Trẻ em mắc bệnh lao gia tăng ở Hà Nội, 80% chưa được phát hiện

Mỗi năm, Việt Nam có gần 200 nghìn ca mắc lao mới, trong đó, trẻ em chiếm 10-12%. Gần đây, số trẻ mắc lao ở Hà Nội gia tăng.

Trẻ mắc lao ở Hà Nội gia tăng

Cháu T.T.N (14 tuổi, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị bệnh lao đã ở giai đoạn nặng mới chịu đi khám. Tháng 8/2024, khi vào Bệnh viện (BV) Phổi Trung ương, phổi cháu đã bị hỏng gần hết.

T.T. N. cho biết cháu bị ho từ lâu, uống kháng sinh mãi không khỏi. Vì bố cháu đã mất trước đó 2 năm do lao, nên mẹ cháu khuyên cháu đi khám nhưng cháu không đi.

Gần đây, bị sốt nhiều và ho dai dẳng, không chịu nổi cháu N. mới đi khám thì đã ở giai đoạn nặng, phải nhập viện điều trị nội trú ngay. Vì phát hiện muộn nên việc điều trị cho cháu rất khó khăn, trong quá trình điều trị phát hiện thêm cháu còn kháng thuốc và dị ứng thuốc.

TS. Nguyễn Thị Hằng - Trưởng khoa Nhi BV Phổi Trung ương - khám bệnh cho cháu bị lao mới nhập viện

TS. Nguyễn Thị Hằng - Trưởng khoa Nhi BV Phổi Trung ương - cho biết: Cháu N. không phải là bệnh nhân duy nhất ở Hà Nội, mà còn có nhiều cháu ở ngay trung tâm thủ đô cũng đang điều trị bệnh lao phổi ở Khoa. Có bé mới 6 tháng tuổi, có bé 1-2 tuổi.

“Số ca mắc lao phổi được phát hiện ngày càng nhiều, chiếm 63% trong các bệnh lao tại đây. Ngoài ra trẻ em có thể mắc nhiều thể lao ngoài phổi khác như lao màng não, lao màng phổi, lao hạch, lao cột sống,…và nhiều cháu vừa bị lao phổi, vừa kèm theo lao các cơ quan khác như lao cột sống hay lao hạch…” - TS. Hằng cho hay.

Mỗi tháng, Khoa Nhi tiếp nhận điều trị từ 120-150 cháu, trong đó, khoảng 1/3 bệnh nhi là mắc bệnh lao. Đặc biệt, số trẻ mắc lao sống ở Hà Nội có xu hướng gia tăng.

Theo TS. Nguyễn Thị Hằng, điều này chưa rõ nguyên nhân. Nhưng có một thực tế là dịch tễ lao ở trẻ phản ánh dịch tễ lao ở người lớn, ở đâu người lớn mắc lao nhiều thì trẻ cũng mắc nhiều, do lây từ người lớn. Trẻ đa phần mắc lao ở độ tuổi dưới 5, chiếm khoảng 50% tổng số trẻ mắc bệnh.

TS. Nguyễn Thị Hằng tư vấn cho phụ huynh của bệnh nhi lao

Tuy nhiên, con số bệnh nhi lao được phát hiện vẫn chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, vì theo WHO, Việt Nam có khoảng 10 nghìn trẻ mắc lao phổi mỗi năm, nhưng số phát hiện chỉ là dưới 2.000 bệnh nhân, tức là 80% chưa được phát hiện.

Nguyên do là việc làm các xét nghiệm vi khuẩn khẳng định bệnh lao ở trẻ khó khăn do việc lấy bệnh phẩm và khả năng dương tính của xét nghiệm thấp, việc chẩn đoán lao hiện nay chủ yếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng nghi lao, tiền sử tiếp xúc nguồn lây lao và các tổn thương trên phim Xquang, CT scan, siêu âm,…

TS. Hằng cho biết khi làm luận án tiến sĩ, chị đã nghiên cứu 407 ca lao trẻ em, nhưng chỉ chưa đến 30% là có vi khuẩn lao, do đó, lao trẻ em rất dễ bị bỏ sót nếu chẩn đoán dựa vào tìm được bằng chứng vi khuẩn..

Triệu chứng lao ở trẻ em cũng mờ nhạt, không đặc hiệu, trẻ lại không thể nói rõ được các triệu chứng nên dễ nhầm với các bệnh hô hấp khác.

