Trung Quốc “đau đầu” vì tội phạm lừa đảo tín dụng qua mã QR

VietTimes – Nhanh chóng và tiện lợi là ưu điểm của hình thức thanh toán qua mã QR. Tuy nhiên, cấu trúc phức tạp của loại mã này đang bị tội phạm khai thác để chiếm đoạt tài sản của cả doanh nghiệp tư nhân và cơ quan nhà nước.
Thanh toán qua mã QR được chấp nhận cả ở các tiệm kinh doanh rau quả, thực phẩm nhỏ tại Trung Quốc. Ảnh: TO
Thanh toán qua mã QR được chấp nhận cả ở các tiệm kinh doanh rau quả, thực phẩm nhỏ tại Trung Quốc. Ảnh: TO

Trong xã hội phi tiền mặt của Trung Quốc hiện nay, thanh toán qua mã QR đang là một trong những hình thức phổ biến nhất để thực hiện các giao dịch hàng ngày.

Kết quả cuộc khảo sát tại Trung Quốc cho thấy 98% người dùng smartphone ở khu vực đô thị thường xuyên sử dụng các dịch vụ ngay trên thiết bị. Sự thuận tiện là lý do giúp các hình thức thanh toán số, bao gồm qua mã QR, càng trở nên phổ biến tại quốc gia tỷ dân. Thậm chí, loại mã phản hồi nhanh (Quick-Response) này còn được ứng dụng để thanh toán cho các dịch vụ công như nộp phạt giao thông.

Tuy nhiên, khi công nghệ phát triển thì thủ đoạn lừa đảo của tội phạm cũng trở nên tinh vi hơn.

Một nạn nhân tại Thượng Hải chia sẻ với Nikkei Asia rằng gần đây đã nhận được vé phạt dán trên kính chắn gió vì đỗ xe sai quy định. Sau đó, anh ta đã quét mã QR trên vé để trả 200 NDT (tương đương 30 USD) tiền phạt qua WeChat Pay, dịch vụ thanh toán trực tuyến của Tencent Holdings. Nhưng chỉ vài ngày sau, người đàn ông đã nhận được thông báo của cảnh sát vì chậm nộp phạt.

Hóa ra, tấm vé được quét là giả và khoản thanh toán của tài xế đã được chuyển tới một tài khoản WeChat Pay cá nhân. Nạn nhân cho biết anh đã bán tín, bán nghi vì thấy ảnh đại diện tài khoản WeChat Pay đó là một nam sĩ quan cảnh sát.

“Tôi đã trả tiền phạt rồi nhưng sẽ phải trả thêm một lần nữa”, nạn nhân ngán ngẩm nói.

Để tránh những vụ lừa đảo tương tự xảy ra, cánh sát Trung Quốc tuyên bố sẽ trực tiếp trao vé phạt giao thông kèm mã QR tới tay người dân, và chỉ vé phạt không có mã QR mới được dán lên xe.

Bên cạnh đó, những kẻ lừa đảo cũng nhắm tới đối tượng là các tiểu thương. Chúng thường đánh tráo mã QR tại các tiệm bán rau quả, thực phẩm v.v.

Giáo sư chuyên ngành Kỹ thuật điện & điện tử Masindatsu Morii (Đại học Kobe) giải thích rằng tội phạm sử dụng mánh khóe này vì “chỉ nhìn qua thì rất khó để nhận ra mã QR có chính xác hay không”.

Thật vậy, mã QR có cấu trúc phức tạp; bao gồm: hoa văn định vị, vùng dữ liệu và mô-đun; không thể giải mã bằng mắt thường. Hơn nữa, các hoa văn định vị giúp thiết bị quét có thể tự phục hồi mã QR khi bị vấy bẩn hay hư hại.

Ảnh minh họa: TO
Ảnh minh họa: TO

Ưu điểm trên vô tình gây ra rủi ro cho các loại mã QR hợp pháp vì chỉ cần một chỉnh sửa nhỏ trên bảng mã cũng có thể đánh lừa mắt đọc. Ví dụ, tội phạm có thể cố tình làm mờ một số khu vực nhất định của vùng dữ liệu hay chỉnh sửa độ cong của chấm vuông trên hoa văn định vị để hướng người dùng tới trang web giả mạo.

Hiện nay, các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc và một số quốc gia khác đã tham gia vào cuộc chiến chống lại thủ đoạn lừa đảo này. TriForce Consulting, có trụ sở tại Tokyo, đang phát triển một hệ thống xác thực mã QR bằng chũ ký điện tử. Nếu người dùng mua hàng trực tuyến, hệ thống sẽ tạo ra một bảng mã QR duy nhất cho gia dịch đó, và chỉ có thể đọc bằng phần mềm chuyên dụng trên smartphone.

Công ty Mediaseek, cũng tại Tokyo, đã phát triển một hệ thống cảnh báo mã QR giả mạo. Nếu mã QR thanh toán cung cấp địa chỉ URL đáng ngờ thì người dùng có thể báo cáo qua ứng dụng của Mediaseek và những người dùng khác sẽ nhận được cảnh báo trước khi truy cập.

Theo Nikkei Asia Review