|
Trung Quốc tìm mọi cách thu hút nhân tài |
LTS: Khi tiến hành cải cách, mở cửa năm 1978, hành trang của Trung Quốc là nền công nghệ què quặt với nhiều di chứng của Cách mạng Văn hóa, một đội ngũ nhân lực R&D còi cọc hoạt động trong môi trường chính sách méo mó. Nhưng chỉ vài thập kỷ sau, nhờ biết “Chiêu hiền đãi sĩ” Trung Quốc đã có cú lột xác công nghệ vô tiền khoáng hậu. Hiện nay, bất chấp sự kiềm chế bạo liệt của Mỹ và đồng minh, Trung Quốc đang ráo riết “Chiêu hiền đãi sĩ” toàn cầu để tiến nhanh tới mục tiêu bá chủ công nghệ năm 2035, Giấc mộng Trung Hoa năm 2049.
Vậy bí quyết “Chiêu hiền đãi sĩ” của Trung Quốc là gì mà có sức mạnh thần kỳ đến vậy? Việt Nam có thể học hỏi được gì để phát triển bứt phá về công nghệ? Trên tinh thần tìm kiếm kế sách hay cho Việt Nam, VietTimes xin giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng – Viện Kinh tế và Chính trị thế giới – lý giải bí quyết “Chiêu hiền đãi sĩ” của Trung Quốc và đưa ra kế sách “Chiêu hiền đãi sĩ” để Việt Nam hùng cường trong thời đại 4.0.
Trung Quốc bứt phá thần tốc về công nghệ – Phần 1: Hành trình "Chiêu hiền đãi sĩ"
|
Sau một loạt chương trình thu hút nhỏ lẻ với kết quả không làm thay đổi hoàn toàn cục diện, Trung Quốc vào cuối năm 2008 tung ra một chương trình thu hút đột phá với quy mô và phạm vi vô cùng lớn, với tên gọi là "Chương trình Ngàn nhân tài". Chương trình do đích thân Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Lý Nguyên Triều thiết kế và phụ trách.
Chương trình "Ngàn nhân tài" với mục tiêu trong vòng 5 đến 10 năm chiêu mộ khoảng 2.000 nhân tài Hoa kiều là chuyên gia hàng đầu ở các lĩnh vực công nghệ then chốt về nước làm việc, nhằm giúp Trung Quốc nhanh chóng làm chủ công nghệ cao. Năm 2010, bổ sung thêm hai chương trình; một là chương trình "Ngàn tài năng trẻ" với mục tiêu đến năm 2015 chiêu mộ 2.000 tài năng Hoa kiều dưới 40 tuổi; hai là chương trình "Nhân tài kiêm nhiệm" nhằm chiêu mộ nhân tài xuất chúng dành cho cả Hoa kiều và người nước ngoài. Người tham gia vẫn giữ công việc đang làm ở nước sở tại, mỗi năm về Trung Quốc làm việc 3 tháng.
Chế độ đãi ngộ thỏa đáng, lương cao trợ cấp sinh hoạt lớn, sự chu đáo trong hỗ trợ vợ chồng con cái, ngân quỹ tài trợ cho nghiên cứu rộng rãi lên tới hàng triệu NDT, được cung cấp phòng thí nghiệm, đội ngũ hỗ trợ nghiên cứu. Còn có rất nhiều phúc lợi khác như ưu tiên mua nhà, tiền lương cho vợ/chồng, tiền học cho con, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho cả gia đình…
Chẳng hạn, mức trợ cấp sinh hoạt và tài trợ nghiên cứu gồm ba mức dành cho ba đối tượng khác nhau. Đối với tài năng trẻ, mức trợ cấp sinh hoạt là 500.000 NDT, mức tài trợ nghiên cứu từ 1 đến 3 triệu NDT. Đối với chuyên gia, mức trợ cấp sinh hoạt là 1 triệu NDT, mức tài trợ nghiên cứu từ 3 đến 5 triệu NDT. Đối với nhân tài hàng đầu thì tùy theo mức độ đặc biệt của dự án tham gia nhưng nhìn chung là vô cùng hậu hĩnh. Cộng thêm tâm lý "lá rụng về cội" của người Hoa nên Chương trình "Ngàn nhân tài" nhanh chóng vượt xa mục tiêu, đến năm 2017 đã chiêu mộ được 7.000 nhà khoa học và chuyên gia công nghệ hàng đầu, một số được giải thưởng Nobel, đáng chú ý là chuyên gia vật lý hàng đầu Dương Chấn Ninh và chuyên gia khoa học máy tính Andrew Yao đã từ bỏ quốc tịch Mỹ để trở thành công dân Trung Quốc.
