LTS: Khi tiến hành cải cách, mở cửa năm 1978, hành trang của Trung Quốc là nền công nghệ què quặt với nhiều di chứng của Cách mạng Văn hóa, một đội ngũ nhân lực R&D còi cọc hoạt động trong môi trường chính sách méo mó. Nhưng chỉ vài thập kỷ sau, nhờ biết “Chiêu hiền đãi sĩ” Trung Quốc đã có cú lột xác công nghệ vô tiền khoáng hậu. Hiện nay, bất chấp sự kiềm chế bạo liệt của Mỹ và đồng minh, Trung Quốc đang ráo riết “Chiêu hiền đãi sĩ” toàn cầu để tiến nhanh tới mục tiêu bá chủ công nghệ năm 2035, Giấc mộng Trung Hoa năm 2049.
Vậy bí quyết “Chiêu hiền đãi sĩ” của Trung Quốc là gì mà có sức mạnh thần kỳ đến vậy? Việt Nam có thể học hỏi được gì để phát triển bứt phá về công nghệ? Trên tinh thần tìm kiếm kế sách hay cho Việt Nam, VietTimes xin giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng – Viện Kinh tế và Chính trị thế giới – lý giải bí quyết “Chiêu hiền đãi sĩ” của Trung Quốc và đưa ra kế sách “Chiêu hiền đãi sĩ” để Việt Nam hùng cường trong thời đại 4.0.
Hành trình “Chiêu hiền đãi sĩ” manh nha từ 1978 khi ông Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách thể chế khoa học và công nghệ với việc đưa ra chính sách "tôn trọng trí thức, tôn trọng nhân tài" và làm mọi cách tăng nhanh số lượng các cá nhân ưu tú đến Mỹ và các nước phát triển học tập để “bù đắp cho hàng thập kỷ mất mát” bởi Cách mạng Văn hóa, nhanh chóng bắt kịp tiến bộ khoa học và công nghệ thế giới.
Ngày 26/12/1978 với 52 học giả đầu tiên lên đường đến Mỹ học tập đã mở đầu cho làn sóng du học của Trung Quốc lên tới hàng trăm nghìn người hàng năm, “tính đến năm 2020 có khoảng 6,6 triệu du học sinh, chủ yếu là ở Mỹ”[1]. Mặc dù số trở về rất ít, ông Đặng vẫn nhất quyết rằng chỉ cần một số trở về đã là tốt, ông còn quả quyết rằng người Trung Quốc đi đâu vẫn là người Trung Quốc. Sau sự kiện Thiên An Môn năm 1986, số trở về càng ít hơn, tuy vậy, như sự nhìn nhận của ông Triệu Tử Dương vào năm 1987, đó là “tích lũy trí tuệ của Trung Quốc ở nước ngoài” sau này sẽ dùng đến.
Quả đúng là Trung Quốc có nguồn chất xám kiều dân bậc nhất thế giới cả về chất lượng và số lượng, tập trung nhiều nhất ở Mỹ. Tính đến năm 2019, hơn 300 người gốc Hoa làm việc tại các viện hàn lâm quốc gia Mỹ về khoa học, kỹ thuật, y học và nhân văn; hơn 320 giáo sư tại 8 đại học hàng đầu Mỹ, hơn 200.000 người làm việc tại các công ty công nghệ hoặc viện công nghệ tiên tiến[2]. Mới đây vào cuối tháng 4/2021, Viện khoa học Hoa Kỳ công bố danh sách các viện sĩ năm 2021, có 7 viện sĩ là người Hoa.
Ngay từ thập kỷ 1990, Trung Quốc đã chú ý “Chiêu hiền đãi sĩ” nhân tài Hoa kiều thành danh ở nước ngoài với Chương trình thu hút đầu tiên được thực hiện là Chương trình 100 trí thức nhằm chiêu mộ 100 trí thức Hoa kiều thành danh ở nước ngoài về làm việc tại Viện Khoa học Trung Quốc (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc), tiếp đó là Chương trình Ánh nắng mùa xuân và Trí thức Trường Giang nhưng với kết quả không đáng kể. Phải đến Chương trình Ngàn nhân tài thực hiện từ năm 2008 thì cục diện mới thay đổi hoàn toàn, kể từ đó Trung Quốc đã dần đảo ngược từ tình thế “chảy máu chất xám” thành “tăng thu chất xám”.
