Hội nghị khoa học về bệnh phổi và lao: Công bố nhiều nghiên cứu khoa học mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hàng trăm nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành về bệnh phổi, lao trên thế giới và ở Việt Nam đã tham dự Hội nghị khoa học “Ứng dụng công nghệ cao trong quản lý bệnh phổi và kiểm soát lao” tổ chức tại Hà Nội hôm nay.

VT_Các nha KH.jpg
Các chuyên gia hàng đầu về bệnh lao và phổi tham dự hội nghị

Tại hội nghị khoa học “Ứng dụng công nghệ cao trong quản lý bệnh phổi và kiểm soát lao” do Bệnh viện Phổi Trung ương và Chương trình chống Lao Quốc gia tổ chức hôm nay, 24/5, tại Hà Nội, hơn 50 công trình khoa học mới nhất về quản lý bệnh phổi và kiểm soát lao đã được trình bày.

Khai mạc hội nghị, TS.BSCC. Đinh Văn Lượng - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương - nhấn mạnh: Nghiên cứu khoa học là một trong những giải pháp quan trọng đóng góp vào thành công của công tác chăm sóc sức khoẻ tại Việt Nam.

“Chỉ có nắm vững tình hình bệnh phổi trong nước mới chẩn đoán bệnh lao ít sai lầm” là quan điểm của cố Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch mà Bệnh viện luôn nỗ lực thực hiện để làm tròn sứ mệnh thanh toán bệnh lao và chăm sóc nâng cao sức khỏe phổi cho nhân dân

Những năm qua, Bệnh viện Phổi Trung ương và Chương trình chống Lao Quốc gia đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu khoa học như ung thư phổi, ghép tạng, những nghiên cứu chuyên sâu về hô hấp, và bệnh lao. Hiện, Bệnh viện Phổi Trung ương đã thực hiện thường quy hầu hết các kỹ thuật cao, cả về nội hô hấp và phẫu thuật lồng ngực. Đặc biệt, đề án ghép phổi thành công là một bước đột phá về chuyên môn của Bệnh viện, mở ra cơ hội sống cho người bệnh. Đây là ca ghép phổi được đánh giá là thành công toàn diện nhất tại Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại.

VT_ Lượng.jpg
TS.BSCC. Đinh Văn Lượng - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương - khẳng định vai trò của nghiên cứu khoa học trong y tế

Theo PGS.TS. Vũ Xuân Phú - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương - sự kiện khoa học lớn nhất trong năm của chuyên ngành bệnh phổi và lao có ý nghĩa quan trọng trong mục tiêu chấm dứt bệnh lao, khi có sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế, với những chuyên đề chuyên sâu, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn có giá trị cao.

Hội thảo khoa học lần này đã mang đến những kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất, gồm hơn 50 báo cáo khoa học chuyên sâu trong quản lý, nghiên cứu, thực hành và ứng dụng công nghệ cao trong chẩn đoán và điều trị bệnh phổi, kiểm soát bệnh lao như: Ghép phổi, ung thư phổi, bệnh phổi mạn tính, bệnh phổi kẽ, nấm phổi, các kỹ thuật vi sinh, giải phẫu bệnh tế bào học, kỹ thuật nội soi, phẫu thuật lồng ngực...

Chỉ huy ca ghép phổi thành công đầu tiên ở Bệnh viện Phổi Trung ương, TS.BSCC Đinh Văn Lượng - Giám đốc Bệnh viện - đã chia sẻ những kinh nghiệm quan trọng trong quy trình ghép phổi, đó là những kiến thức mới nhất trong kỹ thuật ghép phổi.

“Báo cáo quản lý người bệnh trong chương trình ghép phổi và kết quả ca ghép phổi tại Bệnh viện Phổi Trung ương” của ThS.BS Lê Ngọc Huy - Phó Giám đốc Trung tâm Ghép phổi Bệnh viện Phổi Trung ương - cũng gây được sự chú ý của hội thảo.

Từ kinh nghiệm thực tế, các chuyên gia của Bệnh viện Phổi Trung ương cũng cung cấp các nghiên cứu mới về chăm sóc người bệnh chết não chuẩn bị cho ghép phổi; gây mê hồi sức trong ghép phổi; công tác chuẩn bị người bệnh trước và chăm sóc sau ghép phổi; ứng dụng tế bào gốc và y học tái tạo trong điều trị bệnh phổi giai đoạn muộn, Ứng dụng công nghệ cao trong chấn đoán sớm ung thư phổi...

Chuyên gia tim mạch Nguyễn Công Hựu - Giám đốc Bệnh viện E và là thành viên quan trọng trong nhóm ghép phổi thành công đầu tiên của Bệnh viện Phổi Trung ương - khẳng định vai trò của ECMO và hồi sức tim mạch trong ghép phổi.

2e08fcd98ade2a8073cf.jpg
Hai ca ghép phổi thành công do Bệnh viện Phổi Trung ương thực hiện (thứ 3,4 từ trái sang)

Hội nghị còn có báo cáo nghiên cứu về “Ghép phổi tại Mỹ và triển khai tại Việt Nam” của GS. TS Trịnh Bình, Đại học California, San Francisco và TS.BSCC Đinh Văn Lượng - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo và giải trình tự gene trong chẩn đoán lao của PGS.TS. Nguyễn Bình Hòa - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương và GS.TS Guy B.Marks - Chủ tịch, Giám đốc điều hành Liên minh Quốc tế phòng chống lao và bệnh phổi (The Union); Tiềm năng ứng dụng tế bào gốc và tế bào miễn dịch trong hỗ trợ điều trị các bệnh phổi của TS.BS Nguyễn Huy Bình - Trường Đại học Y Hà Nội; “Những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính của ThS.BS Vũ Văn Thành - Bệnh viện Phổi Trung ương...

Các chuyên gia quốc tế về phổi và lao đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, tạo cơ hội học hỏi hữu ích cho các bác sĩ Việt Nam để có thể nâng cao chất lượng điều trị các bệnh trong lĩnh vực này.