|
Trung Quốc dùng chế độ biệt đãi để chiêu dụ nhân tài toàn cầu giúp Trung Quốc nhanh chóng có được công nghệ tiên tiến. Các chính quyền địa phương, đại học, doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc đua nhau đưa ra các gói biệt đãi để có được các bộ óc xuất sắc.
Đại học Nankai ở Thiên Tân đưa ra gói biệt đãi gồm mức lương có thể lên tới 1,2 triệu NTD/năm (185 ngàn USD), ngân sách tài trợ cho nghiên cứu 12 triệu NDT, trợ cấp nhà ở 3 triệu NDT. Với Thâm Quyến, ngoài mức lương như Thiên Tân còn thêm khoản phụ cấp sinh hoạt 2,75 triệu NDT. Đại học Tây An cấp một căn hộ 160m2 hoặc 190m2 cùng khoản ngân sách lập phòng Lab lên tới 15 triệu NDT.
Đối với các bộ óc xuất chúng hàng đầu thế giới, có giải thưởng Nobel hay giải thưởng Turing Award hoặc các giải thưởng khoa học lớn khác thì chế độ biệt đãi là vô cùng hậu hĩnh. Đơn cử như Thành phố Hàng Châu đưa ra mức biệt đãi lên tới 100 triệu NDT (16 triệu USD). Trung Quốc còn rất khéo léo thể hiện sự trọng thị trong tiếp đón các bộ óc xuất sắc toàn cầu như thượng khách với vé máy bay hạng thương gia, ở khách sạn hạng sang, đưa đón bằng Mercedes…, đặc biệt còn có sự hiện diện của các quan chức cấp cao. Chẳng hạn, tháng 1 năm 2020, Giáo sư người Pháp Gérard Mourou, Nobel vật lý năm 2018, được tiếp đón trọng thể tại Đại Lễ đường Nhân dân Bắc Kinh. Ông là khách mời ngôi sao trong một hội nghị chuyên đề với các chuyên gia quốc tế tầm cỡ làm việc tại Trung Quốc với sự hiện diện của Thủ tướng Lý Khắc Cường.
|
Ông Pan Ji Wei là người đưa Trung Quốc dẫn đầu thế giới về truyền thông lượng tử (ảnh China Daily) |
Các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc cũng có chế độ biệt đãi rất hậu hĩnh đối với các bộ óc xuất sắc giúp họ nhanh chóng có được công nghệ tiên tiến. Điển hình như Tập đoàn bán dẫn Trung Quốc SMIC đưa ra gói biệt đãi rất hậu hĩnh dành cho CEO Liang Mong-song với mức lương 1,53 triệu USD năm 2020, tặng một căn hộ trị giá 3,4 triệu USD, số cổ phiếu ưu đãi trị giá triệu USD…
Ông Liang Mong-song là cựu giám đốc cấp cao về R&D của Tập đoàn bán dẫn TSMC, Đài Loan (Trung Quốc) từ năm 1992 đến năm 2009, ông cũng từng giúp Samsung phát triển các con chip với quy trình 28 và 14 nm. Hiện nay, CEO Liang Mong-song dẫn dắt đội ngũ 2.000 kỹ sư với nhiệm vụ phát triển các con chip với quy trình từ 28 đến 7 nm cho SMIC, một nhiệm vụ mà các công ty khác có thể mất hơn 10 năm mới hoàn thành.
