Triển khai dự án phát triển đường thủy và logistics khu vực phía Nam

VietTimes – Việc triển khai đại dự án này bắt đầu bằng việc Ban quản lý các dự án đường thủy (Bộ GTVT) ký hợp đồng tư vấn lập nghiên cứu khả thi cho dự án với nhà thầu tư vấn chính là Công ty Sgis International (Cộng hòa Pháp). 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam có vốn đầu tư dự kiến 300 triệu USD từ nguồn cho vay của Ngân hàng Thế giới, thực hiện tại khu vực Đông Nam bộ và ĐBSCL.

Mục tiêu của dự án là nhằm nâng cao hiệu quả giao thông đường thủy nội địa và kết nối thương mại khu vực ĐBSCL. Đồng thời giảm chi phí cho các chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu bằng container tại các đô thị lớn như TP HCM.

Các mục tiêu cụ thể của dự án sẽ là cải tạo mạng lưới đường thủy nội địa ĐBSCL, cải thiện tiêu chuẩn độ sâu chạy tàu và năng suất vận tải hàng hóa của khu vực thông qua nâng cao khả năng vận chuyển của trục chính Cần Thơ – TP HCM qua kênh Chợ Gạo và Măng Thít.

Đi cùng với nâng cao năng lực vận tải của hệ thống này là việc cải thiện hệ thống logistics kết nối đến cảng phức hợp Cái Mép – Thị Vải.

ĐBSCL có hệ thống kênh rạch chằng chịt, nhưng hiện năng lực vận tải kết nối các địa phương trong khu vực và giữa khu vực này với các cảng chính ở khu vực TP.HCM vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Từ nhiều năm qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tìm cách cải thiện khả năng vận tải, logistics của ĐBSCL, bao gồm việc nạo vét luồng, tổ chức tuyến vận tải thủy, đề xuất lập cảng biển….

Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả do thiếu vốn và bản thân nền kinh tế các địa phương trong khu vực vẫn chưa có nhiều đột phá để thúc đẩy sự đột biến về nhu cầu vận tải dẫn tới phát triển hệ thống giao thông thủy.