“Bóng ma” chiến tranh hạt nhân trở lại do xung đột trên khắp toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiến tranh Lạnh kết thúc mang theo hy vọng xua tan nỗi ám ảnh hạt nhân. Các chính phủ từng đối đầu đã đồng ý loại bỏ đầu đạn hạt nhân và hợp tác ngăn chặn sự lan rộng của vũ khí nguyên tử. Tuy nhiên, lời hứa đó hiện đang dần mất đi.

Vụ thử bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô, được Mỹ gọi là 'Tia chớp đầu tiên' hay 'Joe-1', diễn ra vào tháng 8/1949 (Ảnh: WSJ)
Vụ thử bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô, được Mỹ gọi là 'Tia chớp đầu tiên' hay 'Joe-1', diễn ra vào tháng 8/1949 (Ảnh: WSJ)

Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giới thiệu các quy định mới về việc sử dụng vũ khí hạt nhân, gửi đi tín hiệu mới nhất rằng Moscow sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để phòng vệ. Kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đang mở rộng. Iran đang tiến gần đến việc phát triển vũ khí hạt nhân có thể sử dụng, khiến lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang tại Trung Đông gia tăng.

Một trong hai hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân quan trọng giữa Nga và Mỹ đã sụp đổ. Hiệp ước còn lại, giới hạn số lượng vũ khí hạt nhân mà Nga và Mỹ có thể triển khai, sẽ hết hạn vào đầu năm 2026. Lời cam kết của các cường quốc hạt nhân trong Chiến tranh Lạnh về việc nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân ngày càng mờ nhạt.

Khoảng 60 năm trước, Tổng thống John F. Kennedy từng cảnh báo rằng đến năm 1975, thế giới có thể có từ 15 đến 20 cường quốc hạt nhân. Lời cảnh báo này có phần phóng đại: hiện nay chỉ có 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, hệ thống ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu đang đối mặt với nguy cơ lớn hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ Chiến tranh Lạnh, theo lời của Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi. Mối đe dọa về một cuộc đối đầu hạt nhân, điều mà một thập kỷ trước tưởng chừng như viễn tưởng, nay hoàn toàn có thể xảy ra.

2.png
Tổng thống Nga Vladimir Putin tháng trước đã đưa ra các đề xuất quy định mới về sử dụng vũ khí hạt nhân (Ảnh: WSJ)

“Sự đồng thuận giữa các cường quốc lớn về tầm quan trọng của việc ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân – điều rất quan trọng để xây dựng và duy trì cơ chế này kể từ những năm 1960 – đã bị xói mòn”, ông Eric Brewer, cựu Giám đốc đối phó phổ biến vũ khí hạt nhân tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, hiện làm việc tại tổ chức Sáng kiến Đe dọa Hạt nhân, cho biết. “Tôi nghĩ ít nhất chúng ta sẽ rơi vào một thế giới với nhiều quốc gia có khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân hơn”.

Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, Mỹ và Nga đã hợp tác để vô hiệu hóa hơn 3.000 đầu đạn hạt nhân chiến lược nằm tại các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ như Belarus, Kazakhstan và Ukraine. Đến năm 2012, Nga và Mỹ mỗi nước sở hữu dưới 5.000 đầu đạn. Vào năm 1988, con số này là hơn 41.000 và 23.500 lần lượt của Nga và Mỹ, theo Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ.

Nam Phi, quốc gia từng phát triển một kho vũ khí hạt nhân nhỏ, đã trở thành quốc gia đầu tiên – và cho đến nay vẫn là duy nhất – tự nguyện từ bỏ vũ khí hạt nhân vào đầu những năm 1990. Một thập kỷ sau, Libya đồng ý chấm dứt chương trình hạt nhân của mình. Sau khi Mỹ thực hiện cuộc chiến ở Iraq, Iran cũng bắt đầu đàm phán về chương trình hạt nhân của mình.