Do đó, chỉ khi trẻ đã có những dấu hiệu nặng như ho ra máu, ho khò khè, sốt, sút cân kéo dài… gia đình mới nghĩ đến khả năng con mắc lao.

Tuy nhiên, theo TS. Hằng, có những dấu hiệu để nhận biết bệnh lao ở trẻ: Sốt, ra mồ hôi đêm, mệt mỏi, giảm chơi đùa; chán ăn/không tăng cân/ sụt cân/suy dinh dưỡng. Tuỳ thuộc vào cơ quan mắc lao, mà trẻ có thể ho dai dẳng, nổi hạch, đau đầu, co giật, đau khớp,…Các triệu chứng thường kéo dài trên 2 tuần, và điều trị mãi không cải thiện thì chúng ta cần làm các xét nghiệm để sàng lọc bệnh lao sớm cho trẻ.

Trẻ bị mắc lao khi còn rất nhỏ và ở Hà Nội có xu hướng tăng

Đặc biệt chú ý những trẻ từng tiếp xúc gần gũi với người bệnh lao phổi trong vòng 1-2 năm gần đây và từng có các triệu chứng lâm sàng nghi lao đã được điều trị nhưng triệu chứng không, hoặc ít cải thiện, nhanh tái phát.

Điều trị lao sớm để giảm lây và khỏi bệnh

Với câu hỏi bệnh nhi mắc lao có điều trị khỏi được không, TS. Hằng khẳng định: Hiện nay, Khoa Nhi BV Phổi đang điều trị lao theo phác đồ mới của WHO nên thời gian điều trị từ 6 -12 tháng, tùy theo thể lao và những trường hợp lao nhẹ có thể dùng phác đồ 4 tháng.

Việc nghiên cứu kết quả điều trị lao ở trẻ cho thấy, bệnh nhi ít có tác dụng phụ và kết quả điều trị tốt hơn, do trẻ dung nạp thuốc tốt hơn người lớn. Trong khi người lớn uống thuốc lao thường mệt mỏi, thì trẻ em lại ít gặp. Hơn nữa, điều trị ở trẻ ít bị bỏ thuốc ngang chừng, nên thường khỏi hẳn.

Tuy nhiên, sau khi khỏi mà trẻ tiếp xúc với nguồn lây sẽ vẫn bị tái mắc, vì vaccine phòng lao không có giá trị suốt đời, dù sau tiêm có giảm nguy cơ mắc bệnh và khi mắc thì không mắc nặng.

Là BV chuyên khoa tuyến cuối, nên các bệnh nhân điều trị ở Khoa Nhi BV Phổi Trung ương đều trong tình trạng nặng, với các triệu chứng ho ra máu, xẹp phổi do lao đường thở, suy hô hấp, lao phối hợp nhiều cơ quan,…

Vì thế, TS. Hằng khuyến cáo các phụ huynh khi thấy trẻ bị ho, khò khè mà điều trị kháng sinh 2 tuần không khỏi, sốt, gầy sút cân, giảm vận động, suy dinh dưỡng đã can thiệp nhưng không đáp ứng, thì nên nghĩ đến bệnh lao và cho trẻ đến cơ sở y tế để sàng lọc lao. Một nhóm trẻ nữa có nguy cơ mắc lao là những trẻ bị suy dinh dưỡng, bị suy giảm miễn dịch, trẻ đã tiếp xúc với người mắc lao phổi.

Do sợ bị kỳ thị nên nhiều gia đình không cho con đi khám, hoặc không điều trị cho trẻ, để nặng mới đưa đi BV. Trong khi, điều trị sớm cho trẻ mắc lao sẽ khỏi hoàn toàn, còn nếu để muộn, thời gian điều trị kéo dài có thể để lại di chứng, thậm chí là tử vong.

Nhiều cháu mắc lao khi mới mấy tháng tuổi

Các phụ huynh có thể yên tâm vì việc xét nghiệm lao nhẹ nhàng, thuốc điều trị lao cho trẻ cũng là uống 100% với hàm lượng nhỏ, thậm chí có loại có vị ngọt thích hợp với trẻ. Các cháu mắc lao sẽ được miễn phí điều trị 100% vì BHYT chi trả.

“Đối với những trường hợp lao phổi, hầu hết các bệnh nhân sau điều trị khoảng một tháng là không còn có khả năng lây nữa, người bệnh đeo khẩu trang thường xuyên thì càng giảm nguy cơ lây cho những người xung quanh.” - TS. Hằng nhấn mạnh.