đây là điều bất lợi cho họ.

Ngày 02/07 vừa rồi, Tổng thống Trump tuyên bố ông sẽ tấn công ngành công nghiệp thực phẩm EU bằng mức thuế quan mới trừ khi họ ngừng trợ cấp cho Airbus là đối thủ cạnh tranh của Boeing. Ông sẽ áp thuế quan lên 4 tỷ USD nông phẩm bao gồm phô mai, rượu whisky, quả oliu và mì ống.

EU vẫn đang có thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, nhưng những thỏa thuận này không đe dọa đến nông nghiệp châu Âu bởi EU không nhập khẩu thực phẩm từ Trung Quốc.

Trong ba năm qua, nước Anh đã cố gắng rút khỏi EU (Brexit). Thời hạn đang đến gần và nước Anh vẫn chưa sẵn sàng. Nhưng các nhà hoạch định chính sách của Anh rất hào hứng về việc sẽ ký kết thỏa thuận với các nước khác. Hiện tại, EU đàm phán thương mại trong tư cách khối, đại diện cho tất cả các quốc gia EU.

(ảnh Yahoo News)
(ảnh Yahoo News)

Các cuộc thảo luận sơ bộ về thương mại Anh - Mỹ đã cho thấy những khó khăn, bất cập. Vương quốc Anh có tiêu chuẩn thực phẩm theo quy định của EU. Các quy định này gần như không thể thay đổi do sự phức tạp và khác biệt của chúng. Hoa Kỳ có các tiêu chuẩn thực phẩm khác và đó lại là một vấn đề nữa. Ví dụ, các nhà sản xuất Mỹ tẩy rửa gà bằng clo, Anh thì không. Cơ hội đạt được thỏa thuận mà trọng tâm là nông nghiệp rất mong manh do hai bên có các tiêu chuẩn thực phẩm, chính sách bảo vệ người tiêu dùng và các phương thức sản xuất đại trà khác nhau. Tuy nhiên có một điểm chung là cả hai đều phải đối trọng với EU và Trung Quốc.

Trong năm 2019, Pháp đã rút khỏi thỏa thuận thương mại. Nước này đã thông qua luật đánh thuế các công ty đa quốc gia của Mỹ như Amazon, Facebook, Google, Apple và nhiều công ty khác. Hiện ông Trump đang lên kế hoạch trả đũa bằng việc áp thuế lên sản phẩm rượu nhập khẩu từ Pháp. Các nước châu Âu khác, Tây Ban Nha và Anh cũng thấy cơ hội áp thuế lên các tập đoàn đa quốc gia – điều này có thể sẽ khiến cuộc chiến thương mại bùng phát rộng hơn nữa.

Châu Phi không phải là mục tiêu của chiến tranh thương mại, nhưng châu lục này đã bị ảnh hưởng do hậu quả của GDP giảm, giá hàng hóa giảm, sự gián đoạn của đồng nội tệ và biến động trên thị trường chứng khoán. Khi thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc có hiệu lực, Trung Quốc giảm nhập khẩu từ châu Phi, vốn là trọng tâm quan tâm của Bắc Kinh, bao gồm nông nghiệp. Những tác động tiêu cực này gây ảnh hưởng xấu đến các nỗ lực của Mỹ nhằm giúp các nền kinh tế châu Phi tăng trưởng và phát triển. Hoa Kỳ đã nhận thức được vấn đề nan giải này và đưa ra Sáng kiến thịnh vượng châu Phi để chống lại Trung Quốc. Mỹ cũng đang tiếp tục chương trình cung cấp các thỏa thuận thương mại thuận lợi cho các nước châu Phi. Các nước châu Phi cũng đang hình thành thỏa thuận thương mại mới với nhau.

Châu Mỹ La tinh cũng phải đối mặt với sự gián đoạn tương tự như ở châu Phi. Chile và Peru đã bị ảnh hưởng sâu sắc khi Mỹ rút khỏi TPP.

Nhưng Mỹ đã sử dụng con bài thương mại như một thứ vũ khí để trả đũa cho những hành động trái ý chính quyền của ông Trump.

