|
Bà Phan Thị Lan Hương - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo vệ quyền trẻ em. Ảnh: Minh Thúy |
+ Là người có kinh nghiệm trong việc nghiên cứu và bảo vệ trẻ em, bà có thể chia sẻ cùng bạn đọc của VietTimes về những nguy cơ mà trẻ khuyết tật thường phải đối diện?
- Trẻ khuyết tật là một nhóm trẻ yếu thế trong xã hội. Vì thế, trẻ có thể phải đối diện với rất nhiều nguy cơ đe dọa đến sự an toàn của bản thân mình. Mà nguy cơ lớn nhất là bị xâm hại tình dục. Thực tế đã có rất nhiều trường hợp trẻ khuyết tật bị xâm hại tình dục.
Do đó, việc chia sẻ kiến thức phòng tránh xâm hại tình dục cho trẻ vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng mong muốn, hoặc tham gia vào các chương trình chia sẻ kiến thức phòng tránh xâm hại tình dục cho trẻ, vì còn e ngại, hoặc chưa thật quan tâm đến vấn đề này.
|
Bà Phan Thị Lan Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo vệ quyền trẻ em trao đổi tại hội thảo. Ảnh: Minh Thúy
|
+Tại sao trẻ khuyết tật lại có nguy cơ cao bị xâm hại tình dục, thưa bà?
- Theo tôi, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ khuyết tật bị xâm hại tình dục: Có thể đến từ phía thủ phạm, gia đình thiếu kiến thức và nhận thức đúng đắn, các vấn đề phức tạp trong xã hội,…
Ví dụ như một em bé trong độ tuổi trẻ em (dưới 16 tuổi) có quan hệ yêu đương với một nam thanh niên, hai người có quan hệ tình dục với nhau. Tuy nhiên, em bé không nghĩ rằng đó là một hành vi xâm hại tình dục, mà chỉ có suy nghĩ muốn dâng hiến cho người mình yêu.
Ngoài ra, khi trẻ khuyết tật bị xâm hại, bố mẹ thường che giấu, e ngại không muốn nói ra và đó cũng là một nguyên nhân khiến tình trạng trẻ khuyết tật bị xâm hại tình dục có diễn biến phức tạp.
+ Từ kinh nghiệm thực tế mà bà nghiên cứu, bà có thể chỉ giúp, những đối tượng nào có khả năng xâm hại tình dục trẻ em khuyết tật?
- Đó là những đối tượng trên người lúc nào cũng có mùi rượu bia; đàn ông trung niên sống 1 mình từ 50 tuổi trở lên; người có liên quan đến rối loạn hành vi tình dục (phô dâm - ở đàn ông nhiều hơn phụ nữ, khẩu dâm - nói chuyện liên quan đến tình dục, bình phẩm bộ phận trên cơ thể người khác, kích thích bằng lời nói); ấu dâm - chỉ thích động chạm, ngắm nghía, quan hệ tình dục với trẻ nhỏ và đối tượng nghiện phim sex.
Đặc biệt, ngay cả trong gia đình – nơi được coi là an toàn nhất thì trẻ cũng có nguy cơ bị xâm hại tình dục bởi cô, dì, chú, bác, họ hàng,… thậm chí là cả bố đẻ.
Thống kê cho thấy, 96% người thân quen và 54% người trong gia đình có khả năng xâm hại tình dục đối với trẻ. Do đó, mỗi người cần phải nhận biết những dấu hiệu trẻ bị xâm hại để kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý đúng đắn.
|
Khách mời tham dự hội thảo. Ảnh: Minh Thúy
|
+ Sau khi bị xâm hại tình dục, thông thường, trẻ sẽ phải gánh chịu những hậu quả gì, thưa bà?
- Khi bị xâm hại tình dục, trẻ sẽ phải gánh chịu hậu quả về cả thể chất và tâm lý.
Về thể chất, rất nhiều trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục khi lớn không còn khả năng làm cha, mẹ (vô sinh). 100% trẻ em, bao gồm cả trẻ khuyết tật sau khi bị xâm hại tình dục đều phải chịu sang chấn tâm lý.
Trẻ con rất nhanh quên nhưng trong cuộc sống, có lúc quá khứ về nỗi đau bị xâm hại của trẻ sẽ trỗi dậy. Vì thế, chúng ta đừng nhìn thấy một đứa trẻ sau một thời gian dài bị xâm hại trở lại cuộc sống bình thường, mà không phải chịu những ảnh hưởng về sang chấn tâm lý. Do đó, gia đình nên đưa trẻ đi điều trị tâm lý, để loại bỏ những sang chấn sau khi bị xâm hại tình dục.
+Thưa bà, làm thế nào để trẻ khuyết tật nhận thức được bản thân có nguy cơ bị xâm hại tình dục?
- Hiện nay, đã có rất nhiều thông tin trên truyền thông về phòng, tránh xâm hại tình dục cho trẻ em. Tuy nhiên, đối với trẻ khuyết tật thì việc tiếp cận thông tin vẫn còn nhiều hạn chế, do hầu hết trẻ khuyết tật đều ở trong các trung tâm chuyên biệt, các trường dành riêng cho trẻ khuyết tật, hoặc ở gia đình.
Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ cũng chưa quan tâm nhiều đến vấn đề này. Không chỉ vậy, kiến thức của giáo viên trong lĩnh vực này còn chưa thực sự đầy đủ. Để khắc phục tình trạng này, một số trường công lập dành cho trẻ khuyết tật như Trường Xã Đàn, Trường Nguyễn Đình Chiểu, đã có những dự án, chương trình, để giáo dục cho trẻ về phòng, tránh xâm hại tình dục.
Mỗi một dạng trẻ khuyết tật lại có những đặc điểm riêng, đều có tác động đến quá trình trẻ bị xâm hại.
Với trẻ khiếm thính, các em rất hồn nhiên, khi muốn thu hút sự chú ý của ai đó thì các em có thể vỗ vào vai người đó. Tuy nhiên, nếu không có sự giáo dục từ gia đình và thầy cô, trẻ có thể vỗ vào bất cứ bộ phận nào trên cơ thể của người khác. Để trẻ khuyết tật có thể nhận thức được bản thân có nguy cơ bị xâm hại tình dục, rất cần sự giáo dục đến từ gia đình và nhà trường.
Gia đình và nhà trường cần dạy cho trẻ những vị trí nào trên cơ thể là vị trí nhạy cảm, cho trẻ hiểu về không gian và khoảng cách an toàn để trẻ có thể tự bảo vệ bản thân (khoảng cách an toàn đối với trẻ là 1m - bằng 1 sải tay), đồng thời dạy trẻ tôn trọng không gian riêng tư của người khác, quan tâm đến những mối quan hệ xung quanh của trẻ để loại trừ rủi ro có thể đến với trẻ.
Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!
Minh Thúy (thực hiện)