Trung Quốc lấy mô hình tàu sân bay Mỹ ra làm mục tiêu thử nghiệm tên lửa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hình ảnh vệ tinh cho thấy nhiều mục tiêu có hình dáng của tàu sân bay Mỹ và các tàu khu trục tên lửa dẫn đường tại một cơ sở thử nghiệm ở Tân Cương, Trung Quốc.
Mục tiêu mô phỏng có hình dáng giống hệt tàu sân bay Mỹ (Ảnh: Maxar)
Mục tiêu mô phỏng có hình dáng giống hệt tàu sân bay Mỹ (Ảnh: Maxar)

Quân đội Trung Quốc đang sử dụng những mô hình mô phỏng lại một tàu sân bay Mỹ tại cơ sở thử nghiệm nằm ở vùng sa mạc phía Tây nước này, những hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy, chỉ ra rằng quân đội nước này đang tập trung phát triển một công cụ quan trọng nhằm vô hiệu hóa sức mạnh của Mỹ.

Các hình ảnh vệ tinh này cho thấy nhiều mục tiêu có hình dạng giống một tàu sân bay và 2 tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke tại một cơ sở thử nghiệm ở sa mạc Taklamakan, Tân Cương; website tin tức của Viện Hải quân Mỹ đưa tin. Cả hai loại tàu này đều được Hạm đội 7 của Mỹ triển khai để tuần tra khu vực Tây Thái Bình Dương, trong đó có vùng biển xung quanh Đài Loan.

Những bức ảnh trên được chụp vào tháng 10/2021 bởi Maxar Technologies Inc., một công ty Mỹ sở hữu hơn 80 vệ tinh trong quỹ đạo. Những bức ảnh chụp cũng cho thấy 2 mục tiêu hình chữ nhật dài khoảng 75 m đặt trên đường ray, Maxar nói trong một tuyên bố gửi Bloomberg ngày 8/11.

Khu vực thử nghiệm này hiện lên rất rõ trong các bức ảnh vệ tinh, điều này chỉ ra rằng Bắc Kinh đang cố gắng thể hiện cho Washington thấy lực lượng tên lửa của họ có thể làm được những gì.

Tháng 8/2020, quân đội Trung Quốc đã thực hiện một cuộc thử nghiệm phóng tên lửa “sát thủ diệt tàu sân bay” DF-21D về phía Biển Đông, điều này khiến cho cựu chỉ huy của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, Phil Davidson, nói trước một ủy ban Thượng viện rằng đây là một “thông điệp không thể nhầm lẫn”.

Tên lửa DF-21D được cho là “trái tim” trong chiến lược răn đe quân sự của Bắc Kinh ở bờ biển phía Đông của họ, bằng cách đe dọa tiêu diệt những nguồn sức mạnh lớn của quân đội Mỹ trong khu vực – các nhóm tác chiến tàu sân bay. Người đứng đầu cơ quan tình báo Hải quân Mỹ lúc bấy giờ, Jack Dorsett, trong tháng 1/2011 nói rằng Lầu Năm Góc đã đánh giá thấp tốc độ phát triển DF-21D của Trung Quốc.

Mục tiêu dài 75 m được đặt trên đường ray (Ảnh: Maxar)

Mục tiêu dài 75 m được đặt trên đường ray (Ảnh: Maxar)

Quan hệ Mỹ-Trung đã dần dần được cải thiện trong những tháng gần đây, nhưng hai nước vẫn đang xung đột về vấn đề Đài Loan, và Washington ngày càng lo ngại về sức mạnh hạt nhân của Trung Quốc. Trong một tín hiệu cho thấy vấn đề Đài Loan đang căng thẳng thế nào, truyền thông Trung Quốc hồi tuần trước đã phải lên tiếng dập tắt sự hoài nghi về khả năng xảy ra một cuộc chiến.

Lầu Năm Góc cũng đã nêu quan ngại rằng Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh vũ khí hạt nhân nhanh hơn so với họ nghĩ trước đây. Nhiều tướng lĩnh Mỹ cũng quan ngại về những khoản đầu tư mạnh tay của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ tên lửa, trong đó một vị tướng lĩnh đã về hưu mới đây gọi vụ thử hệ thống vũ khí siêu thanh của Trung Quốc là “rất đáng quan ngại”.