Mới đây, trang The National Interest của Mỹ đã đăng bài viết có tựa đề: Chẳng lẽ Mỹ phải lo lắng về mối quan hệ Trung Quốc – Nga? Tác giả bài viết là phó giáo sư Michael Clarke và tiến sĩ Anthony Ricketts thuộc Học viện An ninh Đại học quốc gia Australia.
Bài viết nhấn mạnh, Trung Quốc và Nga tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực an ninh, kinh tế và ngoại giao, từ đó khiến cho cục diện châu Á – Thái Bình Dương vốn đang “mong manh” càng trở nên phức tạp hơn.
Rất nhiều nhà phân tích cho rằng, mối quan hệ này được thiết lập trên nền tảng gây mất ổn định cho trật tự vốn do phương Tây đóng vai trò chủ đạo và làm suy yếu sự ảnh hưởng của nước Mỹ. Một số nhà phân tích lại chủ trương rằng, cả Trung Quốc và Nga đều thiếu cảm giác tin tưởng vào phương Tây, đều khát khao thay đổi quy tắc quyết định trật tự toàn cầu.
Dân chúng Nga vẫn không thể xóa được mối nghi ngờ Trung Quốc là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng đối với nước Nga.
Mặc dù giữa Moscow và Bắc Kinh tồn tại những điểm chung này, tuy nhiên có lý do tin rằng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga vẫn là một “trục tiện lợi”. Mặc dù hai quốc gia này đã phát triển được một mối quan hệ bền vững hơn, tuy nhiên điều này vẫn không thể giúp cho mối quan hệ này nâng lên tầm cao của mối quan hệ đồng minh.
Trang The National Interest nhấn mạnh, đứng trên góc độ ngoại giao, Trung Quốc và Nga thường xuyên lợi dụng quyền phủ quyết của họ tại Hội đồng bảo an liên hợp quốc để bảo vệ lợi ích chung của mình. Từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc đã sử dụng 6 lần quyền phủ quyết, lần nào cũng đồng thuận với Nga. Từ năm 2011 đến nay, Moscow và Bắc Kinh đã phủ quyết 6 nghị quyết liên quan đến các vấn đề Syria của Liên hợp quốc, đây là biểu hiện mới nhất thể hiện sự đồng thuận, nhất trí giữa hai quốc gia.
Bài viết phân tích, giống như một số chuyên gia đã nói, đây là một sự đồng thuận tiêu cực, nó bắt nguồn từ “sự phản đối các chuẩn tắc phổ biến mà phương Tây thúc đẩy dân chủ, điều hành toàn cầu và nhân quyền”.
Xét trên góc độ kinh tế, Trung Quốc và Nga đã triển khai hợp tác trên phương diện phá triển và duy trì các cơ quan thương mại mới, như Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và Ngân hàng phát triển mới (New Development Bank BRICS - do các nước thành viên BRICS tạo lập và quản lý). Song phương còn đạt được nhận thức chung trong vấn đề “vành đai kinh tế con đường tơ lụa” của Trung Quốc và “Liên minh kinh tế Á – Âu” do Nga khởi xướng – Trên phương diện này, hai nước bắt đầu thể hiện ý nguyện điều hòa hai dự án để xây dựng không gian kinh tế chung.
Bài viết cho rằng, chính vì lẽ đó, mối quan hệ kinh tế giữa hai bên đã trở thành bộ phận tổ thành quan trọng hành đầu của “trục tiện lợi” Trung Quốc – Nga. Năm 2010, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Dự án hợp tác Trung – Nga thu hút sự chú ý nhất của dư luận là đường ống dẫn dầu và khí đốt từ mỏ Chayanda ở Đông Siberia tới Trung Quốc. Trong bối cảnh này, Trung Quốc có thể “dự phòng cả hai phương án” cho đường ống dẫn dầu và khí đốt, đối phó với tình huống biển Đông bị phong tỏa.
Trang The National Interest nhấn mạnh, Trung Quốc và Nga còn bắt đầu tăng cường hợp tác an ninh. Trung Quốc đã xây dựng kế hoạch mua vũ khí khổng lồ, nhập hẩu vũ khí quân sự của Nga, cách đây không lâu, Bắc Kinh đã mua 24 chiếc máy bay chiến đấu đa năng Su-35 của Nga là một ví dụ điển hình.
Mối quan hệ đối tác này được triển khai sâu hơn thông qua các hoạt động huấn luyện và tập trận chung, năm 2015, hai nước đã tổ chức tập trận chung ở biển Nhật Bản, có 22 tàu chiến, 20 máy bay, 40 xe tăng bọc thép và hơn 500 binh lính thủy quân lục chiến tham gia tập trận.
Bài viết phân tích, mặc dù vậy, mối quan hệ Trung Quốc – Nga vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, không có lợi cho việc phát triển mối quan hệ này thành đồng minh chính thức. Nguyên nhân quan trọng nhất là do dân chúng Nga vẫn không thể xóa được mối nghi ngờ Trung Quốc là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng đối với nước Nga. Nga luôn hoài nghi về kế hoạch lâu dài của Trung Quốc, lo ngại về những vấn đề như có phải đích thực Trung Quốc coi phương Tây là kẻ thù, có phải Trung Quốc là đối tác quan trọng của Nga hay không.
Trước khi châu Âu áp dụng các lệnh trừng phạt về kinh tế, tổng thống Putin luôn ưu tiên mối quan hệ với châu Âu, sau đó mới là mối quan hệ với châu Á. Sự chao đảo bất định này khiến nước Nga trong tương lai có thể xuất hiện một vị tổng thống tôn thờ chính sách hàn gắn mối quan hệ với phương Tây, khi đó trục Nga – Trung sẽ bị gạt ra rìa.
Trên thực tế, do ngành dầu khí của Nga lâu nay ở trong tình trạng bấp bênh, không ổn định, e rằng Nga buộc phải nối lại mối quan hệ với phương Tây. Hiện tại sản lượng dầu của Nga vẫn tạm ổn, mỗi ngày của 10,8 triệu thùng, tuy nhiên dự đoán trong vòng 20 năm tới, sản lượng dầu của Nga sẽ chạm đỉnh. Thế giới ngày càng mong muốn có một tương lai với môi trường xanh, Trung Quốc có thể khai thác nguồn dự trữ dầu khí đá phiến của họ, e rằng cuối cùng Nga cũng buộc phải chủ động tiếp xúc với phương Tây vì sự tồn vong về kinh tế của quốc gia này.
Cuối cùng, bài viết nhấn mạnh, đứng trên góc độ này, những giả định của Trung Quốc và Nga về tương lai gần như không có điểm chung, mối quan hệ giữa hai nước được thiết lập trên nền tảng thực hiện mục tiêu của riêng mình – hay nói cách khác chỉ là đồng sàng dị mộng, thậm chí là kẻ địch tiềm ẩn của nhau mà thôi.
H.L