Theo trang tin Ifeng ngày 13/7, Trung tướng Trương Hồng Hạ, Phó Tư lệnh Không quân Trung Quốc mới đây tiết lộ với tờ “South China Morning Post”: Do J-15 liên tiếp xảy ra các sự cố hàng không khiến mấy phi công ưu tú thiệt mạng nên Trung Quốc đã bắt đầu nghiên cứu chế tạo loại máy bay cất hạ cánh trên hạm mới để thay thế loại J-15 hiện đang được sử dụng cho tàu Liêu Ninh”.
Tạp chí Mỹ “The National Interest” cho rằng, do J-15 tồn tại những khuyết hãm không thể khắc phục được nên người Trung Quốc buộc phải loại bỏ nó để thay thế bằng loại máy bay khác.
Chiếc J-15 đang cất cánh từ tàu Liêu Ninh
|
J-15 hiện là loại máy bay duy nhất của Trung Quốc có thể cất hạ cánh trên tàu sân bay. Tuy nhiên do những khuyết hãm quan trọng nên có thể chúng thực sự không được bố trí trên tàu Liêu Ninh nữa. Theo hãng tin Nhật Kyodo ngày 5/7. Từ khi bắt đầu được đưa vào huấn luyện cất hạ cánh trên tàu Liêu Ninh hồi tháng 11/2012 đến nay, theo thống kê chưa đầy đủ đã có ít nhất 4 chiếc bị rơi. Tuy nhiên chỉ có hai vụ được truyền thông Trung Quốc đưa tin công khai: Ngày 27/4/2016, chiếc J-15 do phi công Trương Siêu đang tập luyện cất hạ cánh trên mô hình tàu sân bay trên bộ đã xảy ra sự cố về điện, không thể điều khiển được, Trương Siêu buộc phải nhảy dù nhưng bị thương nặng, cứu chữa không được.
Đến tháng 6/2017, báo chí lại tiết lộ về một vụ khác xảy ra ngày 6/4/2016 trước đó hơn 1 năm: phi công Tào Tiên Kiến điều khiển chiếc J-15 sau khi cất cánh thì phát hiện thấy hệ thống công tác của máy bay bị sự cố. Không khắc phục được, Kiến buộc phải nhảy dù, bị thương nặng phải vào viện điều trị 419 ngày. Bài báo biểu dương tinh thần, ý chí kiên trì tập luyện của viên phi công này, nhờ đó người ta mới biết đến vụ tai nạn của J-15.
Tranh vẽ mô tả vụ tai nạn của Trương Siêu
|
Kyodo dẫn nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc cho biết, hệ thống điều khiển của J-15 tính năng rất không ổn định, không thích hợp để bố trí trên tàu sân bay.
J-15 là loại máy bay cánh gập, có thể cất hạ cánh trên tàu sân bay, được Công ty hàng không Thẩm Dương mô phỏng chế tạo theo nguyên mẫu loại máy bay cất hạ cánh trên hạm Sukhoi-33 của Liên Xô cũ. Vì sao nó lại gặp những vấn đề nghiêm trọng như thế, trong khi nguyên mẫu Su-33 vẫn hoạt động khá tốt, độ an toàn khá cao? Thì ra, mấu chốt của vấn đề là Trung Quốc đã mua phải chiếc máy bay mẫu là hàng phế thải.
Theo hãng tin Nga Sputnik, chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin đã khẳng định thông tin “động trời” này. Vasily Kashin nói, việc J-15 liên tiếp xảy ra sự cố không khiến người ta lấy làm lạ, bởi nhiều năm trước người Trung Quốc do muốn tiết kiệm một khoản tiền nên thay vì mua một chiếc Su-33 mới nguyên của Nga, đã mua lại của Ukraina một chiếc máy bay mẫu.
Phi công Trương Siêu, người tử nạn do J-15 bị rơi
|
Ông Vasily Kashin nói: “4 chiếc J-15 bị rơi cho thấy chúng tồn tại nhiều vấn đề về chi tiết, điều đó không có gì là lạ. Họ đã tiết kiệm giá thành, bỏ qua việc mua máy bay mới cùng giấy phép chế tạo của Nga, quay sang mua với giá rẻ chiếc máy bay mẫu T-10K-7 của Liên Xô cũ. Sau khi mua về chiếc máy bay không thể bay được này, các kĩ sư Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu, phát triển nó thành bản cải tiến”.
T-10K-7 là một trong những chiếc máy bay mẫu của loại Su-33, trong quá trình thử nghiệm đã bộc lộ nhiều vấn đề khuyết hãm. Nói cách khác, loại J-15 của Trung Quốc được phỏng chế và cải tiến trên một máy bay mẫu bị lỗi nên khó tránh khỏi các khiếm khuyết. Chiếc T-10K-7 so với các máy bay Su-33 được sản xuất hàng loạt sau năm 1991 thì tính năng kém hơn nhiều; các kĩ sư Nga đã có thêm nhiều cải tiến sau khi phát hiện những vấn đề mới nảy sinh, nhưng những cải tiến này không có được ở chiếc T-10K-7 của Ukraina mà Trung Quốc đã mua. Chiếc Su-33 mà Nga hoàn chỉnh sau này đã có những tính năng mới ưu việt hơn nhiều so với J-15 mà Trung Quốc tự chế tạo, cải tiến theo mẫu T-10K-7. Họ đã mất rất nhiều tiền, bỏ lỡ thời gian mà sản phẩm làm ra lại không đáng tin cậy.
Vasily Kashin kết luận: việc máy bay bị rơi không có nghĩa là tất cả các chiếc J-15 hiện có đều tồn tại vấn đề không thể khắc phục được. Sau khi lãng phí thời gian và khoản tiền bạc lớn, người Trung Quốc đang từng bước khắc phục khó khăn để có được loại máy bay cất cánh trên hạm khác đáng tin cậy hơn.
Chiếc máy bay mẫu T-10K-7 của Ukraina được Trung Quốc mua về dỡ ra phỏng chế
|
Nói về việc Trung Quốc đang nghiên cứu chế tạo loại tiêm kích đa năng J-31 để thay thế cho J-15, ông Vasily Kashin nói: “vấn đề ở chỗ, dù là bản J-31 sử dụng cho cất cánh trên đất liền thì cũng mới đang ở trong giai đoạn thử nghiệm bước đầu, sau khi cải tiến nhiều chi tiết, chiếc thứ 2 cũng mới được bắt đầu bay thử nghiệm hồi cuối năm 2016. Phiên bản dùng cho hải quân (cất hạ cánh trên hạm) phải mất mấy năm nữa mới có. Chiếc J-31 cất hạ cánh trên hạm phải tới nửa cuối những năm 2020 mới có thể bắt đầu được đưa vào biên chế chiến đấu. Trước đó, Trung Quốc vẫn không thể không tiếp tục sử dụng J-15”.