Trước đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố, hồi 17h46 ngày 28/12/2015, Trung tâm bay hiệu chuẩn của Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc đã thông báo cho FIR Hồ Chí Minh về kế hoạch bay, đường bay và các thông tin kỹ thuật khác liên quan đến hoạt động của máy bay Trung Quốc tới đá Chữ thập, thuộc quần đảo Trường Sa (mà Trung Quốc đang chiếm trái phép của Việt Nam - PV)
Về tuyên bố này, Cục Hàng không VN tiếp tục một lần nữa khẳng định: không nhận được bất cứ thông báo nào của Trung tâm bay hiệu chuẩn của Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc.
Cục Hàng không Việt Nam cũng khẳng định, Cục đã kiểm tra công văn, điện văn, fax, e-mail, điện tín tại tất cả các cơ quan, đơn vị có địa chỉ liên quan đã được công bố trong Tập thông báo tin tức hàng không Việt Nam (AIP) và liên lạc trực thoại của các cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu liên quan của Việt Nam. Nhưng đều không có bất kỳ thông báo, đăng ký nào của trung Quốc về việc cho máy bay ra đá Chữ Thập
Tại thông cáo ngày 15/1, Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục nhắc lại các tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Do thế, tất cả các hoạt động của máy bay Trung Quốc vừa qua tới đá Chữ Thập đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm các quy định, quy tắc an toàn bay theo Công ước Chicago về hàng không dân dụng quốc tế năm 1944 và các Phụ ước có liên quan.
Ngày 14/1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Hồng Lỗi, đã tuyên bố: Trung Quốc đã thông báo về kế hoạch bay thử và hành trình, cùng các thông tin kỹ thuật trước khi đưa phi cơ đáp xuống đường băng trên đá Chữ Thập. Và vào 17h46 ngày 28/12/2015 (16h46 giờ Hà Nội), Trung Quốc đã gửi tín hiệu cho FIR Hồ Chí Minh của Việt Nam.
Thực tế, trong nhiều ngày liên tiếp, Trung Quốc đã đưa không dưới 46 chuyến bay hạ cánh xuống sân bay do nước này cải tạo trái phép tại đá Chữ Thập
Quốc Dũng