Trung Quốc, Mỹ, Canada: ai thắng trong sự kiện Mạnh Vãn Chu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sự kiện Mạnh Vãn Chu, nữ giám đốc tài chính Huawei trở về, được Trung Quốc coi là một thắng lợi ngoại giao rất lớn của họ. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng không có ai chiến thắng trong trò chơi đối đầu này.
 Bà Mạnh Vãn Chu về Trung Quốc hôm 25/9 trên chuyên cơ và đón bằng thảm đỏ (Ảnh: Xinhua).
Bà Mạnh Vãn Chu về Trung Quốc hôm 25/9 trên chuyên cơ và đón bằng thảm đỏ (Ảnh: Xinhua).

Mạnh Vãn Chu – người hùng được cả nước Trung Quốc chào đón

Sự kiện Mạnh Vãn Chu trở về Trung Quốc bằng chuyên cơ của chính phủ, đã gây bão trên truyền thông và mạng xã hội Trung Quốc.

"Mạnh Vãn Chu đã thắng! Huawei đã thắng! Trung Quốc đã thắng!", "Nhiệt liệt hoan nghênh người anh hùng thời đại mới Mạnh Vãn Chu về nước! Tổ quốc muôn năm!". Trong mấy ngày qua, những ngôn từ tương tự đã tràn ngập truyền thông và mạng Internet Trung Quốc. Nhiều người nghĩ đến những câu thoại trong loạt phim "Chiến Lang": "Tổ quốc sẽ luôn là chỗ dựa vững chắc nhất của bạn" và "Hãy nhớ rằng, sau lưng bạn có một tổ quốc hùng mạnh!".

Trên mạng xã hội đầy rẫy những câu viết cho rằng Mạnh Vãn Chu được trở về, “Không phải do Mỹ và Canada nhân từ, mà là tổ quốc hùng mạnh!”. Trước làn sóng yêu nước dâng trào, người phát ngôn Hoa Xuân Oánh cũng nói tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc: "Tổ quốc hùng mạnh sẽ luôn là chỗ dựa vững chắc của mọi công dân Trung Quốc". Trong khoảnh khắc, dường như tất cả mọi người đều Trung Quốc đều là Mạnh Vãn Chu.

Bà Mạnh Vãn Chu về tới sân bay Thâm Quyến đêm 25/9 trên chuyên cơ (Ảnh: Xinhua).

Bà Mạnh Vãn Chu về tới sân bay Thâm Quyến đêm 25/9 trên chuyên cơ (Ảnh: Xinhua).

Truyền thông nhà nước Trung Quốc và các blogger tới tấp loan tin đây là một thắng lợi to lớn của ngoại giao của Trung Quốc. Trên Weibo, Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu Hồ Tích Tiến đã viết: "Hôm nay, chúng ta thực rất hạnh phúc và hoàn toàn tự hào vì chúng ta là người Trung Quốc". Một bài báo được chia sẻ rất nhiều trên mạng thậm chí đã viết: “Giờ đây, tất cả đã qua đi, chỉ còn lại hai từ ‘Thắng rồi’! Nếu sử dụng bốn từ, đó chính là ‘Trung Quốc đã thắng!’”.

Tờ China Daily và các cơ quan truyền thông nhà nước khác ngày 26/9 đã cùng đăng một bài báo, nêu rõ: “Con thuyền (“Chu” tên bà) đã vượt qua vạn ngọn núi”. Sau ba năm đấu tranh gian khổ, “Mỹ buộc phải thừa nhận bằng hành động thực tế rằng họ đã không thể kiềm chế được Trung Quốc”. Bài báo viết, "Việc trả tự do cho Mạnh Vãn Chu rõ ràng có liên quan đến sự thay đổi trong phong cách ngoại giao của Trung Quốc. Đằng sau sự thay đổi này là sự đổi chiều của gió đông và gió tây, là sự thay đổi về thời và thế", "Tiến trình lịch sử phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa là không thể đảo ngược được"...

