Kể từ khi ra mắt vào năm 2015, Honour of Kings, game di động lấy cảm hứng từ tựa game MOBA (Multiplayer Online Battle Arena) nổi tiếng Liên Minh Huyền Thoại (thuộc quyền sở hữu của Tencent), đã trở thành trò chơi có doanh thu cao nhất trên cả hai nền tảng Android và iOS. Dựa trên các nhân vật có thật của lịch sử Trung Quốc, Honour of Kings đã thu hút hơn 200 triệu người chơi, số người chơi hơn cả dân số của nước Đức và gấp hơn hai lần dân số Việt Nam.
Vì sao Honour of Kings lại có sức hút lớn đến như vậy?
Theo báo cáo của công ty Niko Partners, trung bình mỗi người chơi dành khoảng 6 tiếng mỗi tuần cho Honour of Kings, và số người chơi mỗi ngày có thể lên đến hơn 70 triệu. Tuy thiết kế, bố cục bản đồ và các mục tiêu có nhiều điểm tương đồng với Liên Minh Huyền Thoại, nhưng Honour of Kings được thiết kế để chơi trên các thiết bị di động, nên nó có bản đồ nhỏ hơn, tiết tấu nhanh hơn và dễ điều khiển hơn, khiến cho người chơi dễ tiếp thu và dễ chơi thành thạo hơn.
Giao diện của Honour of Kings (ảnh: SCMP)
Ngoài ra, người chơi còn có thể mua hoặc nhận được những kĩ năng mới và độc đáo. Tính năng bảng xếp hạng cho phép những người chơi có thể ganh đua với nhau dựa trên vị trí địa lí. Kể cả khi bạn bị mất kết nối, trò chơi vẫn không bị gián đoạn, nhờ có hệ thống "tự động chiến đấu" (auto battle).
Honour of Kings đã giúp Tencent - công ty vốn đã nắm giữ gần một nửa thị trường game của Trung Quốc – lôi kéo thêm lượng người chơi có điện thoại thông minh nhưng không quan tâm đến việc chơi trò chơi trên máy tính cá nhân (PC). Theo Johnny Zhou, một nhà phân tích của công ty IDC Trung Quốc: "Tencent đang hướng đến thị trường e-sport di động với Honour of Kings. Trò chơi này có lượng người chơi rất lớn và phần lớn trong số họ đều … không thích chơi game trên PC."
Do sự phổ biến của trò chơi, một số giải đấu thể thao điện tử đã được tổ chức, ví dụ như King Pro League năm ngoái, nơi người chơi thi đấu với nhau bằng máy tính bảng. Zhou tin rằng, Tencent đang hướng đến mục tiêu phát triển King Pro League thành một giải đấu chuyên nghiệp để có thể lặp lại những thành công mà Liên Minh Huyền Thoại đã đạt được với giải Chung kết Thế giới (World Championship), thứ đã khiến Liên Minh Huyền Thoại trở thành trò chơi có nhiều lượt xem nhất trên thế giới. Zhou chia sẻ: "So với các trò chơi e-sport trên PC, người chơi có thể chơi game trên điện thoại của mình ở mọi lúc, mọi nơi. Doanh thu của game e-sport trên di động đã cán mốc 2,5 tỷ USD vào năm 2016, đủ để biến nó thành một thị trường đang phát triển và nhận được nhiều sự chú ý."
King Pro League - giải đấu Honour of Kings cho game thủ chuyên nghiệp
Khi được hỏi lí do vì sao Honour of Kings lại thu hút đến vậy, Wiki Su, cử nhân của một trường đại học danh tiếng tại Trung Quốc đã nói: "Tôi chơi trò chơi này đơn thuần là vì bạn bè của tôi ai cũng chơi. Dường như giới trẻ Trung Quốc ai ai cũng chơi trò này, và tôi không muốn trở nên lạc loài." Su cũng cho rằng tính năng nhiều người chơi (multiplayer) cũng là yếu tố thu hút người chơi, khi nó cho phép bạn phối hợp với những người chơi khác để giành chiến thắng, đồng thời giao lưu và kết bạn thông qua nền tảng này. Theo góc nhìn đó, Su nhận định: "Nó không khác gì việc bạn gặp gỡ mọi người ở sân bóng rổ vậy."
