|
Chỉ trong nửa đầu năm 2021, Trung Quốc đã tổ chức tới 20 cuộc tập trận hải quân (Ảnh: Handout) |
Tờ SCMP mới đưa ra một bản đánh giá về các cuộc tập trận hải quân Trung Quốc trong thập kỷ qua, trong đó chỉ ra rằng hướng tập trung của Hải quân đã thay đổi trong năm 2017, năm mà giới truyền thông nước này báo cáo rằng quân đội bắt đầu các cuộc tập trận đánh chiếm và kiểm soát đảo.
Trước thời điểm đó, Hải quân Trung Quốc thường tổ chức tập trận ở Biển Đông, Tây Thái Bình Dương, eo biển Soya nằm giữa Nhật Bản và Nga và thậm chí là xa tới tận Ấn Độ Dương. Năm 2012, Bắc Kinh tổ chức 5 cuộc tập trận ở Tây Thái Bình Dương, trong đó có các cuộc tập trận mở đầu của Hạm đội Nam Hải và Hạm đội Bắc Hải.
Trong khoảng thời gian 2013 – 2017, Hải quân Trung Quốc tiếp tục tập trận ở Biển Đông, nhưng cũng có cuộc tổ chức ở những địa điểm xa hơn. Năm 2013, một hạm đội của nước này được trông thấy băng qua eo biển Soya lần đầu tiên. Và vào tháng 5/2016, Trung Quốc cử một hạm đội chia làm 3 nhóm – băng qua nhiều khu vực trên Biển Đông, phía Đông Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương – để tổ chức nhiều cuộc tập trận.
Mặc dù một số cuộc tập trận chưa bao giờ được báo cáo, nhưng dữ liệu cho thấy Đài Loan không phải một vấn đề ưu tiên cho mãi đến năm 2017, thời điểm mà Trung Quốc bắt đầu tổ chức các cuộc tập trận để thử nghiệm khả năng đánh chiếm đảo.
Đài Loan, Trung Quốc và Mỹ: Nhật Bản đã chọn phe?
Cuối tháng 3/2017, một nhóm tấn công đổ bộ thuộc Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc đã diễn tập “đổ bộ tấn công và kiểm soát đảo”. Đến tháng 8 cùng năm, thủy quân lục chiến nước này tổ chức huấn luyện đổ bộ tấn công ở tỉnh Quảng Đông; theo website chính thức của Hải quân và hãng thông tấn Tân Hoa Xã.
Số lượng các cuộc tập trận quân sự cũng tăng đáng kể, đặc biệt là kể từ năm 2020, khi mà Trung Quốc tổ chức tới 13 cuộc tập trận, trong đó có sự tham gia của tàu sân bay Sơn Đông, nhiều tàu khu trục, tàu lưỡng cư và chiến đấu cơ.
Xu hướng này thậm chí còn rõ hơn trong năm nay: Chỉ tính riêng nửa đầu năm 2021, Trung Quốc đã tổ chức tới 20 cuộc tập trận hải quân.
Trong các cuộc tập trận này, Trung Quốc đã triển khai hầu như tất cả các trang thiết bị quốc phòng hiện đại của họ, bao gồm các phương tiện tấn công đổ bộ, phương tiện chiến đấu lưỡng cư, pháo tự hành, tàu sân bay, tàu khu trục, chiến đấu cơ và trực thăng chiến đấu.
Hồi đầu tháng 4 năm nay, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc dẫn đầu một nhóm gồm 5 chiến hạm tham gia tập trận và huấn luyện ở vùng biển phía Đông Đài Loan, khiến hòn đảo này hết sức quan ngại. Bộ Quốc phòng Trung Quốc sau đó ra tuyên bố đây là cuộc tập trận thường lệ.
