Các số đo địa chấn cho thấy vụ nổ này chỉ có sức mạnh tương đương với những lần thử trước, nhưng dù sao thì chương trình hạt nhân của Triều Tiên đã tiến thêm một bước mới.
Như thường lệ, các phản ứng vẫn rất quen thuộc. Cộng đồng quốc tế liên tiếp lên án. Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc triệu tập họp khẩn để bàn về các biện pháp trừng phạt mới. Trung Quốc một lần nữa lên tiếng la mắng kêu gọi đồng minh ngỗ nghịch trở lại trật tự. Ngày 10 /1, Mỹ điều một máy bay ném bom chiến lược B-52 bay qua Hàn Quốc. Các ứng viên đang chạy đua vào chiếc ghế tổng thống Mỹ gọi lãnh đạo Triều Tiên là «điên khùng», còn báo chí thì coi ông Kim Jong Un là kẻ «khó lường nhất nhất thế giới».
Tuy nhiên hành động của các lãnh đạo Bình Nhưỡng hoàn toàn có tính toán. Quyết định của họ nhằm vào mục tiêu rất đơn giản: Đó là sự sống còn của chế độ. Triều Tiên cảm thấy bị các thế lực thù địch bao vây phong tỏa thường trực. Và họ nhận ra chỉ có vũ khí hạt nhân là phương tiện tốt nhất để tự vệ.
Bởi vậy trong tuyên truyền, Bình Nhưỡng không ngừng nhắc lại rằng các chế độ Saddam Husein của Iraq hay Kadhafi của Libya bị lật đổ là bởi họ đã từ bỏ vũ khí hạt nhân. Gần đây, Bình Nhưỡng dẫn ra trường hợp Ukraine bị thôn tính Crimea cũng là vì khi kết thúc Chiến tranh lạnh, nước này đã không biết giữ lại các vũ khí chiến lược kế thừa của Liên Xô.
Triều Tiên hiểu không thể đánh được miền Nam bằng kinh tế và họ cũng biết nếu chiến tranh nổ ra họ không thể thắng được Hàn Quốc bằng các loại vũ khí quy ước. Còn lại chỉ có đòn răn đe hạt nhân, xây dựng trên cơ sở một chương trình «giá rẻ». Bình Nhưỡng giờ đây đặt lên trước đường lối có tên gọi «byungjin», theo đó phát triển hạt nhân bên cạnh thúc đẩy kinh tế.
Vụ thử hạt nhân lần thứ tư vừa rồi còn mang mục tiêu đối nội sống còn với chế độ: Giúp cho ông Kim Jong Un khẳng định thêm tính chính đáng của người kế vị trẻ, trước khi tổ chức Đại hội 7 đảng Lao động Triều Tiên, dự kiến vào tháng 5/2016. Như vậy là người cha, Kim Jong Il, thì có bom A thì nay người con kế vị, Kim Jong Un có bom H.
Từ khi lên năm quyền, hồi tháng 12/2011, ông Kim Jong Un luôn phải đấu tranh củng cố vị trí số một của mình. Nhà lãnh đạo trẻ đã đảo lộn sắp xếp cán bộ lãnh đạo, liên tục tiến hành các cuộc thanh trừng, đặc biệt trong quân đội đầy thế lực. Năm 2013, ông Kim Jong Un cho hành quyết người chú dượng của mình. Gần đây nhất là cái chết đáng ngờ của một nhân vật có thế lực lớn là Kim Yang Gon, phụ trách quan hệ với miền Nam, một người được cho là khá ôn hòa. Ông này bị chết bí ẩn hôm 29/12/2015 trong một tai nạn xe hơi.
Đại hội đảng vào tháng 5 tới đây sẽ giúp cho ông Kim Jong Un củng cố vững chắc hơn quyền lực. Phô trương hạt nhân cũng là cách thể hiện thanh thế trong giới lãnh đạo chóp bu Bình Nhưỡng. Ông Andray Abrahamian, thuộc đại học Macquarie Sydney, người thường xuyên qua lại Bình Nhưỡng cho biết: «Mỗi lần thử hạt nhân thành công đều được chào mừng bằng các cuộc tập hợp có tổ chức và cả các buổi lễ long trọng».
Hôm 11/1, trên trang nhất của nhật báo «Người lao động» đăng bức ảnh ông Kim được các kỹ sư hạt nhân vây quanh. Hồi tháng 5/2012, Bắc Triều Tiên thậm chí còn đưa vào Hiến pháp mới khẳng định Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân. Lãnh tụ số một của Bình Nhưỡng đã gắn hình ảnh của mình quá sâu với nguyên tử rồi, nếu từ bỏ nó bây giờ khác nào là tự sát chính trị.
Các biện pháp trừng phạt của quốc tế chồng chất thêm sau mỗi lần thử hạt nhân hầu như không làm giảm tốc độ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Thực ra, số lượng bom nguyên tử đã được chế tạo cũng như là khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên vẫn chỉ là những phỏng đoán, ước tính rất khác nhau.