Trung Quốc bị mất điểm về chính sách “ngoại giao con tin”

Ở phương Tây, một số cơ quan truyền thông cũng đồng tình với quan điểm “Trung Quốc đã thắng”, nhưng có một chút cay đắng trong đó. Theo quan điểm của họ, đây là một thắng lợi của “chính sách ngoại giao con tin” của Bắc Kinh. Ví dụ, tờ Der Spiegel của Đức đã phân tích rằng đối với tất cả các chính phủ đang tìm kiếm mô thức thích hợp chơi với Trung Quốc hiện đại, sự kiện này đã gửi đi một thông điệp đáng lo ngại: "Ngoại giao con tin đang phát huy tác dụng. Bởi vì bất kể thế nào, Bắc Kinh cũng đã chiến thắng trong cuộc tranh chấp này".

Người dân tụ tập chờ đợi đón Mạnh Vãn Chu tại sân bay Thâm Quyến (Ảnh: AP).

Người dân tụ tập chờ đợi đón Mạnh Vãn Chu tại sân bay Thâm Quyến (Ảnh: AP).

Trong khi Mạnh Vãn Chu lên chuyên cơ về Trung Quốc, hai công dân Canada cũng lên đường về nhà. Doanh nhân Michael Spavor và cựu quan chức ngoại giao Canada tại Trung Quốc Michael Kovrig đã bị Trung Quốc bắt giữ ngay sau khi bà Mạnh Vãn Chu bị bắt năm 2018. Các nước Phương Tây đều cho rằng nguyên nhân của việc bắt giữ hai người là Trung Quốc hành động trả đũa đối với vụ Mạnh Vãn Chu, lấy đó gây áp lực lên Ottawa. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc luôn phủ nhận mọi mối liên hệ giữa vụ dẫn độ Mạnh Vãn Chu với việc họ bắt giữ hai người Canada này.

Michael Spavor và Michael Kovrig đã về tới Canada hôm 25/9. Thủ tướng Trudeau đã ra đón và ôm họ trên đường băng. Tuy nhiên, tin tức về việc Trung Quốc trả tự do cho hai người Canada hầu như không được nhắc đến, vì điều đó có nghĩa là Trung Quốc buộc phải trả giá để Mạnh Vãn Chu được trở về.

Phía dưới bài viết Weibo của Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu Hồ Tích Tiến được đề cập ở trên, một cư dân mạng đặt câu hỏi: “Nếu tôi bị bắt, liệu nhà nước có giải cứu tôi không?”. Bình luận này nhận được 700 lượt “like”. Những cư dân mạng comment đã nói đùa: "Tại sao lại tự chuốc lấy nỗi nhục về mình" và "Bạn hãy thử @ Ngô Kinh xem".

Trên các phương tiện truyền thông xã hội bên ngoài bức tường lửa, một số cư dân mạng đã chỉ ra rằng "người chiến thắng" thực sự là hai người Canada đã trở về nhà vì họ đã "thực sự lấy lại được tự do”, “còn Mạnh Vãn Chu ư? ... lần trở về này e khó thoát ra khỏi bức tường cao".

Khẩu hiệu "Chào mừng Mạnh Vãn Chu trở về" trên nhà cao tầng ở Thâm Quyến (Ảnh: Xinhua).

Khẩu hiệu "Chào mừng Mạnh Vãn Chu trở về" trên nhà cao tầng ở Thâm Quyến (Ảnh: Xinhua).

Nhà sử học Trung Quốc Chương Lập Phàm đã tweet: "Cười và nói: Mọi người đều có được thứ mình cần. Lấy lại được thể diện, nhưng liệu có giữ được bên trong? Quốc gia đối đầu, cá nhân không nghĩa lý gì ...".

Giáo sư Bernie Frolic, một chuyên gia về Trung Quốc và là một cựu quan chức ngoại giao Canada tại Trung Quốc, nói rằng vẫn còn quá sớm để bàn về thắng thua. Ông nói, toàn bộ quá trình kéo dài ba năm, và cuối cùng không phải Canada, mà là Mỹ đóng vai trò quyết định. "Các con tin Canada chỉ đóng một vai trò nhỏ trong kết quả cuối cùng .... Nếu nó có lợi cho Trung Quốc, Trung Quốc sẽ lại làm điều đó (tức bắt giữ con tin) một lần nữa".

