Trung Quốc muốn đuổi kịp Mỹ trong ngành công nghiệp bán dẫn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Trung Quốc đang cố gắng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước của mình khi Mỹ gia tăng sức ép đối với các gã khổng lồ công nghệ của nước này.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích thì Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong việc củng cố lĩnh vực bán dẫn nội địa của mình.

Chất bán dẫn là thành phần vô cùng quan trọng của điện tử dân dụng. Khi ngày càng có nhiều thiết bị trở nên “thông minh” và được kết nối với internet, chúng sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn trong các lĩnh vực mới, chẳng hạn như ô tô. Đó là lý do tại sao Trung Quốc muốn trở thành một người chơi lớn trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với tình huống mà quyền tiếp cận của các công ty nước này đối với các thành phần chip quan trọng, cũng như khả năng mua sắm công nghệ của các nhà sản xuất chip trong nước có thể bị cản trở.

Trung Quốc muốn đuổi kịp Mỹ trong ngành công nghiệp bán dẫn nhưng điều đó sẽ không dễ dàng
Trung Quốc muốn đuổi kịp Mỹ trong ngành công nghiệp bán dẫn nhưng điều đó sẽ không dễ dàng

Trao đổi với CNBC, ông Dan Wang - nhà phân tích công nghệ tại Công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết: “Nếu không có chất bán dẫn, Trung Quốc không thể trở thành một cường quốc công nghệ thật sự và các công ty công nghệ của riêng họ bao gồm công ty lớn như Huawei có thể rất khó để duy trì hoạt động nếu Trung Quốc không có năng lực thực sự để duy trì sản xuất chất bán dẫn”.

Cuộc chiến thương mại đã cho thấy sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nguồn chip từ nước ngoài cũng như vai trò trung tâm của Mỹ đối với chuỗi cung ứng bán dẫn.

Đầu năm nay, Washington đã sửa đổi một quy tắc yêu cầu các nhà sản xuất nước ngoài sử dụng thiết bị sản xuất chip của Mỹ phải có giấy phép trước khi bán chất bán dẫn cho Huawei. Tuy nhiên, hiện không có dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ cấp những giấy phép đó.

Trong khi Huawei, hiện là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, họ đang thiết kế chip của riêng mình thông qua một công ty con có tên là HiSilicon nhưng thực chất chúng được sản xuất bởi công ty đúc bán dẫn TSMC của Đài Loan. Trong khi đó, TSMC sử dụng thiết bị chế tạo chip do các công ty của Mỹ sản xuất. Vì vậy, Huawei sẽ không còn được sử dụng nguồn chip từ TSMC sau ngày 15 tháng 9 và Huawei sẽ có rất ít nguồn cung cấp chip từ các công ty sản xuất bán dẫn khác trên toàn cầu do lệnh trừng phạt của Mỹ.

Chính phủ Mỹ cũng đang xem xét có nên đưa Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC), nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất của Trung Quốc vào Danh sách thực thể hay không. Nếu điều đó xảy ra, nó sẽ hạn chế các công ty Mỹ xuất khẩu công nghệ cho SMIC. Trên thực tế, SMIC có thể không có quyền tiếp cận các thiết bị mà nó cần để sản xuất ra các chip tiên tiến hơn. Hiện công nghệ của SMIC đã đi sau TSMC và Samsung của Hàn Quốc vài năm.

Chuỗi cung ứng bán dẫn phụ thuộc vào Mỹ


Ngành công nghiệp bán dẫn có một chuỗi cung ứng cực kỳ phức tạp. Đó không chỉ là về các công ty sản xuất chip mà còn có các công ty thiết kế tham gia, cũng như các công ty tạo ra các công cụ cho phép sản xuất ngay từ đầu.

TSMC và Samsung đang dẫn đầu về sản xuất chất bán dẫn. Khi đề cập đến các công cụ cho việc thiết kế chất bán dẫn, Mỹ là quốc gia chiếm ưu thế. Hiện tại công ty ASML của Hà Lan đang sản xuất một thiết bị khắc bằng tia siêu cực tím (EUV) giúp cho việc sản xuất những con chip tiên tiến nhất như những con chip do TSMC và Samsung sản xuất. Nguồn tin từ Reuters vào đầu năm nay cho biết, Mỹ đã gây sức ép buộc chính phủ Hà Lan phải ngừng bán thiết bị này cho SMIC và những lô hàng thiết bị đó đã không đến được với SMIC của Trung Quốc.

Tháng trước, ASML nói với CNBC rằng họ đang chờ giấy phép xuất khẩu từ chính phủ Hà Lan để vận chuyển máy móc sang Trung Quốc. Vấn đề khó khăn đối với Trung Quốc là sự phụ thuộc vào thiết bị từ nước ngoài trong dây chuyền sản xuất bán dẫn.

Với việc Mỹ đang gia tăng sức ép đối với lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc, việc đưa ngành công nghiệp chip nội địa của nước này ngang hàng với Mỹ sẽ là một nhiệm vụ khó khăn đối với Trung Quốc.

“Nếu không có những công cụ này, Trung Quốc bị tụt hậu rất xa. Và ngay cả khi họ không bị rào cản việc tiếp cận vào các công cụ và vật liệu hàng đầu trên thị trường, Trung Quốc vẫn chưa thực sự có thể bắt kịp Mỹ”, ông Dan Wang nhận định.

Vẫn còn những cơ hội cho Trung Quốc


Tuy nhiên, tất cả đều không phải là dấu chấm hết cho lĩnh vực bán dẫn của Trung Quốc, về dài hạn, nước này có thể bắt kịp Mỹ trong lĩnh vực sản xuất chip. Một yếu tố có thể có lợi cho Trung Quốc là nước này có một thị trường rất lớn, về cả dân số và số lượng thiết bị được sử dụng.

Sze Ho Ng, nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư China Renaissance nói CNBC rằng: “Trung Quốc là một thị trường rộng lớn, vì vậy chỉ riêng phục vụ cho thị trường Trung Quốc cũng đã mang lại rất nhiều cơ hội cho các nhà cung cấp bán dẫn trong nước vì thực tế hiện nay rất nhiều nguồn cung vẫn đến từ nước ngoài”.

Ngoài ra, số lượng sản phẩm sử dụng chip chắc chắn sẽ tăng lên trong tương lai. Chẳng hạn như internet vạn vật, hoặc các thiết bị như đèn giao thông được kết nối với internet giúp chúng phối hợp tốt hơn để kiểm soát lưu lượng ô tô của các thành phố. Những con chip trong đó không nhất thiết phải là những con chip tiên tiến nhất và đó có thể trở thành lĩnh vực mà các công ty Trung Quốc thống trị.

Theo Vietnamnet