Cuối năm 2008 trong khi Mỹ và phương Tây vẫn loay hoay thoát khủng hoảng, Trung Quốc chớp thời cơ tung ra Chương trình Ngàn nhân tài đột phá nhằm chiêu mộ nhân tài người Trung Quốc thành danh ở nước ngoài, đích nhắm là Mỹ, để nhanh chóng có được công nghệ cao của Mỹ và các nước phát triển. Kể từ đó làn sóng nhân tài Hoa kiều dồn dập đổ về Trung Quốc, dòng kỹ sư và nhà khởi nghiệp trở về từ Thung lũng Silicon đã góp phần tạo nên xu hướng phát triển bùng nổ của các công ty công nghệ cao Trung Quốc.
Các đại học thuộc Dự án 985 của Trung Quốc cũng nhập cuộc quyết liệt trong Chiêu hiền đãi sĩ từ khá sớm. Điển hình như Đại học Bắc Kinh là một trong 9 đại học được lựa chọn đầu tiên của Dự án 985 xây dựng các trường đại học hàng đầu thế giới. Khi được chọn vào Dự án 985 vào năm 1998 với nguồn tài trợ lớn và nhằm nâng tầm trở thành đại học đẳng cấp thế giới, Đại học Bắc Kinh đưa ra kế hoạch cải cách vô cùng quyết liệt nhằm thanh lọc các cán bộ yếu kém để thay mới bằng nhân tài. Kế hoạch sa thải khoảng 1/3 cán bộ trợ giảng và 1/4 phó giáo sư không đạt tiêu chuẩn. Năm 1999, đã có 50 ứng cử viên đăng ký vào 9 vị trí mà trường đưa ra, các ứng viên hầu hết là những trí thức người Trung Quốc thành danh ở nước ngoài, trong đó có 6 ứng viên đạt giải thưởng của Tổng thống Mỹ.
Giáo sư Liu Xiaoyue giải thích cho sinh viên cách tách DNA từ gia cầm |
Năm 2014, sau hai năm lên cầm quyền, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh tuy đứng đầu thế giới về số lượng các chuyên gia khoa học và công nghệ nhưng Trung Quốc vẫn thiếu lượng lớn nhân tài khoa học và công nghệ đẳng cấp. Do đó, ông đã ưu tiên thực hiện chiến lược “cải tổ” nhằm tập hợp tất cả những bộ óc sáng giá nhất để phục vụ Trung Quốc”. Đến năm 2017, ông Tập yêu cầu Trung Quốc phải thu hút những bộ óc xuất sắc nhất từ khắp nơi trên thế giới để hiện thực hóa “Giấc mộng Trung Hoa”. Mới đây, Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) nhấn mạnh rằng “Trung Quốc cần thực hiện chính sách nhân tài cởi mở hơn và xây dựng nền tảng cho nghiên cứu khoa học và đổi mới, quy tụ những nhân tài xuất sắc trong và ngoài nước”.
Để tạo "đất dụng võ" cho nhân tài, ngoài việc thể chế hóa chế độ đãi ngộ thỏa đáng theo phương châm “nhân tài đặc biệt đãi ngộ đặc biệt”, tạo điều kiện sống và làm việc tốt nhất, Trung Quốc còn chú ý tới tạo môi trường cạnh tranh sòng phẳng trong chiêu hiền đãi sĩ.
Thực tế, kể từ khi Chương trình Ngàn nhân tài được thực hiện năm 2008 thì khắp nơi ở Trung Quốc cả khu vực nhà nước và tư nhân, từ Chính quyền trung ương tới các chính quyền địa phương, các đại học, viện nghiên cứu, các gã công nghệ khổng lồ, nhất là những nơi như Công viên khoa học Trung Quan Thôn ở ngoại ô Bắc Kinh, các khu công nghiệp ở Thượng Hải và Thâm Quyến, cạnh tranh quyết liệt trong cuộc đua “Chiêu hiền đãi sĩ” không chỉ nhắm tới nhân tài người Trung Quốc thành danh ở nước ngoài mà cả nhân tài toàn cầu, chiêu mộ nhân tài khắp nơi trên thế giới. Không chỉ các thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến mà các thành phố mới lên hạng 1 như Thành Đô, Vũ Hán, Nam Kinh và Tây Đô, thậm chí các thành phố cấp II như Hàng Châu cũng tham gia quyết liệt trong cuộc đua tranh chiêu hiền đãi sĩ.
Các đại học cũng đua tranh khốc liệt trong chiêu hiền đãi sĩ đến mức năm 2013 Bộ Giáo dục Trung Quốc đã ban hành một lệnh cấm các trường đại học duyên hải “săn lùng” tài năng từ phía Tây và những trường đại học vùng đông bắc bằng tiền. Năm 2017, Bộ này đã nhắc lại chính sách này với mục tiêu đảm bảo sự công bằng trong giáo dục, và cam kết trừng phạt đại học vi phạm.
