Trung Quốc nuôi mộng siêu cường, hải quân lực bất tòng tâm

VietTimes - Phán quyết của Tòa Trọng tài The Hague đã tạo lên một cơn bão thực sự trên thế giới. Truyền thông Trung Quốc phản ứng quyết liệt và tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp cứng rắn bao gồm cả quân sự để đáp trả những hành động "khiêu khích". Nhưng hải quân Trung Quốc có hiện thực hóa được điều này?
Tàu sân bay Liêu Ninh, tham vọng đại dương của Hải quân Trung Quốc có thể sẽ chỉ là tàu huấn luyện đào tạo Không quân Hải quân PLA
Tàu sân bay Liêu Ninh, tham vọng đại dương của Hải quân Trung Quốc có thể sẽ chỉ là tàu huấn luyện đào tạo Không quân Hải quân PLA

Các quốc gia biển khi phát triển lực lượng hải quân có mục đích then chốt là tạo ra một lực lượng có khả năng đảm bảo bảo vệ các lợi ích quốc gia trên các vùng biển và đại dương, tiến hành các hoạt động răn đe ngăn chặn mọi nguy cơ từ hướng biển cùng với sự giúp đỡ của các biện pháp pháp lý quốc tế và sức mạnh chiến đấu hải quân.

Trung Quốc là một quốc gia biển, nền kinh tế phát triển với tốc độ chóng mặt của quốc gia này phụ thuộc hoàn toàn vào những tuyến đường vận tải thương mại biển. Do đó, những nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia của đất nước này cũng đến từ hướng biển và thực sự lực lượng hải quân Trung Quốc có ngăn chặn được những thách thức đến từ đại dương hay không? Vẫn còn là vấn đề có nhiều nghi vấn.

Theo quan điểm của các nhà phân tích chính trị thế giới, một trong những mối đe dọa hàng đầu, có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc nhất trong tất cả các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Trung Quốc chính là là mối đe dọa bất ổn xã hội, đặc biệt là ở các vùng kém phát triển và các khu vực đông dân cư vùng dân tộc thiểu số và tôn giáo thiểu số. Nguy cơ bất ổn xã hội sẽ dẫn đến một hệ quả đáng sợ - sự sụp đổ hệ thống nhà nước.

Mặc dù giữa các mối đe dọa như bất ổn xã hội và những nguy cơ đến từ phía biển có liên quan chặt chẽ với nhau. Nhưng trong tình hình căng thẳng trước giờ phán quyết của Tòa án Trọng tài thường trực quốc tế The Hague, liên quan trực tiếp đến vùng nước Biển Đông. Liệu hải quân Trung Quốc có đủ khả năng đáp ứng những yêu cầu của chính sách đối ngoại Bắc Kinh và răn đe, ngăn chặn hiệu quả các nguy cơ trên biển và đại dương? 

Trên cơ sở nền kinh tế vĩ mô của Trung Quốc, có thể nhận rõ hai thực tế chủ yếu: Sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế xuất khẩu và sự phụ thuộc nặng nề của Trung Quốc từ nguồn cung cấp dầu mỏ nước ngoài.

Tỷ lệ sản xuất và nhập khẩu dầu mỏ Trung Quốc đến năm 2010

Tổ chức dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) là mục tiêu ưu tiên trọng tâm của Trung Quốc nhằm đối phó với nguy cơ tổn thương kinh tế từ nhập khẩu. Bắc Kinh đưa ra kế hoạch xây dựng kho dự trữ dầu mỏ lên đến 500 triệu thùng vào năm 2020. SPR Mỹ duy trì khoảng 727 triệu thùng. Khi giá dầu mỏ sụt giảm trong năm 2015, Trung Quốc đã tăng cường lượng nhập khẩu dầu mỏ dự trữ đặc biệt cao, đạt 7,2 triệu thùng mỗi ngày vào tháng 6/2015.

