Theo trang truyền thông tài chính Tài Liên xã (Financial Associated Press hay Cls.com) ngày 12/7, thống kê mới nhất của Cục Quản lý và Giám sát tài chính quốc gia Trung Quốc chỉ ra rằng trong nửa đầu năm 2023 có khoảng 1.200 chi nhánh, điểm giao dịch ngân hàng trên cả nước đã ngừng hoạt động. Các chi nhánh này có liên quan đến các ngân hàng lớn thuộc sở hữu nhà nước, ngân hàng cổ phần, ngân hàng vừa và nhỏ, hiệp hội tín dụng nông thôn v.v...Các chi nhánh và điểm giao dịch đã bị đóng cửa bao gồm chi nhánh phụ, chi nhánh ở cộng đồng, các điểm giao dịch nhỏ và siêu nhỏ.
Những người trong ngành cho rằng trong những năm gần đây, với việc các ngân hàng lớn tung ra các "ngân hàng trực tuyến" và ứng dụng di động, việc thu hẹp quy mô của một bộ phận mạng lưới ngân hàng cũng là điều hợp lý.
Điều đáng chú ý là không phải tất cả các ngân hàng đều giảm số lượng chi nhánh ở mạng lưới bên dưới. Ngân hàng Nam Kinh trước đây đã tuyên bố rằng họ có kế hoạch đạt tổng cộng 300 điểm kinh doanh vào cuối năm 2023, tăng thêm 100 điểm so với cuối năm 2020. Ngân hàng này cho rằng việc mở rộng các đại lý là sự hỗ trợ đắc lực cho hai chiến lược lớn là bán lẻ và giao dịch ngân hàng; để phục vụ tốt khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ, điều đầu tiên cần làm là phải đặt “hệ thống đường ống” tốt.
Một nhà phân tích ngành ngân hàng tại một công ty chứng khoán đã chỉ ra rằng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ tài chính và thanh toán di động, việc giảm dần các điểm bán hàng tuyến dưới của các ngân hàng sẽ là xu hướng chung. Đối với người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ, về cơ bản họ đã bước vào kỷ nguyên không cần giấy tờ, thanh toán trực tuyến thực hiện thông qua Alipay, UnionPay...Đối với các ngân hàng, việc mở ra một điểm kinh doanh hay chi nhánh đều tiêu tốn vốn và nhân lực. Khi khách hàng của các điểm kinh doanh ngày càng vắng dần, việc hủy bỏ các điểm kinh doanh để tiết kiệm chi phí trở thành một lựa chọn hợp lý.
Nhà phân tích này cho biết, trong những năm gần đây, nhiều ngân hàng đã quảng bá mạnh mẽ các ứng dụng di động của riêng họ và thực hành chuyển đổi kỹ thuật số, với hy vọng người tiêu dùng có thể sử dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến để tăng mức độ gắn kết.
Nhà phân tích này cũng cho rằng, mặc dù nhiều điểm giao dịch của ngân hàng đã đóng cửa nhưng không phải bất cứ điểm giao dịch nào của ngân hàng nào cũng có thể “muốn bỏ là bỏ”. Tại một số vùng kinh tế chưa phát triển, mật độ dân số đông hoặc đặc biệt người cao tuổi nhiều, vẫn cần phải đặt nhiều điểm giao dịch để phục vụ cho thói quen sử dụng tiền mặt của người già.
Trong hơn 1.200 chi nhánh, điểm giao dịch ngân hàng bị bãi bỏ trong nửa đầu năm nay, trường hợp sớm nhất xảy ra vào ngày 3/1/2023. Văn phòng thị trấn Sa Hà, thành phố Sa Hà, tỉnh Hà Bắc của Công ty TNHH Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc trở thành chi nhánh ngân hàng đầu tiên đóng cửa trong năm nay. Theo thông tin chính thức, điểm giao dịch này được Chi nhánh Hình Đài của Cục Quản lý Bảo hiểm và Ngân hàng phê duyệt mở cửa ngày 20/7/2005.
Nơi đóng cửa mới nhất trong năm nay là Chi nhánh Nhữ Ninh của Công ty TNHH Ngân hàng Thương mại Nông thôn Nhữ Nam tỉnh Hà Nam, ngày đóng cửa là 30/6/2023. Chi nhánh này được khai trương ngày 12/4/2018.
Theo Financial Associated Press, số liệu thống kê trước đó của các cơ quan truyền thông cho biết trong năm 2022, đã có hơn 2.400 chi nhánh, điểm kinh doanh ngân hàng thuộc nhiều loại khác nhau đã đóng cửa. Nếu tính trung bình, số lượng điểm giao dịch đóng cửa trong nửa đầu năm nay về cơ bản bằng với nửa đầu năm ngoái.
Ngoài ra, mặc dù một số lượng lớn các chi nhánh ngân hàng hiện đang bị cắt giảm, nhưng xét tổng thể, các cơ cấu chi nhánh của các ngân hàng lớn hiện vẫn rất nhiều. Theo Báo cáo năm 2022 của các ngân hàng Công – Nông - Xây dựng – Giao thông và Bưu điện, số lượng chi nhánh hiện có của 6 ngân hàng lớn vẫn vượt quá 100.000 điểm.
Theo Guancha