Cuộc chiến quyết liệt Mỹ - Trung xung quanh chip bán dẫn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Washington dự định áp đặt lệnh cấm vận đối với tập đoàn sản xuất chip khổng lồ SMIC của Trung Quốc. Trang tin Đức Deutsche Welle tiếng Trung ngày 13/9 đăng bài cho rằng lệnh cấm vận này có thể tạm thời cản trở hoạt động sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn của Trung Quốc, nhưng về lâu dài thì không thể ngăn cản sự phát triển của họ.
Cuộc chiến cạnh tranh Trung - Mỹ trong lĩnh vực công nghệ diễn ra rất quyết liệt (Ảnh: Sohu).
Cuộc chiến cạnh tranh Trung - Mỹ trong lĩnh vực công nghệ diễn ra rất quyết liệt (Ảnh: Sohu).

Đây mới chỉ là đe dọa, nhưng là một mối đe dọa thực chất: Sau khi Huawei và hơn 270 công ty Trung Quốc khác không còn được phép sử dụng công nghệ của các nhà cung cấp Mỹ, chính quyền của Tổng thống Trump cũng xem xét đưa nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất Trung Quốc SMIC vào “danh sách đen” (Entity List).

Lý do chính thức mà Mỹ đưa ra là SMIC có quan hệ thân thiết với quân đội Trung Quốc. Các nhà cung cấp của SMIC tại Mỹ từ nay phải xin giấy phép mới có thể tiếp tục kinh doanh với họ. Nhưng liệu có thể được cấp phép không và khó khăn như thế nào, thì Washington là bên có tiếng nói cuối cùng. SMIC gọi tuyên bố của Mỹ là “gây sốc”. Chính phủ Trung Quốc gọi đó là “một hành động bá quyền trắng trợn”.

Việc cạnh tranh Trung - Mỹ trong lĩnh vực chip đã trở nên rất gay cấn (Ảnh: Bloomberg).
Việc cạnh tranh Trung - Mỹ trong lĩnh vực chip đã trở nên rất gay cấn (Ảnh: Bloomberg).

Công ty chủ chốt trong lĩnh vực then chốt

Trên thực tế, chất bán dẫn có ý nghĩa then chốt đối với việc Trung Quốc hiện thực hóa nhiều tham vọng công nghệ của mình. Là một phần của mạng thông tin di động, chất bán dẫn là yếu tố quyết định đến an ninh quốc gia. Do đó, Mỹ có ý định ngăn cản ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc định ra các tiêu chuẩn quốc tế trong tương lai gần. Đối với Bắc Kinh, SMIC, được thành lập vào năm 2000 với sự hỗ trợ của chính phủ, có ý nghĩa then chốt. Các doanh nghiệp nhà nước như Datang Telecom Group và National IC Industry Investment Fund Co. Ltd. đều là nhà đầu tư vào doanh nghiệp này. Bắc Kinh đã thành lập Quỹ đầu tư mạch IC vào năm 2014 nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ trong nước.

SMIC có ý nghĩa to lớn đối với mục tiêu của Bắc Kinh trong việc xây dựng một ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc cạnh tranh. Với khẩu hiệu “Made in China 2025”, Trung Quốc dự tính sản xuất được 70% lượng chip cần thiết trong vòng 5 năm. Hiện tại, SMIC mới chỉ đáp ứng được 18% nhu cầu trong nước. Không có công ty nào khác có sức nặng hơn trong việc đạt được các mục tiêu đầy tham vọng này của Bắc Kinh.

Mặc dù vậy, SMIC vẫn đứng sau hầu hết các công ty hàng đầu quốc tế cả về trình độ kỹ thuật và năng lực sản xuất. Ví dụ: các chuyên gia ước tính rằng TSMC, nhà sản xuất dẫn đầu thị trường thế giới của Đài Loan đang đi trước SMIC một đến hai năm về nghiên cứu và phát triển. SMIC cũng phụ thuộc rất nhiều vào các thiết bị sản xuất do các nhà sản xuất Mỹ như LAM Research hay KLA-Tencor cung cấp. Do các lệnh trừng phạt của chính quyền Trump đối với các công ty Trung Quốc khác, doanh thu của SMIC trong năm 2019 đã giảm xuống 3,1 tỷ USD, mức giảm 7%.

Trung Quốc hiện đang là thị trường tiêu thụ chip lớn nhất thế giới (Ảnh: Deutsche Welle)
Trung Quốc hiện đang là thị trường tiêu thụ chip lớn nhất thế giới (Ảnh: Deutsche Welle)

Trung Quốc cần phải tự chủ

Các lệnh trừng phạt chống lại SMIC khi nào có hiệu lực hiện vẫn chưa rõ. Lầu Năm Góc cho biết trước tiên họ phải tham khảo ý kiến của các cơ quan khác của chính phủ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Nhưng có một điều rõ ràng là: Đối với Bắc Kinh, bản thân lời đe dọa đã là một cảnh báo khác rằng ngành công nghiệp bán dẫn của nước này phải được tự chủ càng sớm càng tốt.