Tuy nhiên, những nỗ lực ngăn chặn phổ biến hạt nhân vẫn gặp một số trở ngại. Pakistan thử nghiệm vũ khí hạt nhân đầu tiên vào năm 1998, và Triều Tiên làm điều tương tự vào năm 2006.

Các nỗ lực nhằm kiềm chế mối đe dọa hạt nhân tập trung vào Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT) năm 1970. Hiệp ước này ghi nhận quyết định của hai siêu cường rằng việc hạn chế sự phổ biến của vũ khí hạt nhân quan trọng hơn là tìm kiếm lợi thế bằng cách cung cấp vũ khí cho đồng minh của mình.

Hiệp ước NPT, hiện có 191 quốc gia tham gia, quy định các quốc gia không sở hữu bom hạt nhân sẽ chỉ sử dụng năng lượng hạt nhân cho mục đích hòa bình và trao quyền giám sát cho IAEA của Liên hợp quốc. Nó bao gồm cả cam kết từ các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân làm việc thiện chí để giảm kho vũ khí của họ.

3.png
Các thành viên của Lực lượng Không quân Mỹ gia cố lớp bọc titan trên đầu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman (Ảnh: WSJ)

Khi căng thẳng giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga gia tăng trong những năm gần đây, sự đồng thuận về việc ngăn chặn sự phổ biến hạt nhân đã suy yếu. Các quan chức cho biết Iran có thể chỉ còn vài tháng nữa là có thể chế tạo vũ khí hạt nhân, và Arab Saudi đã tuyên bố sẽ làm theo nếu điều đó xảy ra. Các quan chức cấp cao tại Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đề cập đến khả năng quốc gia của họ sở hữu vũ khí hạt nhân.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã làm dấy lên lo ngại thực sự về việc sử dụng vũ khí hạt nhân lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ.

Nga liên tục nhấn mạnh vũ khí hạt nhân là phương tiện phòng vệ của mình, mặc dù các cơ quan tình báo phương Tây chưa phát hiện bất kỳ bước chuẩn bị thực sự nào cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

4.png
Rafael Grossi, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế của Liên Hợp Quốc cho biết, môi trường toàn cầu ngày càng căng thẳng ngày nay khiến “sức hút của vũ khí hạt nhân trở nên rất mạnh mẽ” (Ảnh: WSJ)

Tháng trước, khi Mỹ và các đồng minh tranh luận về việc cho phép Ukraine bắn các loại vũ khí tầm xa vào Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã công bố đề xuất một học thuyết hạt nhân mới, làm rõ hơn các điều kiện để có thể sử dụng vũ khí hạt nhân.

Nga cũng đã đồng ý gần đây về việc đặt vũ khí hạt nhân dưới sự kiểm soát của mình ở Belarus, quốc gia giáp ranh với một số thành viên của NATO, bao gồm Ba Lan.

Ông Nikolai Sokov, cựu nhà ngoại giao Nga và hiện là nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm Giải trừ Quân bị và Không phổ biến vũ khí ở Vienna, cho biết việc chuyển giao vũ khí cho Belarus cũng giống hành động chia sẻ hạt nhân mà Mỹ đã thực hiện với các đồng minh. Ông nói rằng các tuyên bố của ông Putin về hạt nhân đã leo thang vì lo ngại rằng phương Tây không coi trọng những “lằn ranh đỏ” mà ông đưa ra.

Cựu Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tháng trước đã cáo buộc Điện Kremlin thực hiện "một mô thức ngôn luận hạt nhân liều lĩnh". NATO phản ứng bằng cách công khai hơn về cuộc diễn tập hạt nhân thường niên “Steadfast Noon” của mình, nhằm thể hiện cả với đối thủ và công dân rằng họ đã sẵn sàng cho xung đột nếu cần.

Trong bối cảnh mới này, nguy cơ về một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân đang gia tăng nhanh chóng.