Với lượng dầu mỏ nhập khẩu khổng lồ này, Trung Quốc đã sẵn sàng cho một thách thức về nguồn cung cấp dầu mỏ có thể bị xáo trộn trong sự bất ổn chính trị và chủ nghĩa khủng bố ở Trung Đông, nhưng lượng dự trữ này có thể sẽ nhanh chóng tiêu hao khi Bắc Kinh phải mở một tuyến đường mới trong chiến lược “Một vành đai – một con đường” của chủ tịch Tập Cận Bình. Đồng thời việc sử dụng nguồn dầu mỏ an ninh năng lượng này cũng sẽ gây ra nguy cơ đe dọa an ninh chính trị nội địa 

Quyết định về sự cấp thiết phải chuyển đổi nền kinh tế sang định hướng xuất khẩu được bộ máy lãnh đạo Trung Quốc đưa ra trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 15 vào năm 1997. Trong nghị quyết của Đại hội đã nêu rõ sự cần thiết phải chuyển đổi nền kinh tế từ những phương pháp mở rộng sang các phương pháp chuyên sâu. Nghị quyết Đại hội Trung Quốc cũng nhận rõ, sự phát triển ổn định nhu cầu bên ngoài kết hợp với lực lượng nhân công dồi dào giá rẻ, có trình độ cao sẽ là động lực phát triển ổn định nền kinh tế trong nước. Sự phát triển của nền kinh tế quốc gia phải được định hướng theo tính chuyên sâu và sáng tạo.  

Quá trình hiện thực hóa nghị quyết 15 của bộ máy lãnh đạo Trung Quốc đã dẫn đến sự bùng nổ thương mại xuất khẩu. Chỉ ngay trong 5 năm đầu tiên của thế kỷ 21, thị phần thương mại nước ngoài trong GDP của Trung Quốc tăng gấp 2 lần:  từ 42,2% vào năm 2000 vượt hơn 70% vào năm 2005.

Sự phát triển của thương mại nước ngoài chủ yếu là giao thương với các nước trong khu vực Đông Á, trong thị phần thương mại nước ngoài của Trung Quốc trong năm 2003 đạt tới 50,8% kim ngạch xuất khẩu và 63,9% đối với nhập khẩu. Quá trình phát triển giao thương này đi kèm với sự tăng trưởng của vận tải thương mại hàng hải.

Như vậy, theo dõi sự phát triển lợi nhuận của nền kinh tế Trung Quốc, có thể nhận thấy lợi nhuận chủ yếu của đại lục đạt được thông qua sự phát triển nền kinh tế đối ngoại, tính chất này cho thấy trong nền kinh tế Trung Quốc, thương mại hàng hải đóng vai trò chủ đạo.  

Tốc độ phát triển các hoạt động kinh tế xuất nhập khẩu Trung Quốc

Có thể nhận thấy rất rõ rằng sự phát triển tích cực của kinh tế Trung Quốc trước mắt và trong tương lai là sự an toàn hàng hải. Trong những quan điểm hiện hành của bộ máy lãnh đạo Trung Quốc, lực lượng hải quân có nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là bảo vệ thương mại hàng hải.

Do nền kinh tế của Trung Quốc phụ thuộc chiến lược vào thương mại hàng hải, nguồn cung cấp năng lượng quốc gia phụ thuộc vào nguồn cung cấp nhiên liệu từ nước ngoài. Nguy cơ đe dọa khu vực kinh tế thương mại hàng hải của Bắc Kinh có thể trở thành hiện thực trên những vùng biển gần với Trung Quốc như Biển Đông và luôn tồn tại trên các đại dương.

Khi Trung Quốc đang thực hiện chính sách đối ngoại hải dương trên thế mạnh, thực hiện tham vọng bá quyền vùng biển gần, nguy cơ xung đột có thể làm gián đoạn tuyến đường vận tải thương mại huyết mạch.

Đặc biệt, nguy cơ đe dọa an ninh thương mại hàng hải Trung Quốc có thể hiện hữu rất rõ nét trên Ấn Độ Dương, do nền kinh tế và năng lượng sản xuất của Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào nguồn dầu mỏ từ khu vực Trung Đông. 

Trong giai đoạn hiện nay, bất cứ một quốc gia nào, dù nhỏ nhưng có một lực lượng hải quân, hoặc một “tổ chức khủng bố nào đó” cũng có thể đe dọa nghiêm trọng an ninh hàng hải Trung Quốc, do trên thực tể lực lượng hải quân Trung Quốc không thể dàn trải lực lượng để có thể hiện diện trên toàn bộ tuyến đường trong những khoảng thời gian dài ổn định.

Còn tiếp

 TTB