Cuba

Sau khi TT Obama cải thiện quan hệ với Cuba, TT Trump đã đảo ngược chính sách này và thắt chặt hơn nữa để buộc Cuba phải mở cửa và cải cách nền kinh tế. Theo Liên đoàn Cục nông nghiệp Mỹ, Cuba đã mua gần 5,8 tỷ USD các sản phẩm nông nghiệp của Hoa Kỳ, chủ yếu là thịt gà, thịt lợn và thức ăn chăn nuôi từ năm 2001 đến 2017. Cuba, vẫn đang phải thi hành một số lệnh trừng phạt, đã không mua lúa mì của Mỹ kể từ năm 2011 mà mua của Canada và EU. Từ năm 2008, Brazil và Việt Nam đã xuất khẩu gạo sang Cuba. Hiện tại nền kinh tế Cuba vẫn đang khủng hoảng.

Venezuela

Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế lớn đối với Venezuela nhằm hạ bệ chính phủ thất bại của ông Nicolas Maduro. Mục tiêu chính là ngăn chặn xuất khẩu dầu. Thổ Nhĩ Kỳ trở thành nhà xuất khẩu thực phẩm lớn cho Venezuela với mức 1 tỷ USD hàng năm với khoản chi từ nguồn vàng dự trữ quốc gia. Ông Trump đang tính đến khả năng cấm vận hoàn toàn đối với Venezuela.

Tổng thống Trump đang gia tăng áp lực lên các nước khác để tạo lợi thế tốt hơn cho thương mại Mỹ. Chiến tranh thương mại nông nghiệp đang rất gần.

Ấn Độ

Mới đây, Hoa Kỳ đã loại Ấn Độ khỏi chương trình thương mại đặc biệt có tên Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) cho phép miễn thuế đối với một số sản phẩm từ các nước đang phát triển. GSP mang lại lợi thế thương mại cho các nền kinh tế mới nổi để giúp họ tăng trưởng và phát triển. Nhưng Ấn Độ đã áp đặt các rào cản thương mại và thuế quan nghiêm ngặt đối với hàng xuất khẩu của Mỹ trong khi tận dụng lợi thế của Hệ thống GSP. Giá trị xuất khẩu nông sản của Mỹ sang Ấn Độ chỉ dừng ở mức 1,5 tỷ USD. Tuy nhiên việc này mang lại những hệ lụy chính trị. Ấn Độ là bạn hữu và là đối trọng quan trọng của Mỹ để chống lại Trung Quốc.

Nhật Bản

Các cuộc đàm phán thương mại của Nhật Bản và Mỹ đang được tiến hành một cách chậm chạp. Mỹ muốn Nhật Bản ngay lập tức dỡ bỏ hoặc giảm thuế nhập khẩu nông sản đối với các sản phẩm của Mỹ trị giá 18 tỷ USD. Nhật Bản sẽ không nhượng bộ mà khẳng định rằng nông nghiệp phải được đàm phán như là một phần của thỏa thuận rộng hơn. Nhật Bản e ngại rằng họ có thể từ bỏ quá nhiều trước khi đàm phán. Nhật Bản cũng đang ra sức bảo vệ nông dân của họ. Mỹ cho rằng điều này sẽ không giúp gì trong cuộc chiến thương mại nông nghiệp với Trung Quốc bởi Mỹ đang tìm kiếm thị trường thay thế nước này.

Hàn Quốc

Hiệp định thương mại tự do Mỹ - Hàn hiện giờ được ký từ năm 2012. Cho đến nay, Mỹ vẫn là nước xuất khẩu nông sản lớn nhất sang Hàn Quốc với kim ngạch xuất khẩu đạt 25 tỷ USD. Hàn Quốc có vai trò quan trọng đảm bảo vị thế thống lĩnh trong xuất khẩu nông sản của Mỹ.

Trong vài tháng vừa qua, Nhật Bản và Hàn Quốc đã bắt đầu cuộc chiến thương mại của riêng mình. Mặc dù không liên quan đến nông nghiệp nhưng cuộc chiến này thực sự là một thảm họa cho nước Mỹ trong nỗ lực đảm bảo đối trọng giữa khối thương mại Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản với Trung Quốc. Ông Trump đã đề nghị được làm bên hòa giải cho cuộc tranh chấp của hai nước này.