Mối quan hệ Trung Quốc – Canada , Trung – Mỹ liệu có được cải thiện?

Truyền thông nhà nước Trung Quốc tuyên bố rằng việc thả Mạnh Vãn Chu và các công dân Canada để họ về nước sẽ giúp làm dịu quan hệ Trung-Mỹ và Trung Quốc-Canada. Liệu các mối quan hệ song phương có thể quay trở lại như trước đây?

Tờ Thời báo Hoàn cầu hôm thứ Hai (27/9) viết, giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu của Huawei được thả là cơ hội để Trung Quốc tái khởi động quan hệ song phương với Mỹ và Canada, nhưng "những phát biểu chính trị độc hại" vẫn có thể "đầu độc" bầu không khí.

Thủ tướng Canada Trudeu (trái) sa sân bay đón hai công dân được Trung Quốc trả tự do (Ảnh: Reuters).

Thủ tướng Canada Trudeu (trái) sa sân bay đón hai công dân được Trung Quốc trả tự do (Ảnh: Reuters).

Thời báo Hoàn cầu chỉ ra trong bài xã luận, việc Mạnh Vãn Chu trở về Trung Quốc là một dấu hiệu cho thấy căng thẳng kinh tế và thương mại song phương đã giảm bớt, nhưng cáo buộc "các thế lực chống Trung Quốc" đã gây ồn ào, và trích dẫn lời chỉ trích của Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio làm ví dụ.

Ông Marco Rubio gần đây đã chỉ trích chính phủ Joe Biden yếu kém trong vụ thả Mạnh Vãn Chu về Trung Quốc, đồng thời đặt câu hỏi về khả năng và ý muốn của chính quyền Biden trong việc đối phó các mối đe dọa từ Huawei và Trung Quốc.

Bài báo của Thời báo Hoàn cầu viết: "Ồn ào mà họ gây ra sẽ không thay đổi sự thật cơ bản, tức các cáo buộc chống lại Mạnh Vãn Chu là có động cơ chính trị nhằm tấn công các công ty công nghệ cao của Trung Quốc. Mạnh Vãn Chu sẽ không nhận tội và Huawei sẽ không hành động theo quy tắc của họ. Đây là một sự thật mà Rubio và các chính trị gia chống Trung Quốc khác phải chấp nhận”.

Tuy nhiên, một tuyên bố trên trang web của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết căn cứ các điều khoản của thỏa thuận hoãn truy tố, Mạnh Vãn Chu đã đồng ý với một bản trần thuật sự thật dài 4 trang trình bày chi tiết việc bà cố tình lừa dối các tổ chức tài chính. Tờ Wall Street Journal chỉ ra rằng, theo thỏa thuận đạt được tại Tòa án Liên bang ở Brooklyn vào thứ Sáu tuần trước (24/9), Mạnh Vãn Chu khi ra hầu tòa đã thừa nhận bà ta đã tham gia vào một số hành vi sai trái.

Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) tường thuật trực tiếp lễ đón Mạnh Vãn Chu tại sân bay Thâm Quyến (Ảnh: CCTV).

Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) tường thuật trực tiếp lễ đón Mạnh Vãn Chu tại sân bay Thâm Quyến (Ảnh: CCTV).

Một cơ quan truyền thông nhà nước khác của Trung Quốc là China Daily, viết trong một bài xã luận: “Liệu quan hệ Trung Quốc-Mỹ và Trung Quốc-Canada hiện có thể tận dụng cơ hội rõ ràng này để khởi động lại hay không phụ thuộc vào mức độ mà Washington và Ottawa có ghi nhớ các bài học của họ về sự khinh suất”.

Giáo sư Bernie Frolic, một chuyên gia về Trung Quốc và là một cựu quan chức ngoại giao Canada tại Trung Quốc, nói việc Mạnh Vãn Chu trở về Trung Quốc thực sự có lợi cho việc cải thiện quan hệ giữa hai nước, nhưng tốc độ sẽ rất chậm và không thể trông chờ ​​sẽ trở lại trạng thái trước đó. "Sẽ mất nhiều thời gian để người Canada khôi phục lòng tin với Trung Quốc, và Trung Quốc cũng có thể không muốn khôi phục hoàn toàn quan hệ với Canada".

