Ai nói Trung Quốc không có ý đồ độc chiếm Biển Đông là ngụy biện
Giáo sư nhận định như thế nào về tình hình biển Đông hiện nay, khi mà nhà cầm quyền Bắc Kinh đang ngày càng ráo riết thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông?
- Trong mưu đồ và chiến lược độc chiếm Biển Đông của chính quyền Bắc Kinh thì 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là một mắt xích có ý nghĩa quyết định. Bởi vì đấy chính là những cứ điểm để Trung Quốc đặt các căn cứ quân sự nhằm khống chế được biển Đông.
Nhận định này không còn là phỏng đoán nữa. Cả thế giới nói rồi. Bây giờ ai không nói như vậy, hoặc nói khác thì chỉ là những người, vì lý do này hay lý do khác, bào chữa cho Trung Quốc, hoặc ngụy biện mà thôi.
Ý đồ độc chiếm biển Đông của Trung Quốc là từng bước gặm nhấm các đảo ở trong khu vực Biển Đông để xây dựng các căn cứ quân sự, thực hiện ý đồ lâu dài của họ về giấc mộng Trung Hoa. Đây là điều, xin khẳng định lại, không còn ai nghi ngờ nữa. Người Việt Nam chúng ta phải biết điều đó. Chúng ta phải nhận thức được âm mưu thâm độc của Bắc Kinh là như vậy.
Để thuận tiện cho việc thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông Trung Quốc cũng đang ra sức ve vãn, chia rẽ các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước ASEAN…
- Hiện Trung Quốc đang vận động nước này, nước kia, người này, người kia chống lại phán quyết của Tòa án Quốc tế nhân việc Philippine đưa họ ra tòa, và trên thực tế, họ cũng đã vận động được vài nơi rồi. Chuyện đó không khó hiểu. Trong cục diện quốc tế vô cùng phức tạp như hiện nay, nhiều người cũng chỉ nói những câu “ba phải” đại loại như “vấn đề này thì không nên quốc tế hóa”, “vấn đề kia thì hai bên nên ngồi lại đàm phán với nhau”, “quốc tế hóa vấn đề này nó phức tạp ra”v.v. Trung Quốc cũng chỉ cần có thế thôi. Và cũng chỉ cần nói những câu như vậy là họ có thể nhận được rất nhiều viện trợ từ phía Trung Quốc rồi.
Hai khuynh hướng, một quan điểm
Hiện nay trong xã hội ta đang có hai khuynh hướng. Khuynh hướng thứ nhất cho rằng, Việt Nam cần phải hành động ngay, hành động quyết liệt. Khuynh hướng thứ hai lại cho rằng, tình hình Biển Đông là nghiêm trọng, nhưng vẫn ở trong tầm kiểm soát, cần phải bình tĩnh theo dõi chặt chẽ để hành động. Giáo sư có thể phân tích cụ thể hai khuynh hướng này không?
- Mỗi loại ý kiến đều có lý của họ. Luồng ý kiến cho rằng tình hình Biển Đông hiện nay là hết sức nguy hiểm do những hành động ngày càng trắng trợn của nhà cầm quyền Trung Quốc, đe dọa an ninh và phát triển của Việt Nam. Sự lo lắng này là hoàn toàn có cơ sở và chính đáng.
Như tôi đã nói ở trên, mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc đã rõ, không có ai nghi ngờ điều đó. Điều mà nhiều người lo lắng là Trung Quốc đang từng bước tiến tới chiếm hết các đảo trên quần đảo Trường Sa, vì quần đảo Hoàng Sa cho đến năm 1974, họ đã chiếm hết không còn sót một hòn đảo nào nữa rồi.
Hoàng Sa là quần đảo mà chúng ta có đầy đủ nhất về cơ sở pháp lý thì hoàn toàn nằm trọn trong tay Trung Quốc. Thậm chí bây giờ họ đã đưa dân ra làm ăn sinh sống ngoài đó rồi.
Còn quần đảo Trường Sa liên quan đến 5, 6 bên. Bởi vì đấy là quần đảo còn rất nhiều bãi san hô chưa nổi lên mặt nước. Vừa qua Trung Quốc đã chiếm 7 đảo, đá trên quần đảo này thuộc lãnh thổ của ta. Họ đã và đang gia cố, mở rộng, bồi lấp thêm ra để trở thành đảo nhân tạo và nguy hiểm hơn là họ đã đưa vũ khí ra để thiết lập các căn cứ quân sự ở đấy.
Đây là hồi chuông báo động rằng Trung Quốc đang làm tới, làm cấp tập, thực hiện bằng được ý đồ của mình trước khi có phán quyết của Tòa án Trọng tài thường trực LHQ (PCA), Tòa La Haye theo đơn kiện của Philippines, đặt quốc tế và các nước có liên quan vào chuyện đã rồi.
