Theo BBC, vào tháng 3/2017, ứng dụng nhắn tin QQ của Tencent đã giới thiệu hai chatbot mới có tên là Baby Q và Little Bing. Biểu tượng của chúng là một chú chim cánh cụt (Baby Q) và một cô bé (Little Bing).
Tuy nhiên, Tencent đã vừa phải lặng lẽ gỡ bỏ hai chatbot này sau khi một số người dùng trên mạng xã hội đã chia sẻ những bình luận gây tranh cãi tới từ chúng. Một số trong đó đã chỉ trích chính quyền Trung Quốc và thậm chí lên án họ là "tham nhũng và không đủ năng lực".
Trên thực tế, Baby Q và Little Bing được giới thiệu bởi Tencent như là một cách để cung cấp cho người dùng một dịch vụ trả lời tự động. Chúng đã được thiết kế để có thể trả lời những câu hỏi về kiến thức đơn giản, hãng thông tấn China New Service (CNS) cho biết.
Cả hai có thể trò chuyện với người dùng về những chủ đề như thời tiết và tử vi. Ngoài ra, chúng cũng được lập trình để trả lời một số câu hỏi theo cách vui vẻ.
Ví dụ, nếu người dùng hỏi Baby Q: "Bạn có muốn đi ăn không?". Họ sẽ nhận được câu trả lời là "Tôi không ăn, tôi không thấy thèm ăn".
CNS cho biết, mặc dù Baby Q và Little Bing cực kì phổ biến tại Trung Quốc trong thời gian qua, chúng có thể "không ổn định và dễ bị tấn công".
Một số tờ báo khác của trung Quốc cho biết chatbot của Tencent không được lập trình để xử lý những câu hỏi phức tạp về chính trị. Điều đó có nghĩa là chúng đã trở thành mục tiêu bị hack bởi một số người dùng mạng xã hội ác ý.
Chatbot Baby Q chỉ trích chính quyền Trung Quốc là tham nhũng và không đủ năng lực trong một câu trả lời.
Tờ Apple Daily của Đài Loan đã chia sẻ ảnh chụp màn hình của nhiều câu trả lời tới từ Baby Q và Little Bing. Khi được hỏi có thích chính quyền Trung Quốc không, Baby Q đã thẳng thừng trả lời "không" và chỉ trích họ là "không đủ năng lực để điều hành đất nước". Trong khi đó, Little Bing lại gây tranh cãi khi nói "Giấc mơ Trung Quốc của tôi là được đi tới Mỹ".
Phóng viên của Apple Daily cũng đã phỏng vấn một cựu nhân viên Tencent và được cho biết là chatbot của hãng hoàn toàn được phát triển để dùng trên toàn thế giới, không phải dành riêng cho Trung Quốc.
Hiện nay, vẫn chưa rõ Baby Q và Little Bing có được cho phép quay trở lại trên ứng dụng chat QQ của Tencent hay không.
Đây không là lần đầu tiên chatbot trở thành tâm điểm của những tranh cãi trên mạng.
Microsoft đã từng gặp phải tình huống tương tự như Tencent khi tung ra chatbot Tay lên Twitter. Tuy nhiên, nó đã nhanh chóng bị Microsoft gỡ bỏ sau khi có những lời lẽ phân biệt chủng tộc và khiêu khích chính trị.
Gần đây, công ty Walkers Crisps của Anh đã bị chỉ trích sau khi chatbot trên Twitter của hãng đã khen ngợi một cách vô tội vạ những bức ảnh selfie được người dùng tải lên, kể cả khi bức ảnh đó chụp một tên giết người hàng loạt.
Tencent và Apple
CEO Pony Ma, người đặt ra tham vọng dẫn đầu lĩnh vực AI cho Tencent.
Hãng Internet khổng lồ Tencent, công ty sở hữu nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất Trung Quốc là WeChat, đang nuôi tham vọng trở thành một lãnh đạo mới trong lĩnh vực AI (trí thông minh nhân tạo).
Tencent đã tự phát triển công nghệ AI từ năm 2016 và phòng nghiên cứu của hãng tại thành phố Thẩm Quyến (Trung Quốc) có tới 50 nhà khoa học. Nhiệm vụ của họ phát triển khả năng ứng dụng AI vào trong mạng xã hội. Vào tháng 5 vừa qua, Tencent cũng đã lập một phòng nghiên cứu AI tại thành phố Seattle (Mỹ) và thuê Yu Dong, một cựu nhân viên của Microsoft về làm người lãnh đạo.
Tham vọng của Tencent là phát triển một dịch vụ trả lời tự động mạnh mẽ và tốt hơn Siri của Apple. Đây có lẽ chính là khởi nguồn của một số tranh cãi giữa Apple và Tencent trong thời gian qua. Truyền thông Trung Quốc gần đây đưa tin người dùng mạng xã hội tại nước này sẽ sớm phải lựa chọn một thứ giữa Apple và các sản phẩm tới từ Tencent.
Tuy nhiên, vụ việc vừa qua của hai chatbot Baby Q và Little Bing cho thấy vẫn còn một con đường dài dành cho Tencent trước khi có thể vượt qua được Apple trong lĩnh vực AI.