Cựu đại sứ Canada tại Trung Quốc, Guy Saint Jacques, nói với Globe and Mail của Canada hôm Chủ nhật (26/9) rằng Canada "không thể" khôi phục quan hệ bình thường với Trung Quốc. Ông giải thích rằng trong ba năm qua, mọi người đã rõ về "mặt đen tối" của Trung Quốc và "lòng tin giữa hai nước đã biến mất".

Ông nói thêm rằng mối quan hệ giữa hai nước sẽ phải mất nhiều năm để xây dựng lại. Ông nói rằng các quốc gia khác cũng hiểu rằng những gì đã xảy ra với Michael Spavor và Michael Kovrig rõ ràng là "bắt giữ con tin".

Đón hai công dân Canada được Trung Quốc trả tự do, về nước hôm 25/9 (Ảnh: Reuters).

Đón hai công dân Canada được Trung Quốc trả tự do, về nước hôm 25/9 (Ảnh: Reuters).

Guy Saint Jacques nói rằng Đảng Tự do của ông Trudeu rất thận trọng về phát ngôn trong chiến dịch tranh cử gần đây bởi vì họ không muốn đối lập với cộng đồng người Hoa, nhưng ông nói rằng bây giờ cuộc bầu cử đã kết thúc và hai người Canada đã được trở về. Bây giờ đã đến lúc Canada phải nói rõ về chính sách mới với Trung Quốc.

Bộ trưởng Ngoại giao Canada Marc Garneau hôm 26/9 cho biết Canada nhận thức rõ những khó khăn và trở ngại có thể gặp phải trong tương lai khi bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Ông nói với hãng tin CBC rằng bốn con đường chính trong chính sách Trung Quốc của chính phủ Canada hiện nay là: "cùng tồn tại", "cạnh tranh", "hợp tác" và "thách thức".

Bà Lynette Ong, Phó giáo sư Khoa học chính trị tại Đại học Toronto và là chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, chỉ ra rằng: Trung Quốc là một quốc gia lớn, ngay cả khi Canada không đồng ý với họ một số ý kiến, vẫn cần hợp tác trong một số vấn đề chính. Bà nói thêm rằng nếu không có sự hợp tác của Trung Quốc sẽ không có ý nghĩa khi giải quyết các vấn đề như giảm thiểu biến đổi khí hậu, bà chỉ ra rằng điều này cũng đúng trong việc chấm dứt đại dịch COVID-19.

Ngoài ra, một số chuyên gia nghiên cứu về mối quan hệ thương mại giữa Canada và Trung Quốc cho rằng việc thả Mạnh Vãn Chu có thể khiến các công ty Canada làm ăn với Trung Quốc thở phào. Giáo sư Gordon Houlden, Viện trưởng Danh dự của Viện Trung Quốc thuộc Đại học Alberta, trước đó đã nói rằng: một khi Mạnh Vãn Chu và hai công dân Canada được trả tự do, Canada có thể bắt đầu tu sửa các mối quan hệ thương mại và kinh doanh với Trung Quốc. "Xem ra hiện đã đến lúc rồi".

Mạnh Vãn Chu phát biểu tại sân bay Thâm Quyến, cám ơn Đảng Cộng sản và nhà nước Trung Quốc (Ảnh: CCTV).

Mạnh Vãn Chu phát biểu tại sân bay Thâm Quyến, cám ơn Đảng Cộng sản và nhà nước Trung Quốc (Ảnh: CCTV).

Tuy nhiên, Gordon Houlden chỉ ra rằng, trên nhiều khía cạnh thiệt hại đã xảy ra và gây nên chia rẽ giữa hai nước; vì vậy, "điều này không có nghĩa là mối quan hệ giữa hai nước sẽ trở lại trạng thái trước đây".

