Trung Quốc bất ngờ trừng phạt “nặng tay” với Triều Tiên

Trung Quốc ngày 23/9 đã thông báo ngừng xuất sang Triều Tiên một số sản phẩm dầu khí, đồng thời ngừng nhập khẩu hàng dệt may của Triều Tiên, theo nghị quyết mới nhất của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Tại Bình Nhưỡng, giá xăng dầu đã tăng vọt lên 20%.
Cuộc sống ở Triều Tiên gặp nhiều khó khăn do các lệnh trừng phạt quốc tế
Cuộc sống ở Triều Tiên gặp nhiều khó khăn do các lệnh trừng phạt quốc tế

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết việc xuất khẩu dầu đã được tinh chế sẽ bị ngưng kể từ ngày 1/10 tới. Còn việc giao khí nén và khí hóa lỏng được chấm dứt ngay từ hôm nay (24/9), cùng với việc ngừng nhập khẩu hàng dệt may từ Triều Tiên.

Giới phân tích đánh giá, như vậy một nguồn thu ngoại tệ lớn của Triều Tiên sẽ bị cắt đứt, vì dệt may là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Bình Nhưỡng. Theo IHS Markit, Bình Nhưỡng hàng năm thu về 750 triệu USD nhờ hàng dệt may, với nguyên liệu nhập từ Trung Quốc.

Tuy có nguồn than đá dồi dào, nhưng Triều Tiên hoàn toàn lệ thuộc vào nguồn dầu khí nhập khẩu, mà nguồn cung chính là Trung Quốc. Từ năm 2014, Trung Quốc không hề công bố số liệu dầu khí bán cho Triều Tiên.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ ước tính trong năm 2016, mỗi ngày Bắc Kinh đã cung cấp cho Bình Nhưỡng 15.000 thùng dầu thô và 6.000 thùng dầu tinh chế, tức khoảng 5,5 triệu thùng dầu thô và 2,2 triệu thùng dầu tinh chế cho cả năm.

Theo AFP, giá xăng dầu tại Triều Tiên đã tăng 20% từ hai tháng qua. Xăng ở đây được bán theo kí lô chứ không phải theo lít, và phải trả bằng tiền mặt. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc gần đây đã nhất trí thông qua các biện pháp trừng phạt mới, sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần thứ ba hôm 3/9.

Ngoài việc ngừng nhập hàng dệt may, nghị quyết còn cấm xuất khẩu sang Triều Tiên các loại khí nén và khí hóa lỏng, định mức trần dầu tinh chế là hai triệu thùng một năm, còn dầu thô bị giới hạn ở mức nhập khẩu của Triều Tiên hiện nay.

Trung Quốc chiếm đến 90% trao đổi thương mại vớiTriều Tiên, nên sự hợp tác của Bắc Kinh rất quan trọng. Hồi tháng 8 vừa qua sau khi bị Mỹ chỉ trích, Trung Quốc đã ngừng nhập sắt, quặng sắt và hải sản của Bình Nhưỡng. Nhưng Bắc Kinh vẫn luôn gây áp lực để Liên Hiệp Quốc giảm nhẹ cấm vận vì sợ Triều Tiên sụp đổ.

Ngày 22/9, trợ lý về Đông Á của Bộ Ngoại giao Mỹ Susan Thornton tuyên bố, chiến dịch trừng phạt là cơ hội cuối cùng để đạt đến một lối thoát hòa bình cho cuộc khủng hoảng hạt nhân và tên lửa Triều Tiên.