Trung Quốc tăng cường mua trữ chip bán dẫn đối phó lệnh cấm của Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Thị trường bán dẫn toàn cầu hiện đang chịu áp lực tăng trưởng cao, nhu cầu của Trung Quốc là động lực quan trọng bởi Trung Quốc đang tăng cường nhập khẩu mặt hàng này.
Trung Quốc đang đẩy nhanh việc nhập khẩu chip và các chất bán dẫn tích trữ để ứng phó việc bị Mỹ trừng phạt (Ảnh: Đa Chiều).
Trung Quốc đang đẩy nhanh việc nhập khẩu chip và các chất bán dẫn tích trữ để ứng phó việc bị Mỹ trừng phạt (Ảnh: Đa Chiều).

Theo số liệu tháng 8 do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 7/9, lượng nhập khẩu chíp IC trong tháng đã đạt mức lớn thứ hai trong lịch sử và công ty Huawei đang gấp rút mua hàng trước khi các biện pháp cấm vận của Mỹ được thắt chặt.

Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều, mạng Nikkei của Nhật ngày 8/9 đưa tin, trước khi lệnh cấm của Bộ Thương mại Hoa Kỳ đối với Huawei có hiệu lực vào ngày 15/9, Huawei đã yêu cầu các nhà cung cấp linh kiện ở Nhật Bản và Đài Loan đẩy nhanh tốc độ giao hàng, hy vọng rằng các nhà cung cấp sẽ hoàn thành việc giao đủ các đơn hàng linh, phụ kiện đã được đặt trước giữa tháng 9.  

Theo báo cáo, trong tháng 8, nhập khẩu vi mạch tích hợp (IC) của Trung Quốc đã tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái lên tới 31,1 tỷ USD, ở mức thứ hai trong lịch sử chỉ đứng sau tháng 9/2018. Số lượng nhập khẩu cũng đã tăng hơn mùa thu năm 2019, đạt 46,9 tỷ chiếc vào tháng 7/2020, đạt mức cao kỷ lục và tháng 8 là 44,2 tỷ chiếc; số lượng nhập khẩu tiếp tục ở mức tương đối cao.

Dữ liệu thống kê cho thấy từ tháng 1 đến tháng 8/2020, Trung Quốc đã nhập khẩu 333,46 tỷ chiếc vi mạch tích hợp, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái và tổng giá trị lên tới 1,51 ngàn tỷ Nhân dân tệ (1 Nhân dân tệ tương đương 0,14 USD). Năm 2019, Trung Quốc đã nhập khẩu 444,3 tỷ chiếc vi mạch tích hợp với tổng trị giá 2 nghìn tỷ NDT, điều này có nghĩa là giá trị thị trường bán dẫn của Trung Quốc đang tăng nhanh và nhu cầu mạnh mẽ cũng sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành bán dẫn trong nước.

Hoạt động sản xuất và kinh doanh của Huawei sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi lệnh cấm của Mỹ có hiệu lực từ 15/9 (Ảnh: Reuters).
Hoạt động sản xuất và kinh doanh của Huawei sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi lệnh cấm của Mỹ có hiệu lực từ 15/9 (Ảnh: Reuters).

Bộ Thương mại Trung Quốc cũng chỉ ra rằng việc Mỹ thắt chặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu sang Trung Quốc và các biện pháp hạn chế khác chắc chắn đã có tác động nhất định đến việc nhập khẩu một số hàng hóa và dịch vụ. Do Mỹ tăng cường lệnh cấm vận, việc nhập khẩu chất bán dẫn có khả năng sẽ bị giảm mạnh sau tháng 10. Huawei có kế hoạch ứng phó bằng cách tăng số lượng chất bán dẫn tích trữ cho tương lai, nhưng đến cuối năm nay có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất điện thoại di động và khó có thể tránh khỏi một đòn giáng mạnh vào hoạt động kinh doanh của Huawei.

Nikkei cho biết, theo số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 7/9, nhập khẩu chung trong tháng 8 giảm 2,1% so với cùng tháng  năm trước, xuống 176,3 tỷ USD. Do ảnh hưởng của giá dầu thô giảm và các vấn đề khác, kim ngạch nhập khẩu đã thấp hơn năm trước trong hai tháng liên tiếp.

Trong bối cảnh nhập khẩu chung giảm, nhập khẩu vi mạch tích hợp lại liên tục tăng; năm 2019 chiếm khoảng 14% tổng nhập khẩu và tăng lên 17% từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2020. Mặt khác, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 8 tăng 9,5% so với cùng tháng năm trước, đạt 235,2 tỷ USD, đã tăng trong 3 tháng liên tiếp, cao hơn 7,2% so với tháng 7.

Bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, xuất khẩu khẩu trang và máy tính cá nhân tăng tới 40%, kéo theo sự gia tăng tổng thể. Xuất khẩu quần áo cũng tăng 3%, lần đầu tiên tăng trưởng kể từ tháng 12/2019.