Luồng ý kiến thứ nhất còn cho rằng với những bước đi đã qua, không khó để hình dung ra những bước đi tiếp theo của Trung Quốc. Đó là sắp tới Trung Quốc có thể vũ trang các tàu đánh bắt cá, lấp ló đằng sau đó là các tàu chiến, hải cảnh. Họ sẽ thực hiện những hành động mang tính khiêu khích, thậm chí là đụng độ. Nếu xung đột vũ trang xảy ra, Trung Quốc sẽ lợi dụng để gây chiến, đánh chiếm các đảo còn lại của Việt Nam.
Bởi vì trước đây, khi chiếm các đảo ở Trường Sa, họ cũng hành xử theo những cách như vậy. Thậm chí năm 1988 họ còn tàn bạo dùng súng to, súng nhỏ bắn cả những người đang trôi nổi trên biển. Khuynh hướng này còn lo ngại với cái đà này thì lần lượt các đảo của Việt Nam sẽ bị Trung Quốc chiếm hết, khống chế hoàn toàn Biển Đông, nếu Việt Nam chúng ta cứ ngồi yên không có đối sách hợp lý.
Vậy còn luống ý kiến thứ hai- luồng ý kiến cho rằng, cần hết sức thận trọng, nghe ngóng, giữ nguyên hiện trạng như hiện nay để ổn định chính trị, giữ vững hòa bình, phát triển đất nước?
- Khuynh hướng thứ hai trông có vẻ như là không nêu ra những ý kiến đầy lo âu theo kiểu cảnh báo (như khuynh hướng chúng ta vừa phân tích) thì cũng không hẳn là không biết, nhưng nó có một sợ dây mong manh giữa việc giữ yên hiện trạng, hiểu theo nghĩa là không chiếm thêm đảo (chứ còn các đảo đã chiếm rồi họ chẳng giữ yên, họ cải tạo, rồi họ nhân tạo hóa) với việc chiếm thêm các đảo khác. Đây chính là “đòn cân não”, tính toán như thế nào đấy để Trung Quốc không lấy cớ chiếm tiếp các đảo khác nữa.
Cần phải hiểu rằng, các cuộc chiến tranh trước đây trên đất liền, chúng ta không sợ bất cứ một đội quân nào, kể cả kẻ thù mạnh nhất. Nhưng chiến tranh trên biển lại là một thử thách hoàn toàn khác. Chúng ta đang tích cực ra sức tăng cường lực lượng hải quân, không quân, lực lượng phòng thủ bờ biển, như pháo tầm xa, tên lửa tầm xa. Trong bối cảnh hiện nay, nếu nổ ra một cuộc chiến tranh, thì theo tôi chưa phải là lúc có lợi cho Việt Nam.
Thì đấy chính là cách giải thích tại sao lại có một khuynh hướng cho rằng chúng ta phải rất thận trọng, mà đôi khi khuynh hướng khác lại nhìn nhận như là một sự nhún nhường.
Nếu như chúng ta nhớ lại cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông Thế kỷ thứ 13 thì thấy rằng Nhà Trần lúc đầu hết sức kiềm chế. Lúc ấy Vua tôi nhà Trần đã phải nhẫn nhục trước sứ thần của nhà Nguyên. Thậm chí Sứ thần đi vào cổng Tử Cấm Thành, lính Thánh dực (lính canh Tử Cấm Thành) ra ngăn lại, chúng không những không dừng lại mà còn lấy roi ngựa quất vào mặt lính Thánh dực. Thế rồi cuối cùng cũng phải để cho chúng vào.
Thì đấy là lúc mà cha ông ta muốn kiềm chế đến mức cao nhất để trì hoãn một cuộc chiến tranh nổ ra. Còn khi chiến tranh nổ ra thì, như chúng ta đã biết, chỉ bằng trận Bạch Đằng giang, Nhà Trần đã tiêu diệt quân Nguyên Mông và từ đấy thì chúng không dám xâm lược nước ta nữa.
Hay như tình thế năm 1946, lúc đó Chủ tịch Hồ Chí Minh phải đứng trước quốc dân đồng bào để nói một câu là “Hồ Chí Minh không bao giờ bán nước”. Bởi vì nhiều người nghĩ rằng Hồ Chí Minh ký một loạt các hiệp ước, hòa ước chấp nhận cái này, nhượng bộ cái kia là phản bội lại lợi ích dân tộc. Đấy là khi cần hòa hoãn. Còn một khi toàn quốc kháng chiến rồi thì Bác Hồ ra lời hiệu triệu: “… Chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!"
Quay lại chuyện ngày hiện nay. Với tình hình Biển Đông hiện nay, chúng ta phản đối Trung Quốc ở một mức độ chừng mực, cần thiết, đủ tính nghiêm khắc về mặt ngoại giao. Xét về mặt ngoại giao thì đây là cuộc đấu tranh kiên trì và bền bỉ. Theo luật pháp quốc tế thì như thế là chúng ta thực thi và bảo vệ chủ quyền liên tục.