Zhang Fan, một chuyên gia tài chính ở Bắc Kinh và là một "fan cuồng" của Liên Minh Huyền Thoại, tuy đã gần 30 tuổi nhưng anh vẫn chơi Honour of Kings gần như bất kì lúc nào có thể. Anh nói: "Trò chơi này có thể gây nghiện. Tiết tấu nhanh của trận đấu giúp tôi có thể chơi với bạn bè ở bất cứ đâu. Tôi không có nhiều thời gian nghỉ ngơi sau giờ làm việc, nên tôi dành hết thời gian rảnh để chơi trò chơi này."
Theo Niko Partners, trò chơi đã thu về hơn 1 tỷ USD vào năm qua và vẫn đang trên đà tăng trưởng trong năm nay. Trong khi lượng người chơi nội địa đang ngày càng nhiều, Honour of Kings đang vươn tầm ảnh hưởng của mình tới các thị trường như Hàn Quốc hay các nước Đông Nam Á. Tencent cũng đã phát triển phiên bản dành cho thị trường Bắc Mỹ mang tên Strike of Kings và được không ít người chơi đón nhận.
Cái gì quá cũng không tốt
Cơn sốt của Honour of Kings đã khiến các nhà chức trách "đứng ngồi không yên", khi quốc gia này [và nhiều quốc gia khác nữa] đã có nhiều tranh cãi về tác hại của việc nghiện game.
Tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc đã chỉ trích nặng nề Honour of Kings và cho rằng nó là thứ "thuốc độc" đang làm hủy hoại cuộc sống của giới trẻ. Họ đã đưa ra các dẫn chứng như cậu bé 13 tuổi nhảy từ trên nhà cao tầng xuống sau khi bị bố quát mắng vì nghiện trò chơi này, và một cô bé 11 tuổi đã tiêu 100.000 nhân dân tệ (khoảng 350 triệu đồng) để mua trang bị, hay một vụ khác khi một thanh niên 17 tuổi lên cơn co giật và suýt chết sau khi chơi Honour of Kings liên tục trong 40 giờ đồng hồ. Bài viết của Nhân dân Nhật báo đã ngay lập tức khiến Tencent mất 17 tỷ USD.
Đứng trước cơn bão chỉ trích của cả chính quyền và người dân, Tencent đã buộc phải phát triển hệ thống "chống nghiện" từ ngày 4/7 vừa qua. Người chơi sẽ phải đăng kí tài khoản bằng tên thật của mình, và trẻ dưới 12 tuổi chỉ được phép chơi một tiếng mỗi ngày và không được chơi sau 9 giờ tối, còn với người chơi từ 12 đến 18 tuổi là hai tiếng mỗi ngày.
Không khó để bắt gặp hình ảnh trẻ em Trung Quốc chơi Honour of Kings
Động thái này của Tencent đã làm dịu đi sự gay gắt đến từ những phụ huynh như chị Selina Xu, mẹ của Kaka, một học sinh tiểu học đang có vấn đề với Honour of Kings. Chị hi vọng rằng những hạn chế về giờ chơi sẽ làm giảm đi sự ám ảnh của con trai chị với trò chơi.
"Trước khi kết thúc kì thi học kì, con trai tôi, thay vì dành thời gian để chuẩn bị cho bài thi thì lại chơi trò chơi này. Vào buổi sáng hôm thi, nó đã dậy từ 5 giờ sáng dể chơi ở ngay trên giường của mình. Khi tôi và chồng tôi phát hiện ra, chúng tôi đã rất tức giận."
Tuy nhiên, có một vấn đề khác nảy sinh sau khi Tencent ra mắt hệ thống mới của mình, khi người chơi ít tuổi có thể mượn tài khoản của người lớn để chơi. Ngoài ra, họ cũng có thể tìm thông tin cá nhân trên mạng để tạo tài khoản. Theo báo cáo của Thepaper.com, chỉ 1 ngày sau khi hệ thống mới được ra mắt, nhiều dịch vụ bán tài khoản người lớn giá rẻ đã được mở ra.
Trách nhiệm không phải của mình Tencent
Tencent không phải là người duy nhất phải chịu trách nhiệm
Theo Xue YongFeng, một nhà phân tích cấp cao của công ty tư vấn Analysys: "Điều cốt lõi chính là sự giáo dục từ gia đình. Các bậc phụ huynh nên đảm nhận trách nhiệm của mình [trong việc giáo dục con trẻ] chứ không phải mặc kệ chúng và đổ lỗi cho người khác."
Mục đích của mọi trò chơi điện tử nói chung, chứ không riêng gì Honour of Kings, đều là giải trí. Thay vì trở nên "nghiện ngập" và chơi một cách vô độ, chúng ta nên dành thời gian để thư giãn đầu óc và không cho phép thứ "thuốc độc" ấy làm hại đến bản thân mình.