Cuộc hội ngộ đặc biệt của 3 người được “tái sinh” nhờ ghép phổi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cuộc gặp của 3 người được ghép phổi thành công tại Bệnh viện (BV) Phổi Trung ương tràn ngập cảm xúc của những người được “tái sinh”, bởi ghép phổi là kỹ thuật khó nhất trong lĩnh vực ghép tạng.

Những lá phổi được hồi sinh

Nhìn ông Nguyễn Xuân Toại (58 tuổi, Thanh Hoá) - người được ghép phổi đầu tiên ở BV Phổi Trung ương - hồng hào, khoẻ mạnh và tươi tắn, không ai có thể nghĩ rằng, ông là người từng ghép phổi.

Nhưng ông chính là bệnh nhân may mắn đầu tiên được ghép phổi thành công tại BV Phổi Trung ương và hiện là người ghép phổi có thời gian sống lâu nhất Việt Nam.

BGD va 3 BN.jpg
Ba người được ghép phổi thành công (thứ 2,3,4 từ phải sang) và lãnh đạo BV Phổi Trung ương

Gần 5 năm sau ca ghép, ông Toại cho hay, ông khoẻ mạnh, sinh hoạt, đi lại bình thường không bị mệt mỏi như trước. Ông có thể làm mọi việc trong gia đình và còn thể dục đều đặn, mỗi lần đi bộ được 3.000 bước.

Ông xúc động kể rằng ông được các thầy thuốc của BV Phổi Trung ương chăm sóc chu đáo, bất cứ lúc nào, ông gọi điện nhờ tư vấn đều được hỗ trợ tận tình, thậm chí, bác sĩ còn nhớ lịch khám định kỳ để báo ông đi khám.

"Mong ước lớn nhất lúc này của tôi là duy trì được sức khỏe như hiện tại, chứng kiến các con trưởng thành, được có mặt trong những sự kiện quan trọng của gia đình, của các con" - Ông Toại bày tỏ.

VT-ông Nguyễn Xuân Toại .JPG
Ông Nguyễn Xuân Toại (cầm mic) chia sẻ tại cuộc gặp gỡ

Cô Phạm Anh Thư (21 tuổi, sinh viên Trường Đại học Công nghệ Thông tin - Truyền thông Thái Nguyên), là bệnh nhân may mắn thứ hai được ghép phổi tại BV Phổi Trung ương và là người đầu tiên ghép cả 2 phổi.

Anh Thư mang đến cuộc gặp này nụ cười lạc quan và lòng biết ơn sâu sắc những thầy thuốc đã cứu cô khỏi bàn tay tử thần.

Chia sẻ với VietTimes, Phạm Anh Thư cho biết: Trước khi ghép, cô không thể đi lại được, đi học về không đủ sức nấu ăn, còn nếu cố nấu, thì nấu xong sẽ không còn sức để ăn. Trước bệnh trạng của cô, gia đình đã nghĩ Tết vừa rồi là cái Tết cuối cùng của cô, không ngờ lại là thời khắc tái sinh cuộc đời cô.

Anh Thư kể, có 3 bệnh nhân cùng chờ ghép, thì cô được chấp nhận, nghĩa là được sống, nên cô thấy mình may mắn. Sau ca ghép, tỉnh dậy, cô không thể tin được khi thấy mình tự thở được và rồi, còn ra viện và trở lại trường để học tập.

VT_ Thư.jpg
Anh Thư (người cầm mic) mang đến cuộc gặp nụ cười lạc quan và lòng biết ơn các thầy thuốc

Giờ đây, cô có một cuộc sống như ý, khoẻ mạnh, tự đi xe máy, tự phục vụ bản thân và có thể tham gia các hoạt động mà trước đây chỉ là mơ ước, như bóng rổ, ca hát. Cô có thể lên cầu thang dễ dàng mà không cảm thấy mệt và còn tự đi Hà Nội khám bệnh. Bây giờ, cô ăn được nên sau 7 tháng, đã tăng 7kg.

Chúng tôi còn biết rằng, ca ghép như một điểm kết nối tình yêu của Thư, khi ngay sau ca ghép, cậu bạn trai học cùng trường đã đến thăm Thư và rồi, tình yêu ngọt ngào giữa 2 người bắt đầu, đã tiếp thêm động lực để Thư hồi phục.

