Trung Quốc khoe những phát triển đột phá về máy bay không người lái và tên lửa hành trình

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tính đến nay, Triển lãm Hàng không Chu Hải đã tổ chức thành công 12 lần, trở thành nơi để thế giới quan sát và rõ hơn về sự phát triển của công nghệ quốc phòng Trung Quốc. Triển lãm năm nay có gì nóng và mới?
UAV tấn công GJ-11 (dưới) thử nghiệm phối hợp với tiêm kích J-20 (Ảnh: QQ).
UAV tấn công GJ-11 (dưới) thử nghiệm phối hợp với tiêm kích J-20 (Ảnh: QQ).

Máy bay không người lái: bình cũ rượu mới hay là bước nhảy vọt?

Theo trang tin QQ, Triển lãm Hàng không Chu Hải năm nay thực sự là một cuộc triển lãm quốc phòng toàn diện với tất cả các yếu tố trên biển, trên bộ, trên không và không gian. Nhưng vì tên gọi ước định là "Triển lãm hàng không Trung Quốc", nên những thứ mọi người dễ nhớ nhất vẫn là khí cụ bay. So với các máy bay chiến đấu có người lái xuất hiện năm nay, vốn chủ yếu là những gương mặt cũ, thì sự đa dạng của các loại máy bay không người lái tại triển lãm đã đặc biệt thu hút sự chú ý của công chúng. Vì vậy, nên hiểu như thế nào về việc mấy chục loại máy bay không người lái (UAV) như WZ-7 (Vô Trân-7), WZ-8, GJ-11 (Công Kích-11), CH-6 (Thái Hồng-6) và AR-500C ... xuất hiện trong triển lãm hàng không? Trong số đó, không chỉ có những loại đáp ứng nhu cầu thực tế, mà còn phản ánh sự phát triển bùng nổ được truyền thông Trung Quốc gọi là kiểu “giếng phun” trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển UAV của Trung Quốc.

UAV tích hợp tấn công-trinh sát WZ-8 (Ảnh: Sohu).

UAV tích hợp tấn công-trinh sát WZ-8 (Ảnh: Sohu).

Bước sang thế kỷ 21, trước khi người Mỹ bất ngờ bổ sung khả năng tấn công mặt đất cho loại máy bay không người lái MQ-1 Predator của họ, hầu hết các quốc gia chỉ sử dụng UAV như một phần bổ sung cho máy bay trinh sát có người lái. Nhưng đã 20 năm trôi qua và giờ đây thị trường máy bay không người lái toàn cầu đã thịnh vượng đến mức các quốc gia vừa và nhỏ có thể mua máy bay không người lái loại kết hợp tấn công và trinh sát dễ dàng như mua tủ lạnh và TV từ một cửa hàng thiết bị gia dụng, và sau đó sử dụng máy bay không người lái này trong các cuộc chiến tranh cục bộ, đánh cho kẻ thù thất điên bát đảo.

Năm 2020, trong cuộc xung đột biên giới Nagorno-Karabakh giữa Azerbaijan và Armenia, máy bay không người lái tấn công - trinh sát TB-2 của Thổ Nhĩ Kỳ đã nhanh chóng nổi tiếng khắp thế giới. Mọi người dường như đã tìm ra một thứ “vũ khí thần kỳ” có thể thay đổi bộ mặt chiến trường, và sự gian khổ mệt mỏi trước đây cũng biến mất.

UAV tấn công - trinh sát WJ-700 có thể mang tên lửa hành trình CM-501X (Ảnh: QQ).

UAV tấn công - trinh sát WJ-700 có thể mang tên lửa hành trình CM-501X (Ảnh: QQ).

Nhưng máy bay không người lái dễ sử dụng như vậy sao? Hãy xem việc Mỹ sử dụng máy bay không người lái tấn công – trinh sát ở Iraq, Syria và Afghanistan. Những chiếc máy bay không người lái trị giá hàng trăm triệu USD đã trở thành công cụ ám sát của CIA. Sau những thông tin kích thích như vệ tinh, nội gián, gián điệp, nghe trộm, thường là hậu quả “mất tích” hoặc thậm chí là những cái chết của những người vô tội. Đó là khi mục tiêu về cơ bản thiếu khả năng phòng không và tác chiến điện tử. Chỉ nhìn vào Trung Đông, tin tức về nhiều máy bay không người lái bị bắn hạ nhiều không kể xiết.