Các kỹ sư của Triều Tiên vẫn còn chưa biết phóng tên lửa từ tàu ngầm, cho dù trong năm 2015 họ đã tiến hành 3 lần thử như vậy mà lần thử gần đây nhất trong tháng 1/2016 bị giới quan sát cho là ngụy tạo hình ảnh. Tuy nhiên những tiến bộ kỹ thuật của Triều Tiên là điều không thể chối cãi. Với việc lần đầu tiên đưa thành công một vệ tinh lên quỹ đạo trái đất năm 2012, Bình Nhưỡng đã cho thấy là họ đã làm chủ được các công nghệ cần thiết cho việc phóng tên lửa hạt nhân.
Những thành công của Bình Nhưỡng trong lĩnh vực vũ khí còn đáng ngạc nhiên nhất là nền kinh tế Triều Tiên vẫn còn đang kiệt quệ từ sau nạn đói năm 1990. Theo ước tính, GDP năm 2014 của nước này chỉ đạt khoảng 28 tỷ USD.
Ông Joel Wit, nguyên là một nhà ngoại giao Mỹ chuyên trách vấn đề giải trừ hạt nhân Triều Tiên thừa nhận trên nhật báo New York Times: «Lẽ ra tôi không nên nói điều này, nhưng tôi ngả mũ phục người Triều Tiên. Họ đã chơi ván bài của mình cực kỳ tốt…. Họ đã thành công trong việc trở thành một cường quốc hạt nhân nhỏ, có một kho vũ khí lớn dần và ngày càng hiện đại».
Giờ đây, chương trình hạt nhân này đã tiến quá đà, các hy sinh quá lớn, nặng nề, hào quang chiến thắng được tuyên truyền quá rộng, cho nên Triều Tiên khó có thể chấp nhận từ bỏ nó được.
Hàn Quốc, người bà con giàu có thì bất lực, đành mở chiến dịch chống ông Kim Jong Un bằng giàn loa công suất cực lớn đặt bên giới tuyến có khả năng truyền âm thanh xa tới 20 km. Mùa hè năm ngoái, quân đội miền Triều Tiên đã tức giận nã pháo vào giàn loa của Hàn Quốc.
«Việc lặp lại phát thanh tuyên truyền như vậy chỉ làm trầm trọng thêm căng thẳng quân sự mà không góp phần giải quyết được gì cuộc khủng hoảng». Ông Cheong Seong-chang, chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Sejong tại Seoul nhận định.
Mỹ thì phô trương uy lực bằng chuyến bay của máy ném bom chiến lược hôm Chủ nhật vừa rồi. Ngoài các trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, Washington đang chuẩn bị các biện pháp riêng của họ, được biết là sẽ ngặt nghèo hơn, thế nhưng hiệu quả thì chưa chắc.
Bị rát mặt vì một loạt thỏa thuận phi hạt nhân bị phá vỡ từ khi có «Hiệp định khung» năm 1994, Tổng thống Barack Obama đã đưa ra chính sách “kiên nhẫn chiến lược», theo đó từ chối mọi đối thoại chừng nào Bình Nhưỡng không có hành động cụ thể giải trừ vũ khí hạt nhân. Viễn cảnh này quả là xa vời.
Dù tỏ ra kiên quyết, nhưng Mỹ cũng đã quen với mối đe dọa hạt nhân còn ở xa này và nó chỉ giúp cho Washington biện minh cho sự xuất hiện quân sự trong khu vực này. “Ngáo ộp” Triều Tiên còn được sử dụng làm cái cớ để xích lại hai đồng minh quân sự Hàn Quốc và Nhật Bản vốn dĩ vẫn có đang hiềm khích nhau vì những chuyện quá khứ lịch sử. Đó cũng là cái cớ để thuyết phục Hàn Quốc cho đặt trên lãnh thổ hệ thống lá chắn chống tên lửa của Mỹ, mà mục tiêu thực sự của nó là kiềm chế Bắc Kinh.
Về phần mình, Bắc Kinh lo sợ Bình Nhưỡng sụp đổ hơn là chương trình hạt nhân Triều Tiên. Một sự sụp đổ của chế độ Bình Nhưỡng cũng có nghĩa là miền Bắc sẽ bị sáp nhập về Hàn Quốc, khi đó Bắc Kinh sẽ mất đi vùng đệm chiến lược và sự hiện diện của quân đội Mỹ sẽ tiến sát biên giới Trung Quốc. Ngoài ra sự cố đó cũng sẽ gây lên làn sóng di dân ồ ạt. Chủ trương của Bắc Kinh là mong muốn người láng giềng mở cửa dần dần và dùng đàm phán để giải quyết khủng hoảng hạt nhân.
Sự mất ổn định trên bán đảo Triều Tiên ngày thêm trầm trọng. Tại Seoul, ngày càng có nhiều tiếng nói có ảnh hưởng kêu gọi Hàn Quốc cũng cần phải trang bị vũ khí hạt nhân. Trong khi đó các kỹ sư Triều Tiên vẫn tiếp tục hoàn chỉnh các quả bom của họ sau hết lần thử này đến lần thử khác.