|
Cùng với Chính phủ, các gã công nghệ khổng lồ Trung Quốc cũng ráo riết chiêu mộ nhân tài công nghệ cao để tiến ra toàn cầu. Alibaba, Baidu, Tencent, ByteDance đều lập trung tâm R&D ở Sanfrancico, Mỹ để chiêu mộ nhân tài hàng đầu về công nghệ cao, tiếp cận những tiến bộ mới nhất của nền công nghệ Mỹ. Với mức lương hấp dẫn, quyền cao chức trọng, ngôn ngữ làm việc bằng tiếng Trung, thậm chí cung cấp cả đồ ăn Trung Quốc nên khá nhiều nhân tài Hoa kiều đã rời bỏ Google, Facebook, Apple về đầu quân cho các công ty công nghệ Trung Quốc. Sau một thời gian, nhiều người đã về Trung Quốc làm việc với cương vị cao và chế đãi ngộ hấp dẫn hơn.
Huawei nhằm thực hiện chiến lược tiến ra toàn cầu đã lập công ty con tại Plano, Texas Mỹ vào năm 2001 và lập các trung tâm R&D ở những nơi là cái nôi công nghệ của Mỹ như Thung lũng Silicon, Seattle, Chicago và Dallas… Năm 2011 lập Tổng hành dinh Futurewei ở Santa Clara, California với diện tích 200.000m2, đặt các Lab nghiên cứu tiên tiến để phát triển các giải pháp truyền thông thế hệ mới cho khách hàng Mỹ và hỗ trợ các nỗ lực R&D của Huawei trên phạm vi toàn cầu. Futurewei được dùng làm bàn đạp để Huawei mở rộng thị trường ra toàn cầu và trở thành công ty dẫn đầu trong cuộc đua công nghệ 5G.
|
Huawei đã vươn lên trở thành hãng viễn thông công nghệ hàng đầu thế giới (ảnh Market Place) |
Huawei còn tài trợ và hợp tác với một loạt đại học hàng đầu về công nghệ của Mỹ như MIT, Princeton, Stanford để thu hút các tài năng trẻ. Với việc nằm vùng tại những nơi là cái nôi công nghệ của Mỹ đã giúp Huawei dễ dàng hơn trong chiêu mộ được nhiều nhân tài hàng đầu và khai thác được những phát triển công nghệ mới nhất ở Mỹ. Cũng nhờ có nguồn ngân quỹ dồi dào nên Futurewei đã thu về hàng nghìn bằng sáng chế từ Văn phòng Bằng sáng chế và Thương hiệu Mỹ USPTO, chủ yếu ở lĩnh vực viễn thông, mạng di động 5G, công nghệ máy ảnh và video…
Hiện nay, nhằm hóa giải sự trừng phạt của Mỹ, Huawei đang đẩy mạnh chiêu mộ nhân tài công nghệ cao toàn cầu, đích nhắm là châu Âu. Tại Munich, Huawei tuyển dụng những nhóm phát triển chipset vô tuyến và chip ô tô. Huawei lập phòng Lab điện toán lượng tử và quang học ở Munich để tạo ra máy tính mạnh hơn các siêu máy tính thông thường. Huawei tìm kiếm 40 nhân tài phát triển phần mềm cho Trung tâm nghiên cứu và phát triển phần mềm ở Istanbul để phát triển hệ điều hành dành cho điện thoại thông minh và các thiết bị khác. Hãng này cũng tìm kiếm các tài năng nghiên cứu AI và kiến trúc máy tính tại Canada, Phần Lan, Thụy Điển và Nga, tìm kiếm các nhà khoa học cho Trung tâm nghiên cứu cơ bản ở Zurich, Thụy Sĩ. Mức lương Huawei trả rất hấp dẫn, trung bình một kỹ sư cấp cao của Huawei được trả 191.024 USD/năm, bao gồm cả tiền thưởng. Trong khi mức lương cơ bản trung bình của một kỹ sư cao cấp tại Google là 161.733 USD/năm[1].
Trung Quốc bứt phá thần tốc về công nghệ - Phần 3: Kế sách "Chiêu hiền đãi sĩ" để Việt Nam hùng cường
Tài liệu tham khảo
[1] The Nikkei (2021) “Huawei enlists army of European talent for 'battle' with US” https://asia.nikkei.com/Business/Business-Spotlight/Huawei-enlists-army-of-European-talent-for-battle-with-US