Trung Quốc phát triển các bệ phóng tên lửa di động có tính năng tàng hình

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo đài truyền hình CCTV, Trung Quốc đang phát triển các bệ phóng tên lửa di động đường trường Dongfeng tính năng tàng hình, có thể tránh được sự phát hiện của vệ tinh, radar và máy bay không người lái (UAV).
Hệ thống tên lửa siêu thanh DF-17. Ảnh SCMP
Hệ thống tên lửa siêu thanh DF-17. Ảnh SCMP

Kế hoạch là một phần của chương trình thúc đẩy phát triển vũ khí thế hệ mới cho chiến tranh trong tương lai, theo bình luận tập mới nhất trong loạt phim CCTV về hiện đại hóa Quân đội Trung Quốc.

Yang Biwu, chuyên gia nghiên cứu Lực lượng Tên lửa PLA, từng làm việc trên phương tiện phóng tên lửa siêu thanh DF-17 cho biết, các nhà khoa học Trung Quốc sẽ sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo khiến các bệ phóng tên lửa có sự năng động chiến thuật hơn và “tàng hình”.

“Tôi cho rằng trên các chiến trường trong tương lai, các đối thủ của chúng ta sẽ không thể nhìn thấy chúng ta, không biết vị trí triển khai bệ phóng tên lửa của chúng ta,” ông phát biểu trên chương trình CCTV, phát sóng ngày 8/10.

"Mối quan hệ giữa tên lửa và bệ phóng tương tự như đạn và súng, những gì chúng ta có thể làm là khám phá tiềm năng của bệ phóng và cung cấp thêm nhiều lựa chọn cho chiến đấu trong tương lai."

Tên lửa tầm trung DF-17 là vũ khí lướt siêu thanh chủ động đầu tiên trên thế giới và có thể xuyên thủng các lá chắn phòng thủ tên lửa của Mỹ trong khu vực. Nhóm của ông Yang đã thiết kế một phương tiện phóng tên lửa, được ngụy trang theo địa hình.

Một nguồn tin thân cận với PLA cho biết, phương tiện vận tải phóng của DF-17 là phiên bản sửa đổi của hệ thống tên lửa đạn đạo DF-16B. Cả DF-16B và DF-17 đều là tên lửa tầm trung, được thiết kế là vũ khí tấn công chủ lực cho trường hợp xung đột ở Đài Loan, vũ khí được phát triển nhằm ngăn chặn sự can thiệp quân sự của nước ngoài vào eo biển Đài Loan.

Chương trình CCTV bao gồm cảnh quay các bệ phóng ngụy trang do nhóm ông Yang phát triển cho các loại tên lửa bao gồm cả hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, sử dụng nhiên liệu rắn DF-41. DF-41 có tầm bắn ước tính hơn 12.000 km (7.450 dặm), có thể tấn công mọi mục tiêu trên đất liền Mỹ.

Song Zhongping, nhà phân tích quân sự, cựu giảng viên quân sự PLA cho biết, việc ngụy trang và thiết kế bệ phóng tên lửa có tính năng tàng hình có ý nghĩa quan trọng trong chiến thuật tác chiến trên chiến trường.

Ông nói: “Bảo vệ quân đội và vũ khí là ưu tiên hàng đầu trong mọi tình huống chiến tranh, và đặc biệt là với chính sách “không sử dụng đầu tiên” vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, đòi hỏi phải được bảo vệ tốt hơn trong quá trình chuẩn bị cho một cuộc “phản công đánh trả thứ hai”.

Chính sách đó chỉ rõ, Trung Quốc chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào quốc gia này.

Hầu hết tất cả các tên lửa trong họ Dongfeng, viết tắt là “DF”, đều là vũ khí kép có thể mang đầu đạn hạt nhân và thông thường. Theo ông Song, những bệ phóng tên lửa đang được phát triển "đảm bảo tránh được sự phát hiện từ vệ tinh và radar, che dấu được trước chùm tia hồng ngoại của máy bay không người lái, biến hệ thống tên lửa của PLA thành các vật thể, có thể biến đổi màu sắc như tắc kè hoa và ẩn giấu trong mọi địa hình".

Chương trình CCTV cũng bao gồm cảnh quay cho thấy một máy bay chiến đấu mới đang được phát triển cho tàu sân bay Phúc Kiến, hạ thủy vào tháng 6, xe tăng chủ lực được áp dụng công nghệ AI, các chiến hạm và trang thiết bị mới.

Hiện tại, PLA có một loại máy bay chiến đấu trên tàu sân bay, J-15, sản xuất tại Trung Quốc trên nguyên mẫu Su-33 do Liên Xô thiết kế. Một phiên bản sửa đổi của máy bay chiến đấu mới đang được phát triển cho tàu sân bay Phúc Kiến, chiến hạm được lắp đặt máy phóng điện từ.

Theo South China Morning Post