Bloomberg đã phân tích và thu thập dữ liệu từ 13 hãng sản xuất ô tô có giao dịch công khai với ít nhất 100.000 công nhân vào cuối những năm tài chính gần đây nhất. Những con số chỉ ra rằng từ nửa cuối năm 2013 và năm 2017, số lượng nhân sự của 11 trên tổng số 13 hãng xe hơi đã đạt mức 3,1 triệu người, tăng 11% so với 4 năm trước đó.
Steve Man, nhà phân tích tại Bloomberg Intelligence ở Hong Kong cho biết : "Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác đang tăng trưởng mạnh mẽ, họ ủng hộ và lựa chọn sử dụng lao động là con người vì nó đòi hỏi đầu tư trả trước ít hơn.
Trong khi tại các thị trường phát triển như Mỹ hay châu Âu, việc tự động hóa bằng rô bốt nhìn chung đã được thiết lập và duy trì ổn định cách đây rất nhiều năm. Nhưng thực tế cho thấy các nhà sản xuất ô tô vẫn có nhu cầu tuyển dụng lao động rất lớn."
Số liệu thông kê lượng lao động của hai giai đoạn 2013 và 2017 của 13 hãng ô tô được Bloomberg thu thập.
|
Bộ 3 nhà sản xuất ô tô Trung Quốc gồm SAIC Motor Corp., Dongfeng Motor Group và BYD Co. (trong đó Warren Buffett là một nhà đầu tư lớn của công ty này) đã tăng số lượng nhân viên lên ít nhất 24%. Tập đoàn Volkswagen AG chiếm số lượng nhân viên nhiều nhất trong 13 hãng nhưng cuối năm 2017 vẫn tăng thêm 12%.
Chỉ có 2 nhà sản xuất ô tô là Nissan và General Motors (GM) giảm lực lượng lao động tương ứng 2,8% và 18%. Con số giảm 18% của GM trong năm 2017 bị ảnh hưởng bởi việc bán bộ phận Opel - Vauxhall ở châu Âu cho tập đoàn PSA Group hiện đang sở hữu 3 thương hiệu là Peugeot, Citroen và DS.
Lượng lao động làm trong mảng ô tô là phụ nữ đã tăng từ 38% (2013) lên 40% (2017). Con số này dựa trên dữ liệu từ khoảng 30 nhà sản xuất ô tô lớn nhất trên toàn thế giới. Phân tích không tính đến tiền lương hoặc vị trí của người lao động.
Rô bốt đang ngày càng trở nên quan trọng đối với các nhà sản xuất ô tô khi bước vào kỷ nguyên công nghiệp 4.0 nhưng nó chưa phải là thứ quan trọng nhất.
|
Hiện nay, tại các thị trường phát triển, các nhà sản xuất ô tô đang tuyển dụng nhận sự nhiều ở mảng nghiên cứu và phát triển phần mềm hơn là vai trò phần cứng nhằm chuẩn bị cho tương lai khi nhiều phương tiện giao tiếp với nhau thông qua môi trường xung quanh.
"Ngành công nghệ ô tô đang chuyển dần sang dòng xe điện, xe tự lái và các phương tiện kết nối. Điều này đã gây ra những biến động không nhỏ đối với các nhà sản xuất ô tô sử dụng động cơ đốt trong", Steve Man nói.
Năm ngoái, công ty tư vấn McKinsey đã viết một bài cho rằng sử dụng rô bốt trong ngành công nghiệp sản xuất đang trở nên rẻ hơn và phù hợp hơn so với trước kia nên các công ty đang ngày càng sử dụng nhiều rô bốt để thay thế cho con người, đặc biệt ở lĩnh vực in 3D và cắt CNC.
Tesla thừa nhận sử dụng quá nhiều rô bốt trong quá trình sản xuất đã khiến cho chiếc Model 3 bị chậm tiến độ.
|
Nhưng tác giả Jonathan Tilley, một chuyên gia cao cấp tại McKinsey thì lại cảnh báo rằng "Không thể phủ nhận về những lợi ích mà tự động hóa bằng rô bốt đem lại, nhưng kết quả của cách tiếp cận này hầu như luôn là những dự án quá tốn kém, mất quá nhiều thời gian để thực hiện và thất bại trong việc cung cấp các mục tiêu kinh doanh của họ."
Tesla là một ví dụ cho những phát ngôn ở trên. Cho dù nhà máy của Tesla đặt tại Fremont, California đạt mức độ tự động hóa cao nhưng đầu năm nay Elon Musk cũng đã phải thừa nhận rằng việc sử dụng quá nhiều rô bốt đang khiến cho quá trình sản xuất mẫu xe điện đang rất đình đám là Model 3 bị chậm trễ.
Tesla phải tạm thời đình chỉ công việc sản xuất Model 3 trong hơn 1 tuần để "cải thiện tự động hóa". Điều này cho thấy là Musk vẫn chưa đạt được sự cân bằng hợp lý giữa máy móc và khoảng 10.000 công nhân làm việc tại nhà máy Fremont. Như vậy, nhiều máy móc rô bốt quá chưa hẳn là điều tốt.