Nhật Bản “chơi lớn”, nêu vấn đề Đài Loan, chỉ trích Trung Quốc trong Sách trắng quốc phòng
Đến tháng 5, Hải quân Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm khả năng của hạm đội tàu ngầm tấn công, đồng thời đem các tàu đổ bộ lưỡng cư ra thử nghiệm khả năng thâm nhập và đánh chiếm đảo.
Ví dụ gần đây nhất là vào hôm thứ Sáu tuần trước, khi Hải quân và quân đội Trung Quốc tổ chức tập trận đổ bộ lưỡng cư ở vùng biển thuộc tỉnh Phúc Kiến.
Malcolm Davis – chuyên gia phân tích an ninh Trung Quốc đến từ Viện Chính sách Chiến lược Australia- nói rằng xu hướng này cho thấy Hải quân Trung Quốc đang tập trung hơn vào việc chuẩn bị cho những sự kiện bất ngờ có thể xảy ra dọc Eo biển Đài Loan.
“Chúng tôi nhìn vào những hoạt động này, nhìn vào sự phát triển khả năng của họ và cả những tuyên bố chính thức của họ. Và những “tín hiệu và lời cảnh báo” đều cho thấy quan ngại rằng Trung Quốc đang có ý định tăng cường khả năng đánh chiếm Đài Loan trong thập kỷ này, nếu như Đài Bắc không chịu tái thống nhất hòa bình dựa trên điều kiện của Bắc Kinh” – ông Davis nói.
Timothy Heath – chuyên gia an ninh thuộc Rand Corporation – cho rằng Trung Quốc ngày càng tăng cường các hoạt động hải quân và không quân xung quanh Đài Loan và “chuỗi đảo đầu tiên”. Chuỗi đảo này trải dài từ Nhật Bản tới Đài Loan và Philippines.
“Việc tăng hoạt động huấn luyện gần Đài Loan chủ yếu bắt nguồn từ mong muốn đe dọa Đài Loan, ngoài ra cũng là muốn cải thiện sức chiến đấu của Hải quân Trung Quốc để thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu liên quan tới Đài Loan” – Heath nhận định.
Mặc dù rủi ro chiến tranh dường như đang tăng dần, nhưng ông Heath không cho rằng Bắc Kinh sẽ tiến đánh Đài Loan sớm, bởi Trung Quốc khó có thể dừng một cuộc chiến với Mỹ một khi đã bắt đầu nó.
Mỹ tuyên bố “không ủng hộ Đài Loan độc lập”, Bắc Kinh phản ứng như thế nào?
Tuy nhiên, ông Song Zhongping, cựu giáo quan của quân đội Trung Quốc, lại không đồng tình với ý kiến đó.
“Tôi không cho rằng mục tiêu của quân đội Trung Quốc đã thảy đổi. Họ luôn luôn tập trung vào việc chuẩn bị chiến tranh gần bờ biển trong khi xem trọng các chiến dịch quân sự phi chiến tranh, như hoạt động nhân đạo ở nhiều nơi cách xa bờ biển của họ” – ông Song nói.
Derek Grossman, một chuyên gia phân tích khác đến từ Rand Corporation, nói rằng chính sự phát triển của quân đội Trung Quốc trong quá khứ là nguyên nhân dẫn tới số lượng các cuộc tập trận hải quân gần Đài Loan tăng lên.
“Trung tâm của quá trình hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa quân đội Trung Quốc trong vài thập kỷ qua chính là để có đủ sức mạnh thực hiện đòn tấn công đổ bộ thành công với Đài Loan. Bởi vậy, từ phương diện đó có thể thấy việc hoàn thiện các chiến dịch hải quân có ý nghĩa hơn” – Grossman nói.
“Ở một mức độ nào đó, Trung Quốc đang sử dụng các cuộc tập trận ngày càng tăng của họ để đánh tín hiệu rằng họ đang rất phẫn nộ, không chỉ vì chiều hướng chính trị ở Đài Loan, mà cả với mối quan hệ an ninh đang được củng cố giữa Mỹ và Đài Loan” – vị chuyên gia nói thêm.
Theo SCMP