Trong sản xuất chất bán dẫn toàn cầu, thị phần hiện tại của Trung Quốc chỉ là 5%. Do đó, Trung Quốc hiện đang phải chi cho nhập khẩu chip nhiều tiền hơn là nhập khẩu dầu thô. Trong tổng kim ngạch thương mại chip 412,1 tỷ USD của năm 2019, tập đoàn Concern của Mỹ chiếm tới một nửa. Năm 2019, 6 trong số 10 nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới là các công ty Mỹ.

Mỹ giữ địa vị thống trị

Trong thị trường chip trị giá 155 tỷ USD của Trung Quốc, các công ty Mỹ cũng chiếm khoảng một nửa. Cho dù là công cụ thiết kế chip, bằng sáng chế hay công nghệ sản xuất, Trung Quốc đều chủ yếu dựa vào các công ty Mỹ. Trong 30 năm qua, ngoài thế giới phương Tây, chỉ có ba quốc gia (khu vực) đã xây dựng được ngành công nghiệp chip đáng kể là: Đài Loan, Singapore và Hàn Quốc.

Tuy nhiên, tình hình này sẽ thay đổi: Vào tháng 10 vừa qua,Trung Quốc đã công bố Kế hoạch 5 năm lần thứ 14, trong đó có một loạt các biện pháp nhằm tăng cường ngành công nghiệp bán dẫn, bao gồm cắt giảm thuế, nhập khẩu thuận tiện và khuyến khích đầu tư. Theo báo chí, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hứa sẽ phân bổ 1,4 tỷ USD Mỹ cho đầu tư đổi mới công nghệ. Về dài hạn, Bắc Kinh có kế hoạch đầu tư hơn 100 tỷ USD cho ngành sản xuất chip nhà nước.

Trung Quốc - Thị trường tiêu thụ lớn nhất

Nhu cầu trong nước đối với chất bán dẫn cũng sẽ được hỗ trợ thúc đẩy. Đối với ngành công nghiệp bán dẫn quốc tế, Trung Quốc đã là thị trường quan trọng nhất. Không nước nào nhập khẩu số lượng chip nhiều hơn Trung Quốc. Nhập khẩu chip của Trung Quốc chiếm 1/3 lượng tiêu thụ toàn cầu, xu hướng còn tăng thêm. Do đó, các nhà sản xuất chip đều chú trọng việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc.

Trong 25 năm qua, Trung Quốc đã liên tục giảm bớt mức độ phụ thuộc vào các sản phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, tới năm 2015, quốc gia này mới phát động kế hoạch nghiên cứu và phát triển để mở rộng ngành công nghiệp chip dài hạn. Vì bắt đầu tương đối muộn nên Trung Quốc hiện đang cố gắng tạo ra một bước nhảy vọt trong lĩnh vực sáng tạo. Cái gọi là chip thế hệ thứ ba chính là thuộc loại sáng tạo này. Đối với hầu hết các công ty truyền thống trong lĩnh vực này, nó vẫn còn là một chân trời mới.

Trung Quốc hy vọng mấy năm nữa sẽ dẫn đầu thế giới về chip thế hệ mới (Ảnh: rfi).
Trung Quốc hy vọng mấy năm nữa sẽ dẫn đầu thế giới về chip thế hệ mới (Ảnh: rfi).

Dẫn đầu thị trường bán dẫn thế hệ thứ ba?

Các chất bán dẫn thế hệ thứ ba là các chip làm bằng silicon cacbua (SiC) và gali nitride (GaN), có thể cho chức năng cao hơn và chịu được nhiệt độ cao hơn, thường được sử dụng trong các thiết bị radar quân sự hoặc xe điện. Do hiện không có quốc gia nào có vị trí thống trị trong lĩnh vực công nghệ non trẻ này, nên Trung Quốc có cơ hội tốt để dẫn đầu về chip quốc tế.

Những gã khổng lồ về chip hàng đầu thế giới như CREE Inc.của Mỹ và Sumitomo Electric Industries Ltd. ở Nhật Bản chỉ mới bắt đầu mở rộng lĩnh vực nghiệp vụ liên quan. Công ty TNHH Quang điện tử Sanan của Trung Quốc và Tập đoàn Công nghệ Điện tử quốc gia Trung Quốc cũng đã đạt được những bước tiến quan trọng. Một khi các nhà sản xuất Trung Quốc có đủ sức cạnh tranh, họ có thể đặt ra các tiêu chuẩn chỉ vì thị trường nội địa khổng lồ của họ.

Mỹ cũng cung cấp trợ cấp nhà nước

Tuy nhiên, người Mỹ đã “không ngủ”. Theo kế hoạch mới, trong vài năm tới, 25 tỷ USD trợ cấp của nhà nước sẽ được cấp cho các nhà sản xuất chip của Mỹ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Hoa Kỳ đã chiến thắng trong cuộc đua xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn mạnh nhất. Bởi vì, mặc dù áp dụng các biện pháp trừng phạt khác nhau và một mức độ dẫn trước nhất định; nhiều năm qua, Mỹ đã không tạo ra được những công ty tiên phong mạnh mẽ. Intel, vốn được gọi là lớn trong nhiều năm, cũng không còn có sức sáng tạo như trước. Do đó, hoàn toàn có khả năng SMIC và Huawei, những gã khổng lồ của Trung Quốc chịu ảnh hưởng trực tiếp từ lệnh cấm vận của Mỹ, giờ đây sẽ kết hợp kiến thức của mình để phát triển loại chip mới.