Do đó, trong các cuộc chiến tranh tương lai, muốn UAV phát huy được vai trò lý tưởng thì phải lựa chọn UAV phù hợp nhất dựa trên môi trường, nhiệm vụ, thậm chí là đặc điểm của mình và địch thủ. Ngày nay, thị trường thương mại quân sự quốc tế đã bắt đầu chuyển từ việc đơn thuần nhập khẩu UAV sang đặt hàng UAV tùy chỉnh theo đặc điểm và nhu cầu riêng của mỗi quốc gia.

UAV Ruiying FX-500A dùng động cơ phản lực cho tốc độ cao (Ảnh: QQ).

UAV Ruiying FX-500A dùng động cơ phản lực cho tốc độ cao (Ảnh: QQ).

Từ các kiểu loại UAV được trưng bày tại Triển lãm hàng không Chu Hải năm nay, ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã có thể cung cấp các dòng sản phẩm máy bay không người lái hoàn thiện nhất, các khách hàng khác nhau có thể lựa chọn mua chúng theo đặc điểm và nhu cầu của riêng mình. Ví dụ như các loại WZ-7 và WZ-8 được quan tâm nhất, từ phân tích ngoại hình, loại WZ-8 có ưu thế về cơ động và tính tàng hình rất rõ, nhưng lại phải trả giá đắt về mặt giá thành. Những nhiệm vụ như trinh sát biên giới hay tuần tra vùng đặc quyền kinh tế nếu giao cho WZ-8 sẽ dẫn đến lãng phí "giết gà bằng dao mổ trâu".

UAV trinh sát cỡ nhỏ Ruiying-6A của NORINCO (Ảnh: QQ).

UAV trinh sát cỡ nhỏ Ruiying-6A của NORINCO (Ảnh: QQ).

Ngoài ra, năng lực sản xuất khổng lồ các máy bay không người lái trong nước Trung Quốc đã có thể nhanh chóng đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của quân đội. Trong những năm gần đây, ngành khoa học công nghiệp quốc phòng đã coi đây là một trong những nhiệm vụ cấp bách nhất để hỗ trợ cho việc đóng quân và tác chiến lâu dài của PLA trên cao nguyên nên chế tạo ra loại UAV cánh quay AR-500C được trưng bày trở lại tại triển lãm hàng không này. Nhưng nó có một tên gọi mới là máy bay trực thăng không người lái trên cao nguyên đầu tiên của Trung Quốc. Ngày 27/9/2020, chiếc AR-500C do ngành hàng không phát triển đã thực hiện thành công chuyến bay thử nghiệm đầu tiên tại sân bay dân dụng cao nhất thế giới Đạo Thành ở độ cao 4.411 mét, lập kỷ lục mới về độ cao cất cánh và hạ cánh của UAV trực thăng nội địa.

UAV trực thăng AR-500C chuyên dụng vận tải và tấn công sử dụng trên vùng có độ cao lớn (Ảnh: Sohu).

UAV trực thăng AR-500C chuyên dụng vận tải và tấn công sử dụng trên vùng có độ cao lớn (Ảnh: Sohu).

Về cơ bản UAV trực thăng AR-500C có khả năng bay dọc biên giới. Vậy AR-500C có thể làm gì ở cao nguyên? Ngoài những công năng truyền thống như hỗ trợ liên lạc và nhận biết tình hình chiến trường, khả năng mang tải trọng 80 kg bay liên tục thời gian dài dường như không có gì nổi bật, nhưng trong thực tế chiến đấu, 80 kg có thể là nguồn cung cấp hậu cần một ngày cho 30 chiến binh, cũng có thể là nhiều quả bom dẫn đường từ trên trời rơi xuống.

Tên lửa hành trình đáp ứng trào lưu và dẫn đầu tương lai

Có lẽ một số khán giả sẽ cảm thấy rằng các loại UAV tại triển lãm hàng không dường như nom rất giống nhau. Đây thực tế là kết quả tất yếu của cạnh tranh thị trường. Nhu cầu của người dùng luôn “đại đồng tiểu dị”, các mẫu thành công có kiểu thiết kế cổ điển được tham khảo sử dụng, sau đó đột phá về chi tiết, và hình thành “ưu thế bán chạy” của riêng. Đây là chiến lược ổn nhất trên thị trường thương mại quân sự quốc tế.

Các loại tên lửa hành trình của Tổng công ty Công nghiệp Hàng không vũ trụ Trung Quốc (Ảnh: QQ).