Israel

Mỹ đang bảo vệ Israel khi các đối thủ tìm cách phá hủy nền kinh tế của nước này bằng việc ngừng xuất khẩu và giảm nhập khẩu. Các mặt hàng và sản phẩm nông nghiệp là mục tiêu chính vì Israel không thể tự cung cấp lương thực. Phong trào Tẩy chay, Thoái vốn đầu tư và Trừng phạt Israel (BDS), vốn được nhiều người ủng hộ, kể cả trong các cơ quan của Liên Hợp Quốc, muốn trừng phạt Israel vì cách đối xử với người Palestine. Nhưng phong trào này đã thất bại bất chấp những nỗ lực lặp đi lặp lại. Mỹ đe dọa trả đũa kinh tế và viện trợ nước ngoài đối với bất kỳ quốc gia nào thực hiện chiến lược BDS. Trong một động thái thống nhất hiếm hoi, Quốc hội Mỹ đã ra tuyên bố chỉ trích phong trào BDS.

Kinh tế thương mại

Cuộc chiến thương mại do ông Trump phát động đã lan ra toàn cầu. GDP toàn cầu, GDP quốc gia và GDP khu vực đều đang giảm. Thị trường chứng khoán khắp nơi lên xuống chao đảo do những tin tức liên quan đến đàm phán thương mại của Mỹ. Cả nền kinh tế Trung Quốc và Hoa Kỳ đều đang phải gánh chịu hậu quả, các nhà sản xuất và người tiêu dùng cũng chung số phận. Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) nhận định Trung Quốc sẽ chịu nhiều tổn thương hơn trong cuộc chiến này bởi nền kinh tế của họ phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu.

Trớ trêu thay, khoản thâm hụt ngân sách thương mại của nước Mỹ khiến ông Trump luôn trăn trở vẫn đang tiếp tục tăng lên bất chấp các đòn thuế quan và trừng phạt. Chỉ tính riêng từ tháng Tư đến tháng Năm vừa rồi, tổng thâm hụt ngân sách đã tăng từ 51,2 lên 55,5 tỷ USD. Giá trị nhập khẩu nông sản tăng nhẹ khoảng 700 triệu USD để đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng và các ngành công nghiệp.

ảnh USCUSA
ảnh USCUSA

Về lâu dài, các hiệp định thương mại hiện tại sẽ bị hủy bỏ và các hiệp định mới được thực thi khi mối quan hệ giữa các quốc gia phát triển do hậu quả của cuộc chiến thương mại. “Các chuỗi cung ứng” có thể sẽ bị gián đoạn và phải cấu trúc lại.

Kẻ thắng, người thua đang dần định hình. Brazil đang thay thế Mỹ trở thành nhà xuất khẩu đậu nành hàng đầu thế giới. Nhưng khi làm như vậy, Brazil đang phá hủy các khu rừng mưa nhiệt đới quan trọng để trồng thêm đậu nành. Theo CNBC, các chuỗi nhà hàng bán đồ ăn nhanh của Mỹ như McDonalds đang mở rộng mạng lưới tại Trung Quốc.

Các nước đang bắt đầu thay thế sản phẩm nhập khẩu bằng sản phẩm sản xuất nội địa. Ngày càng nhiều công ty Mỹ tìm thấy sức hút ngay chính tại thị trường trong nước.

Theo Bloomberg, một số công ty Trung Quốc đã tránh thuế quan của Mỹ bằng cách chuyển hướng sản xuất một phần sản phẩm của họ sang một quốc gia khác trong khi vẫn duy trì trụ sở tại Trung Quốc. Mới nhất là việc Mỹ mạnh tay áp mức thuế nặng lên một số sản phẩm thép của Việt Nam do các công ty này bị cáo buộc lẩn tránh thuế. Hình thức trừng phạt này của Mỹ có thể sẽ được áp dụng rộng rãi trong cả nông nghiệp khi cuộc chiến thương mại tiếp tục lan rộng.

Thêm vào đó, Tổng thống Trump nổi tiếng là người luôn tung đòn khiêu khích sau đó rút lại, và hậu quả là khiến cho hệ thống thương mại toàn cầu luôn trong tình trạng không ổn định.

Không ai có thể dự đoán được hệ quả sẽ thế nào, chỉ biết là tình hình có vẻ không hứa hẹn nhiều điều tốt lành.

Đào Thúy chuyển ngữ