Trung Quốc sẽ ngừng hoàn toàn việc nhập khẩu than từ CHDCND Triều Tiên kể từ ngày 19.2, thông báo ngắn đăng trên website Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, lệnh cấm sẽ có hiệu lực cho đến ngày 31.12.2017.
Cơ quan trên không cho biết tại sao đình chỉ toàn bộ các lô hàng than nhập từ Triều Tiên, nhưng hãng tin Yonhap mới đây đưa tin một lô hàng than đá của Triều Tiên trị giá khoảng 1 triệu USD đã bị từ chối chuyển lên bờ tại cảng Ôn Châu, thuộc tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc.
Hồi tháng 4 năm ngoái, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ cấm nhập khẩu than đá của Triều Tiên nhằm tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, cũng nhằm tước đi một nguồn tài chính dành cho các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Triều Tiên hiện là nước cung cấp than lớn thứ tư cho Trung Quốc, với khối lượng đạt 22,48 triệu tấn trong năm 2016, tăng 14,5% so với năm 2015.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đưa ra những ngoại lệ đối với các hoạt động nhập khẩu than “vì cuộc sống người dân” và không liên quan đến các chương trình hạt nhân hay tên lửa.
Trung Quốc hiện đang là nhà cung cấp than lớn thứ 3 cho VIệt Nam. Theo thống kê của Tổng Cục Hải quan, trong năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 12 triệu tấn than, trong đó than của Trung Quốc chiếm khoảng trên 2 triệu tấn. Nước cung cấp than nhiều nhất cho Việt Nam là Nga, với khoảng hơn 3 triệu tấn trong năm 2016...
Năm 2016, số thống kê của cơ quan Hải quan cho thấy giá than nhập khẩu từ Trung Quốc vào khoảng 71 USD/tấn. Trong khi đó, giá than của Nga là khoảng 63 USD/ tấn; giá than nhập trung bình từ Indonesia là 44 USD/ tấn... Tuy nhiên giá than này vẫn rẻ hơn từ 5-10 USD/tấn so với giá than tự sản xuất trong nước.
Do Trung Quốc vừa nhập than (trong đó có nhập từ Triêu Tiên), và vừa xuất khẩu than, nên không loại trừ khả năng việc nước này ngừng nhập than Triều Tiên sẽ trở thành cớ để giá than bán cho Việt Nam sẽ tăng.
Nhu cầu than cho sản xuất điện và các ngành khác của Việt Nam hiện đang tăng cao cùng với sự gia tăng nhanh chóng của số các nhà máy nhiệt điện. Với sức ép của nhu cầu tiêu thụ và khả năng cung cấp có hạn, cũng như giá than sản xuất trong nước đang cao, Chính phủ đang phải nới lỏng các điều kiện về nhập than. Cụ thể là cho phép nhiều hộ tiêu thụ than lớn, chẳng hạn như Formosa, được tự nhập than.
Do đó, có thể thấy, việc Trung Quốc ngừng nhập than Triều Tiến chắc chắn sẽ là tác động tới quản lý nhập khẩu than của Việt Nam, với việc ngày càng nhiều hộ tiêu thụ được phép tự tiến hành đàm phán giá, sản lượng và tự nhập khẩu than.