Chị Trịnh Thị Hiền (39 tuổi, ở Nghệ An) là ca ghép phổi thứ ba thành công ở BV Phổi Trung ương.

Có mặt ở buổi gặp gỡ đặc biệt này, chồng chị, anh Nguyễn Minh Hạnh cho biết, sau ca ghép, vợ anh nằm trong phòng cách ly mấy tháng trời, toàn bộ việc chăm sóc cho chị đều do các y bác sĩ.

Giờ đây, nhìn thấy vợ đang dần hồi phục, tự thở, tự đứng được, anh vừa mừng, vừa vô cùng biết ơn các thầy thuốc đã làm việc hết lòng, bằng cả trách nhiệm và trái tim của những lương y, để vợ anh sớm được trở về với gia đình.

Nỗ lực vượt bậc của các thầy thuốc

Chia sẻ với báo giới, TS. Bác sĩ cao cấp Đinh Văn Lượng - Giám đốc BV Phổi Trung ương - cho biết: Ba ca ghép phổi thành công tại BV đều được thực hiện với quy trình chẩn đoán, điều trị, kỹ thuật, chăm sóc nghiêm ngặt theo chuẩn quốc tế.

VT_Luong.jpg
TS. Bác sĩ cao cấp Đinh Văn Lượng - Giám đốc BV Phổi Trung ương

Trong đó, hai ca được thực hiện trong năm 2024: Ca ghép cho Phạm Anh Thư vào đúng đêm 30 Tết vừa qua được đánh giá là bước đột phá trong phát triển kỹ thuật y học chuyên sâu, tiếp cận và làm chủ được những kỹ thuật đỉnh cao trong lĩnh vực ghép tạng.

Ca ghép phổi mới nhất cho bệnh nhân Trịnh Thị Hiền là ca ghép rất phức tạp, rất khó khăn, do chị Hiền mắc nhiều bệnh nền nặng, quá trình phẫu thuật gặp nhiều khó khăn do cấu trúc giải phẫu khó, đòi hỏi tay nghề kỹ thuật cao của các chuyên gia và quá trình hồi sức, chăm sóc hậu phẫu diễn biến phức tạp, cần sự theo dõi khắt khe, can thiệp kịp thời, sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện giữa nhiều chuyên khoa.

Tuy nhiên vượt qua những khó khăn, các thầy thuốc đã mang lại sự sống cho bệnh nhân và hiện, sức khoẻ của chị HIền hồi phục tốt và sẽ sớm được xuất viện.

TS. Đinh Văn Lượng nhấn mạnh: Thành công của các ca ghép phổi tại BV là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên gia, các BV trong và ngoài nước. Đó là sự hội chẩn trực tuyến của các chuyên gia hàng đầu tại Trung tâm Ghép phổi UCSF (Trường Đại học California, San Francisco – một trong những Trung tâm y học uy tín nhất thế giới, cùng sự hỗ trợ của các chuyên gia tim mạch của BV E, của GS. Lê Ngọc Thành (Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Đại học Quốc gia Hà Nội), các chuyên gia của Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia, BV Trung ương Quân đội 108, BV Hữu nghị, BV Tim Hà Nội,...

z5858421336567_a82e4c6261985826d8c663c830ac6e3e.jpg
Các thầy thuốc chúc mừng ba bệnh nhân

Trao đổi với VietTimes, PGS.TS. Vũ Xuân Phú - Phó Giám đốc BV Phổi Trung ương - thông tin thêm: Ghép phổi là kỹ thuật khó nhất trong các kỹ thuật ghép tạng, đòi hỏi việc tổ chức của lãnh đạo BV phải khoa học, chặt chẽ; sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận, của từng bác sĩ. Bên cạnh đó, quá trình chăm sóc hậu phẫu chuyên nghiệp cũng là yếu tố quyết định sự sống của người bệnh.

Với những thành công về ghép phổi, TS. Lượng hy vọng chương trình ghép phổi của Việt Nam sẽ được ghi nhận vào danh sách của hệ thống ghép phổi thế giới. Nhưng điều quan trọng là sẽ giúp cứu được hàng nghìn người bệnh có chỉ định ghép phổi mới sống được.