Mỹ là bên thua thiệt?

Tờ Süddeutsche Zeitung (Nam Đức) viết: Sau khi về đến Trung Quốc, Mạnh Vãn Chu được giới truyền thông chính thống chào đón như một người anh hùng. Trong các bản tin chính thức, việc bà thừa nhận các cáo buộc là không đáng kể và bà được mô tả như một hình mẫu phản kháng trực diện với Mỹ. Giải thích chính thức của Trung Quốc là Washington đang lạm dụng quyền lực để ngăn Huawei và các công nghệ tiên tiến của họ dẫn đầu trên thị trường quốc tế, từ đó ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Thỏa thuận này giữa Washington và Bắc Kinh sẽ có tác dụng hòa dịu lâu dài mối quan hệ giữa hai nước là điều rất đáng nghi ngờ. Xét cho cùng, hai nước đã trở thành đối thủ cạnh tranh một mất một còn trên nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, còn có tranh chấp địa chính trị ở Biển Đông, xung đột trong vấn đề Đài Loan, tình hình nhân quyền ở Trung Quốc, và sự đàn áp ở Tân Cương và Hồng Kông. Vụ bắt giữ Mạnh Vãn Chu năm 2018 khiến nhiều nhà quan sát nhớ lại những năm Chiến tranh Lạnh. Vụ trao đổi con tin lần này một lần nữa gợi nhớ sự liên tưởng tương tự".

Tờ Wall Street Journal với tiêu đề "Thắng lợi của ngoại giao con tin của Trung Quốc", viết: "Những người phương Tây làm việc ở Trung Quốc cần chú ý, họ có thể bị bắt bất cứ lúc nào với những cáo buộc bịa đặt và bị sử dụng làm con tin để thúc đẩy lợi ích của Bắc Kinh. Đó là thông điệp nhục nhã về việc Mỹ khuất phục trước chính sách ngoại giao con tin của Trung Quốc trong vụ Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính của Huawei".

Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki hôm 27/9 bác bỏ việc trả tự do và để Mạnh Vãn Chu về Trung Quốc là một cuộc "trao đổi tù nhân" (Ảnh: Dwnews).

Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki hôm 27/9 bác bỏ việc trả tự do và để Mạnh Vãn Chu về Trung Quốc là một cuộc "trao đổi tù nhân" (Ảnh: Dwnews).

Bài báo chỉ ra rằng mặc dù Mạnh Vãn Chu đã thừa nhận những sự thật mà bà ta đã phủ nhận trước đây, nhưng nó sẽ không đóng vai trò gì lớn trong các vụ kiện tiềm tàng khác chống lại Huawei, vì không có điều gì trong thỏa thuận hoãn truy tố (DPA) yêu cầu bà phải có mặt tại tòa án Mỹ để làm chứng cho những sự thật này. Mặc dù bà ta đồng ý không bác bỏ những sự thật này, nhưng nếu bà ăn năn ở một nơi an toàn ở Trung Quốc, bà thoát khỏi quyền tài phán của Bộ Tư pháp Mỹ. Bài báo viết: "Thật khó tin rằng các công tố viên chuyên nghiệp lại hài lòng với kết quả này. Nó hạ thấp giá trị pháp quyền và phá hoại nỗ lực của họ trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran. Việc Michael Spavor và Michael Kovrig được trả tự do là một tin tốt. Nhưng Trung Quốc và phần còn lại của thế giới sẽ nhận được thông điệp rằng: biện pháp ngoại giao cưỡng chế bắt con tin sẽ hữu ích”.

Việc trả tự do và trở về Trung Quốc của Mạnh Vãn Chu có phải là một "cuộc trao đổi tù nhân"? Người phát ngôn của Nhà Trắng Jen Psaki trong cuộc họp báo ngày 27/9 đã bác bỏ điều này và xác nhận rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nêu trường hợp Mạnh Vãn Chu trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Bà nói, thỏa thuận hoãn truy tố đạt được với Mạnh Vãn Chu là "một hành động do Bộ Tư pháp độc lập thực hiện. Đây là vấn đề thực thi pháp luật".