Các loại tên lửa hành trình của Tổng công ty Công nghiệp Hàng không vũ trụ Trung Quốc (Ảnh: QQ).

Tuy nhiên, chiến lược như vậy quả thực dễ tạo cho người ta cảm giác “một bầy ong”, “na ná nhau”. Ngoại trừ máy bay không người lái, tại Triển lãm hàng không lần này, hầu hết các hãng lớn đều mang đến các sản phẩm tên lửa hành trình. Xung đột ở biên giới Nagorno-Karabakh đã khiến tên lửa hành trình của Israel nổi tiếng chỉ sau một đêm. Tên lửa hành trình các máy bay không người lái cảm tử, đã không ít lần thể hiện sức mạnh đáng sợ trong cuộc chiến tranh Trung Đông. Những người dẫn dắt ngành khoa học và công nghệ quốc phòng Trung Quốc, đã âm thầm nghiên cứu lĩnh vực tên lửa hành trình từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, phản hồi của thị trường thương mại quân sự quốc tế về hướng phát triển của vũ khí và trang bị thường khá chậm và bị động. Xung đột giữa Azerbaijan và Armenia bất ngờ khiến người ta phát hiện ra rằng tên lửa hành trình không chỉ là thứ tiêu chuẩn của quân đội các cường quốc, mà còn là thứ “lợi khí người nghèo” đối với các quốc gia vừa và nhỏ. Ở đâu có nhu cầu thì có thị trường, có thị trường thì hàng bán chạy. Ngành công nghệ quốc phòng của Trung Quốc luôn biết cách tích lũy, nên từ loại cá nhân sử dụng đến loại dùng xe kéo; từ loại bắn bằng pháo cho đến phóng từ trên không, Trung Quốc dường như đã trở thành “cường quốc tên lửa hành trình” trong một sớm một chiều.

Tên lửa hành trình kiểu mới FH-901 (Ảnh: QQ).

Tên lửa hành trình kiểu mới FH-901 (Ảnh: QQ).

Nhưng nếu tìm hiểu kỹ, có thể dễ dàng nhận thấy rằng, cùng là tên lửa hành trình, nhưng có sự chênh lệch rất lớn về trình độ công nghệ giữa các loại. So với tên lửa hành trình truyền thống, tên lửa hành trình loại mới (Trung Quốc gọi là “tuần phi đạn”) không chỉ cần có tầm bắn cần thiết để bay tới khu vực mục tiêu, mà còn phải có khả năng truyền dữ liệu lên và xuống cần thiết để “trao đổi” với nền tảng chỉ huy phía sau bất cứ lúc nào. Bằng cách trang bị tên lửa hành trình, cá nhân binh sĩ và xe tăng, thiết giáp không chỉ có được khả năng nhận biết tình huống chiến trường, tác chiến điện tử và được hỗ trợ thông tin liên lạc do UAV mang lại, mà quan trọng hơn là có được khả năng "yểm trợ trên không" do chính mình thực hiện.

Vậy, tên lửa hành trình kiểu mới sẽ phát triển và tiến bộ ở những lĩnh vực nào trong tương lai? Trên thực tế, tại Hội trường 8 của triển lãm hàng không Chu Hải lần này đã trưng bày một phi đạn hành trình được phóng từ pháo, gọi là Feilong 60 (FL60). Nhiều tên lửa hành trình, giống như một đàn ong, tạo thành một bầy để tự động tuần tra trên khu vực mục tiêu, căn cứ số lượng và loại mục tiêu, có thể chọn các nhiệm vụ hướng dẫn, trinh sát và thậm chí là kiểm soát khu vực. Hơn nữa, ngay cả khi phóng một quả, FL60 có thể đảm nhiệm vai trò của một máy bay không người lái trước khi phát hiện và tiêu diệt mục tiêu, nâng cao đáng kể hiệu quả chiến đấu của loại đạn tên lửa truyền thống.

Tên lửa hành trình kiểu mới Feilong-60 (Ảnh: Sina).

Tên lửa hành trình kiểu mới Feilong-60 (Ảnh: Sina).

Vì vậy, dù các sản phẩm khác nhau được gọi cùng một tên, nhưng hàm lượng công nghệ của tên lửa hành trình không giống nhau, và tác dụng trên chiến trường cũng rất khác nhau, có thể nói đó là điển hình "cùng tên không cùng sứ mệnh". Vì vậy, công nghiệp quốc phòng không chỉ đáp ứng trào lưu, mà còn phải dẫn dắt tương lai.