Trung Quốc cũng thiết lập mạng lưới hàng trăm các cơ sở tuyển dụng khắp thế giới, tập trung chủ yếu ở Mỹ và các nước có nền KH&CN tiên tiến, lập văn phòng đại diện ở thung lũng Silicon để làm cầu nối với giới công nghệ Hoa kiều ở Mỹ… Cùng với đó là sự phát triển kinh tế nhanh chóng, sự đầu tư lớn và liên tục tăng cho R&D từ “dưới 1%/GDP năm 1980 lên 2,4% năm 2020” [3] cũng mở ra nhiều cơ hội cho nhân tài có đất dụng võ.
Kết quả là, Trung Quốc đã đảo ngược được tình thế từ một quốc gia “chảy máu chất xám” trở thành quốc gia “tăng thu chất xám”. Tỷ lệ du học sinh Trung Quốc trở về nước làm việc hiện nay đạt hơn 70%. Trung Quốc cũng đã chiêu mộ thành công khá nhiều bộ óc xuất sắc toàn cầu… Thực tế, nhân tài toàn cầu, đặc biệt là nhân tài Hoa kiều được thừa nhận rộng rãi là đã mang theo kiến thức công nghệ tiên tiến tích lũy được ở nước ngoài, chính họ là người chuyển giao công nghệ hiện đại vào nền kinh tế Trung Quốc, giúp các doanh nghiệp Trung Quốc bành tiến ra toàn cầu cũng như giúp Trung Quốc ngày một thành công hơn trong việc làm chủ các công nghệ tiên tiến.
Nhân tài Hoa kiều và nhân tài toàn cầu mang lại diện mạo mới cho nền công nghệ Trung Quốc. Giờ đây Trung Quốc dần thoát khỏi hình ảnh quốc gia “đạo nhái”, Trung Quốc đã có những thứ có thể chỉ bảo cho Mỹ và phương Tây. Đơn cử ứng dụng Lasso của Facebook ra mắt năm 2018 chẳng phải là “nhái” TikTok hay sao nhưng cũng chẳng tồn tại được lâu.
Thực tế, năm 2019 Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành đất nước dẫn đầu thế giới về số bằng sáng chế, đến năm 2020 còn vượt xa hơn với 68.720 bằng sáng chế trong khi Mỹ chỉ với 59.230[4]. Trung Quốc tiên phong trong phóng vệ tinh lượng tử vào không gian, dẫn đầu thế giới về hệ thống vệ tinh 5G và phát triển công nghệ 5G. Hiện nay, sự phát triển thần tốc của nền công nghệ Trung Quốc khiến số lĩnh vực Mỹ duy trì khoảng cách về công nghệ với Trung Quốc ngày càng giảm trong khi số lĩnh vực Mỹ về nhì ngày một dài hơn.
Trung Quốc bứt phá thần tốc về công nghệ – Phần 2: Giải mã bí quyết “Chiêu hiền đãi sĩ”
Trung Quốc bứt phá thần tốc về công nghệ - Phần 3: Kế sách "Chiêu hiền đãi sĩ" để Việt Nam hùng cường
Tài liệu tham khảo:
[1] Serger, Sylvia Schwaag, Cong Cao, Caroline S. Wagner, Xabier Goenaga, and Koen Jonkers. “What Do China’s Scientific Ambitions Mean for Science—and the World?” Issues in Science and Technology, April 5, 2021, https://issues.org/what-do-chinas-scientific-ambitions-mean-for-science-and-the-world/
[2]The Hill (2021) “China's plan to gather the 'best and brightest' in science and technology” https://thehill.com/opinion/international/551817-chinas-plan-to-gather-the-best-and-brightest-in-science-and-technology?amp
[3] Serger, Sylvia Schwaag, Cong Cao, Caroline S. Wagner, Xabier Goenaga, and Koen Jonkers. “What Do China’s Scientific Ambitions Mean for Science—and the World?” Issues in Science and Technology, April 5, 2021, https://issues.org/what-do-chinas-scientific-ambitions-mean-for-science-and-the-world/
[4] Nhịp cầu đầu tư (2021) “Năm thứ 2 liên tiếp Trung Quốc vượt Mỹ về hồ sơ xin bằng sáng chế” https://nhipcaudautu.vn/the-gioi/nam-thu-2-lien-tiep-trung-quoc-vuot-my-ve-ho-so-xin-bang-sang-che-3339651/