Tham vọng “bá chủ biển Đông” của Trung Quốc sẽ gây ra những hệ lụy khó lường
Không để Trung Quốc muốn làm gì thì làm!
Nhưng nếu khuynh hướng này cứ nghĩ như vậy thì Trung Quốc đâu có dừng việc từng bước lấn chiếm biển Đông, gặm nhấm cho đến khi chiếm hết các đảo ở Trường Sa. Chẳng lẽ chúng ta cứ ngồi nhìn và coi như chuyện đã rồi sao, thưa Giáo sư?
- Chúng ta không để cho Trung Quốc muốn làm gì thì làm theo kiểu là tiến thêm nữa. Nếu Trung Quốc liều lĩnh tiến hành chiếm thêm các đảo thuộc chủ quyền của chúng ta nữa thì tức khắc chúng ta phải hành động cứng rắn để bảo vệ chủ quyền của chúng ta. Chúng ta đang chăm chú theo dõi để nếu họ có thêm bước đi phiêu lưu hơn nữa thì lúc đó chúng ta sẽ có những hành động cứng rắn hơn nữa. Còn nếu bây giờ chúng ta có một hành động nào đó thì chính đấy lại là cái cớ để họ lôi chúng ta vào trận chiến như họ muốn. Đó là dã tâm của chính quyền Bắc Kinh.
Đấy là khuynh hướng quan sát, toan tính để có cách thức xử lý vấn đề phức tạp hiện nay trên biển Đông một cách điềm tĩnh và khôn ngoan hơn.
Nhưng cho dù trong xã hội ta hiện nay có khuynh hướng này hay khuynh hướng kia, như chúng ta vừa phân tích, thì tất cả đều có chung một quan điểm là mưu đồ của Trung Quốc là độc chiếm Biển Đông. Chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ thực lực, tinh thần, ý chí và lực lượng để đối phó với âm mưu đó.
Phải cân bằng được các thế lực
Dự kiến cuối tháng 5 này, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ thăm Việt Nam. Liệu đây có phải là thời cơ để Việt Nam thắt chặt hơn nữa quan hệ với Mỹ (như nâng quan hệ hai nước lên tầm chiến lược) để đối trọng với Trung Quốc ở Biển Đông?
- Đây vừa là thời cơ, vừa là thách thức. Thời cơ là ở chỗ Mỹ cũng có lợi ích ở Biển Đông, khu vực mà lưu lượng tàu bè đi lại rất lớn, tài nguyên dưới đáy biển hết sức phong phú. Mỹ coi đây là lợi ích quốc gia. Còn Trung Quốc coi đây là khu vực mà mình phải chiếm bằng được.
Ngoài sức mạnh vốn có của mình, Mỹ còn có những đồng minh thân cận ở khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và được gần như cả châu Âu họ cũng ủng hộ, họ thực sự là một thế lực lớn. Quan điểm của Mỹ là thế giới đã có luật pháp, Trung Quốc hiện đang chà đạp lên luật pháp quốc tế, công ước quốc tế, luật biển, Mỹ không chấp nhận điều đó. Tức là chúng ta có chính nghĩa, có lực lượng lớn ủng hộ quan điểm của chúng ta. Đó chính là thời cơ thuận lợi cho Việt Nam. Chúng ta phải tận dụng thật tốt thời cơ thuận lợi này.
Tuy nhiên bên cạnh đó cũng đặt ra những vấn đề mà buộc các nhà lãnh đạo Việt Nam phải cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng để không rơi vào tình thế đối lập với Trung Quốc.
Nhưng nếu cứ lập lờ như vậy, không có mối quan hệ chặt chẽ, thực lòng với Mỹ thì làm sao họ có thể ủng hộ chúng ta được?
- Chúng ta hãy nhớ lại bài học lịch sử. Trong quá khứ, có lẽ chưa có liên minh nào chặt chẽ với nhau như Mỹ và Việt Nam Cộng hòa thời chiến tranh Việt Nam. Nhưng khi Mỹ nhìn thấy có thể có lợi từ Trung Quốc sau chuyến thăm Trung Quốc của Nixon thì Mỹ liền vứt bỏ chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Không chê trách họ được, vì lợi ích quốc gia là ưu tiên số 1. Nước nào cũng vậy thôi.
Chính vì vậy cái thế của mình là làm sao phải cân bằng được các thế lực. Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama tới đây thì tôi tin chắc chắn là các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ có những phương thức như thế nào đó để nâng cao hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ cùng các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, nhưng cũng không đặt Việt Nam vào thế đối địch với Trung Quốc.
Xin cám ơn giáo sư!