Trung Quốc đang tiến tới trở thành một thị trường phi tiền mặt. Năm ngoái, người tiêu dùng Trung Quốc đã chi tổng cộng 5,5 nghìn tỷ USD qua các hệ thống chi trả bằng điện thoại di động, con số này lớn hơn khoảng 50 lần so với Mỹ (khoảng 112 tỷ USD), theo số liệu của công ty nghiên cứu Forrester Research và iResearch. Theo "Báo cáo Sử dụng dịch vụ chi trả qua điện thoại di động Trung Quốc 2017", từ 2013 đến 2016, số giao dịch thực hiện qua các ứng dụng di động phi ngân hàng đã tăng từ 3,777 tỷ lên hơn 97 tỷ giao dịch, tốc độ tăng thường niên hơn 195%.
Đi đầu là ứng dụng WeChat Pay, giải pháp chi trả do WeChat thuộc tập đoàn Tencent phát triển, và ứng dụng AliPay do công ty tài chính con của Alibaba là Ant Financial phát triển.
Cuộc đua giữa hai ông lớn này ở thị trường trong nước đang gần như bão hòa khi cả hai đã chiếm đến hơn 90% giá trị thị trường TQ, buộc họ phải đặt ra chiến lược mở rộng ra thị trường nước ngoài. Nhóm nghiên cứu China Tech Insights đã nghiên cứu về AliPay, chỉ ra lý do, những bước thâm nhập và các chiến lược xây dựng vị thế của họ ở thị trường nước ngoài như thế nào.
Ant Financial đã có mặt ở hơn 26 quốc gia và khu vực châu Mỹ, châu Âu, châu Á, với 6 chi nhánh ở Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Anh, Luxembourg và Úc, cung cấp các dịch vụ của Alipay tới hơn 120.000 khách hàng ngoài nước, bao gồm cả các nhà hàng, cửa hàng tiện lợi, siêu thị, cửa hàng miễn thuế, …. Hiện nay họ đã hỗ trợ 18 giải pháp đồng tiền nước ngoài khác nhau.
Ant Financial đang đẩy nhanh tốc độ ra nước ngoài, lý do là gì?
Thứ nhất, ngành công nghệ của Trung Quốc đang trong giai đoạn chuyển giao, tốc độ tăng đã bão hòa, không thể thu hút một số lượng lớn người dùng như trước đây. Các ông lớn về công nghệ như Alibaba và Tencent, các công ty sản xuất điện thoại như Huawai, Xiaomi, OPPO,… đều hướng đến thị trường ngoài nước, đặc biệt là các quốc gia mà internet di động giờ mới bùng nổ.
Thứ hai, các sáng kiến mới trong lĩnh vực chi trả qua di động, như giải pháp chi trả theo mã QR và Red Packet xã hội, đã thành công lớn ở Trung Quốc. Ant Financial muốn nhân thành công này ra nước ngoài.
Thứ 3, Alipay đang mất thị trường trong nước rất nhanh vào tay Tencent. Thị phần các giá trị giao dịch của Alipay đã giảm từ gần 80% vào giữa năm 2014 xuống còn hơn 50% vào quý 1 năm 2017, theo số liệu từ công ty nghiên cứu iResearch. WeChat cũng được cho là đã vượt Alipay trong nhiều giao dịch qua quét ngoại tuyến mã QR. Tencent cũng đang thách thức ác liệt vị thế chi phối của Alibaba về dịch vụ chi trả qua di động trực tuyến nhờ hợp tác với đối tác của họ là JD.com, và hệ thống sắp xếp dịch vụ cuộc sống thường nhật Meituan-Dianping.
Cuối cùng, Alipay đang hướng đến mục tiêu là 120 triệu người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài hàng năm cùng với tầng lớp trung lưu Trung Quốc đang tăng lên nhanh chóng. Theo báo cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới, Trung Quốc là nước có số người du lịch ra nước ngoài lớn nhất, mức chi của người du lịch Trung Quốc tương đối cao và đã tăng 12% lên 261 tỷ USD năm 2016, họ cũng thường chi trả bằng cách quét mã QR. Điểm đến thường xuyên nhất của họ là Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ và một số nước châu Âu.
Đối với nhóm các nước phát triển gồm Nhật Bản, Mỹ và một số nước châu Âu, Alibaba tăng cường quan hệ đối tác với các nhà buôn ngoại tuyến, các sân bay, các công ty thụ lý tài sản, các công ty và các mạng lưới thẻ tín dụng, tạo ra cho Alipay nhiều môi trường chi trả ngoại tuyến khác nhau, gồm có mua sắm, giải trí, thanh toán tiền taxi.... Đối với nhóm các nước Đông Nam Á và Ấn Độ, số dân chưa đủ mức bao tiêu còn rất lớn. Các nước này đều bỏ qua giai đoạn thẻ tín dụng để tiến thẳng lên giai đoạn chi trả qua điện thoại. Đây là cơ hội cho các công ty Fintech Trung Quốc mang thành công mã QR của họ vào các nước này.
Alipay đang tăng cường mua cổ phiếu, thành lập các liên doanh để cùng tung ra các dịch vụ tài chính của mình ở thị trường ngoài nước. Bên cạnh bơm tiền, công ty này còn hỗ trợ về khả năng kiểm soát rủi ro, cơ sở hạ tầng IT và chuyên môn để hỗ trợ sàng lọc các sản phẩm và thực hiện nội địa hóa. Điển hình là đối với Paytm, đối tác ở Ấn Độ của Alipay.
Ant Financial đầu tư lần đầu vào Paytm vào đầu năm và lần hai vào tháng 9.2015. Kết quả là, Paytm đã có tốc độ tăng số lượng người dùng một cách chóng mặt từ 30 triệu lên đến 220 triệu hồi tháng 4, vượt qua cả Paypal để trở thành dịch vụ ví điện tử lớn thứ 3 toàn cầu.
WeChat cũng đang tiến những bước dài, cạnh tranh ác liệt với Alipay trong việc mở rộng thị phần của mình. Hồi tháng 03, họ đã đưa ra kế hoạch mở một văn phòng ở Anh và một nước châu Âu khác, công bố một hợp đồng với Citcon hồi tháng 5 và với Stripe hồi tháng 7 ở Mỹ. Hợp đồng này sẽ cho phép hàng triệu người kinh doanh cả trực tuyến và ngoại tuyến chấp thuận WeChatPay. Sau đó đến tháng 7, Wirecard đã thông báo về một thỏa thuận hợp tác cho phép các nhà bán lẻ ở châu Âu sử dụng WeChat Pay. Đến nay, WeChatPay đã có mặt ở hơn 13 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới.