Ca tư vấn đầu tiên
“Năm 1967, tôi vừa học xong năm thứ nhất khoa Văn (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) thì có đợt phát động của nhà trường, tôi lúc ấy đang là Bí thư Chi đoàn liền viết đơn tình nguyện nhập ngũ và được tuyển vào đơn vị đặc công của QĐNDVN lên đường vào Nam chiến đấu…”- Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa mở đầu câu chuyện về ông như thế.
Rồi ông bảo, ngày ấy từ Bắc vào Nam bộ đội ta toàn hành quân (đi bộ) qua miền Trung. Thời ấy đàn ông đa số đi bộ đội để giải phóng đất nước, nhiều gia đình ở nhà chỉ có mẹ chồng và nàng dâu. Một đêm đơn vị ông dừng chân và ông ngủ nhờ ở nhà dân. Đêm đã khuya ông vẫn thấy mẹ chồng và nàng dâu nhà ấy lời qua tiếng lại vì những mâu thuẫn… Trong khi đồng đội ngủ say, ông cứ trăn trở… và thấy mình cần phải “can thiệp” gì đó giúp họ.
Thế là bên bếp lửa, chú bộ đội Hòa khéo léo mời "mẹ" và "chị" ngồi cùng nói chuyện. Ông lắng nghe từng người và phân tích cái sai cái đúng mãi đến gần sáng mới khiến mẹ con họ hiểu và thương cảm nhau hơn. Sáng hôm sau khi đơn vị xuất phát ông được "mẹ" và "chị" giúi cho mấy củ khoai và vài cái bắp ngô luộc. Ông Hòa cười bảo, có lẽ đó là "thù lao" đầu tiên của nghề tư vấn hôn nhân, gia đình của ông.
Nhấp một ly trà, ông nói tiếp, qua “vụ” ấy đồng đội biết và thấy ông có năng khiếu về chuyện giải quyết mâu thuẫn bất hòa tình cảm nên nhiều anh lính trẻ hay hỏi ông về những rắc rối trong tình yêu của họ nên giải quyết thế nào. Những lần như thế ông thường phân tích cặn kẽ cho anh em và đưa ra những giải pháp cụ thể. Nhiều lần ông còn hướng dẫn đồng đội viết thư tỏ tình và không ít người có được những thành công như mong đợi. Cứ thế lưng đeo ba lô nặng gần 30 kg, ông vừa hành quân vừa tư vấn, chiến sỹ Hòa phấn khích vì trên đường đi đánh giặc vẫn giúp được người khác đến với tình yêu hạnh phúc nên không biết chùn chân mỏi gối là gì.
Lá thư gửi nhầm
Ngày ấy người lính xa nhà đi chiến đấu, những lá thư là phương tiện truyền tải thông tin và tình cảm về nơi chôn rau cắt rốn và bạn bè người thân…
“Một cậu lính trẻ viết cùng lúc 2 lá thư gửi về quê, một cho người yêu, một cho cô giáo chủ nhiệm. Nhưng cậu lại bỏ nhầm lá thư gửi người này vào phòng bì người kia. Thư gửi đi rồi cậu mới phát hiện ra mình nhầm, cứ vò đầu bứt tai kêu khổ bỏ cả cơm và hỏi có cách nào lấy lại được 2 lá thư này không. Vì hồi đó học sinh không được yêu sớm nên cậu sợ người yêu sẽ bị cô giáo khiển trách. Tôi liền hướng dẫn cậu viết ngay một lá thư nữa gửi cô giáo. Ai ngờ cô rất cảm thông với tình yêu đầu đời của người lính trẻ. Thư cô giáo gửi lại cho cậu tôi không biết là cô nói gì, chỉ nhớ người lính đọc xong mắt rưng rưng lệ, ôm choàng lấy tôi, đang đêm đứng trên giường múa hát :"Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao". Ông Hòa bảo, đó một kỷ niệm làm ông nhớ mãi…
Nhưng chỉ mấy hôm sau khi vượt sông Bồ, Quảng Trị, trong lúc trực thăng địch bắn xuống như mưa. Đồng đội ông đã hy sinh. Một viên đạn xuyên qua ngực - nơi trái tim nóng bỏng “đang hát tình yêu”. Ông Hòa bảo, nhìn gương mặt đồng đội lúc hấp hối dường như trong đau đớn tột độ ấy vẫn phảng phất một nụ cười vì "tình yêu vẫn đẹp …". Ánh mắt của người đồng đội ấy mãi hằn sâu trong trái tim ông ...
Giọt nước mắt ngoại tình…
Im lặng hồi lâu, ông bảo, một đêm khuya cách đây đã lâu, ông đang trực máy tư vấn thì có một khách hàng đàn ông gọi đến. Đó là một ca ngoại tình. Anh Tiến sĩ này 46 tuổi có cô vợ xinh đẹp kém anh 4 tuổi đi làm Thạc sĩ ở nước ngoài 2 năm. Khi vợ học xong trở về 3 bố con anh vô cùng mừng rỡ.
Nhưng hai tuần sau, cả nhà đang ăn cơm vui vẻ thì vợ có điện thoại. Thấy vợ nói chuyện bằng tiếng Anh một lúc thì nước mắt rưng rưng và giọng nói nghẹn ngào. Anh hỏi: “Em nói chuyện với ai mà xúc động vậy?”. Vợ trả lời: “Một người bạn học”.
Nhưng anh nghi ngờ đoán có thể là người tình và hôm sau lúc vợ đi vằng anh bắt đầu lục lọi trên laptop của vợ tìm được nhiều bức ảnh và video ghi lại hình ảnh mối quan hệ yêu đương của họ.
Thế là gia đình anh bắt đầu nổi sóng. Liên tục các cuộc tra vấn của anh, cuối cùng vợ thú nhận đó là một mối tình khi cô đang trống trải cô đơn ở nước ngoài.
Khi anh tiến sỹ gọi đến cho ông thì đã xảy ra nhiều lần cãi cọ và có lần anh đã tát vợ. Lần ấy ông Hòa bảo, nếu không thể tha thứ được thì nên ly hôn chứ sống để hành hạ nhau như vậy khổ cả hai và các con cũng bị ảnh hưởng.
Nhưng anh kia nói rằng anh vẫn yêu vợ vô cùng! Nếu mất cô ấy chắc anh suy sụp!
Ông Hòa khuyên nếu vậy hãy cứu vãn cuộc hôn nhân đó vì nó đáng được cứu vãn và cũng vì anh, vì vợ và vì con.
Ông phân tích cho người chồng kia mọi nhẽ cả tiếng đồng hồ. Trước khi gặp ông Hòa anh tiến sỹ chỉ nghĩ gia đình sẽ tan vỡ, đời anh dang dở và bất hạnh, các con tan tác mỗi đứa một nơi...
Nghe ông Hòa tư vấn xong anh thấy chỉ có con đường tha thứ là đúng đắn và anh đã tha thứ nhưng vẫn chưa hết giận hờn…
Rồi cái kết của nó được người chồng kể lại trong cảm xúc thật khó tả.
Ông Hòa chậm rãi từng tiếng, sắp đến ngày vợ đi, anh ấy hỏi vợ :”Em chuẩn bị mọi thứ chưa? Còn cần gì nữa, mai anh đưa em đi mua sắm?”. Chị vợ cảm thấy thương chồng nhưng mọi thủ tục đã làm xong nên vẫn cùng chồng đi mua sắm. Buổi tối hôm ấy, trong khi vợ gói ghém hành lý, anh ngồi cho các loại thuốc vào hộp. Lại cẩn thận ghi thuốc gì, uống ngày mấy viên, trước hay sau khi ăn. Vì anh nắm rất vững các thứ bệnh của vợ, chẳng khác gì bác sĩ.
Bỗng nhiên chị nhìn anh hỏi: “Anh làm gì đấy?”. Anh trả lời: “Anh ghi chú vào từng loại thuốc. Lạ gì tính “nghệ sĩ’ của em. Uống nhầm thuốc thì chết à”. Chị lặng lẽ ngồi xuống bên anh một lúc, hỏi: “Anh làm như thế để làm gì?”. Anh ôn tồn: “Để nếu lần này em đi mà không trở về nữa thì anh vẫn lưu lại trong em hình ảnh một người chồng ... tử tế”.
Không ngờ câu nói ấy động vào nơi sâu thẳm trái tim người vợ!
Chị vợ bất giác ôm lấy đầu gối anh. Những giọt nước mắt rơi xuống... Anh xúc động đặt tay lên vai vợ: “Sao em khóc?”. Chị bỗng nức lên: “Em không đi đâu nữa... Có người chồng thế này sao phải đi đâu?”. Thế rồi họ ôm chầm lấy nhau nồng nàn như thuở ban đầu…
Kể lại câu chuyện này, ông Hòa mặt mày rạng rỡ bảo, sáng hôm sau hai đứa con của vợ chồng nhà kia cứ ngơ ngác nhìn bố mẹ! Biết mẹ không đi nữa chúng mừng rỡ vô cùng!
Xuất thân là giảng viên đại học, Trịnh Trung Hòa có 22 năm công tác và giảng dạy các bộ môn Văn học và Tâm lý học tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Ông làm chuyên gia tư vấn tình yêu, hôn nhân tại Trung tâm tư vấn Linh Tâm, một trung tâm tư vấn tâm lý tình cảm ra đời sớm nhất ở Việt Nam. Chuyên gia tư vấn Trịnh Trung Hòa tư vấn qua điện thoại của Tổng Đài 1088, qua chương trình “Lời thì thầm” của Đài FM Hà Nội và VOV Giao thông của Đài TNVN, qua các chương trình “Chuyện chung chuyện riêng”, “Chuyện đêm cuối tuần”, “Người xây tổ ấm”, “Cánh cửa mở rộng” ... của VTV và tư vấn trực tiếp tại văn phòng.