5.png
Một máy bay chiến đấu phản lực tham gia cuộc tập trận hạt nhân trên không "Steadfast Noon" của NATO năm 2022 (Ảnh: WSJ)

Sự mở rộng hạt nhân của Trung Quốc dường như là nhanh nhất, và Bắc Kinh cho đến nay đã từ chối đàm phán về kế hoạch của mình. Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính kho vũ khí hạt nhân hiện tại của Trung Quốc, khoảng 500 vũ khí, sẽ đạt 1.500 vào năm 2035, đưa Bắc Kinh ngang hàng với Nga và Mỹ. Vào năm 2021, Vương quốc Anh đã thông báo tăng giới hạn số lượng vũ khí hạt nhân của mình.

Một số chuyên gia tin rằng Nga và Mỹ có thể đạt được một thỏa thuận không chính thức để giữ giới hạn đầu đạn hạt nhân triển khai sau khi hiệp ước “New Start” kết thúc vào năm 2026. Tuy nhiên, Washington cũng đang phải đối mặt với áp lực tăng cường kho vũ khí hạt nhân của mình. Một ủy ban do Quốc hội bổ nhiệm năm ngoái đã khuyến nghị Mỹ chuẩn bị mở rộng lực lượng hạt nhân của mình để ngăn chặn mối đe dọa kép từ Trung Quốc và Nga.

6.png
Một bản tin được phát sóng ở Seoul cho thấy vụ thử tên lửa của Triều Tiên vào tháng trước (Ảnh: WSJ)

Đầu năm nay, ông Elbridge Colby, một quan chức của Lầu Năm Góc dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, đã đề xuất rằng liên minh phòng thủ Mỹ-Hàn Quốc nên được tái cơ cấu để cho phép Washington tập trung vào Bắc Kinh. Ông nói rằng Hàn Quốc nên cân nhắc tất cả các lựa chọn khi đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên. Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng mới của Hàn Quốc cũng sử dụng ngôn ngữ tương tự về việc liệu nước này có nên theo đuổi việc sở hữu vũ khí hạt nhân hay không.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden trong năm 2023 đã tìm cách loại bỏ lựa chọn đó. Washington đã cho Seoul có tiếng nói lớn hơn trong các cuộc tham vấn về khả năng phản ứng hạt nhân của Mỹ đối với một cuộc tấn công của Triều Tiên, để đổi lấy việc Seoul cam kết từ bỏ kế hoạch theo đuổi vũ khí hạt nhân của riêng mình.

Một số thành viên Quốc hội Mỹ đã chỉ trích kế hoạch của chính quyền Biden nhằm chia sẻ công nghệ hạt nhân với Arab Saudi như một phần trong nỗ lực của Nhà Trắng để thiết lập quan hệ ngoại giao giữa vương quốc này và Israel. Họ nói rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng nên ngăn Arab Saudi có khả năng làm giàu uranium trong nước.

Ông Matthew Kroenig, giám đốc cấp cao tại Trung tâm Chiến lược và An ninh Scowcroft của Hội đồng Đại Tây Dương và là một trong những người tham gia vào việc xem xét chiến lược hạt nhân của Quốc hội Mỹ, lập luận rằng bất chấp những căng thẳng đối với hệ thống không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu, Mỹ vẫn có các công cụ để củng cố nó.

“Chúng ta tập trung vào những quốc gia gây vấn đề, nhưng phần lớn, 190 quốc gia khác vẫn tuân thủ hiệp ước NPT”, ông nói. “Tôi nghĩ rằng rất nhiều điều nằm trong tầm tay của chúng ta…Và tôi nghĩ vấn đề lớn nhất là sự răn đe, liệu chúng ta có thể sắp xếp chiến lược hạt nhân của mình và đảm bảo cho các đồng minh không?”.

Ông Rafael Grossi, Tổng giám đốc IAEA, có cái nhìn kém lạc quan hơn. Ông nói rằng môi trường toàn cầu ngày càng căng thẳng hiện nay khiến “sức hút của vũ khí hạt nhân trở nên rất mạnh mẽ”, ông cho biết vào tháng trước. “Đúng là một thời điểm khó khăn”.

Theo Wall Street Journal