Theo thượng tướng Tô Lâm, việc đưa các đối tượng trên vào diện bảo vệ đặc biệt là để phù hợp với tình hình hiện nay, vì đây đều là những ngành có đặc thù công việc luôn tiềm ẩn nguy hiểm và rủi ro cao, nảy sinh nhiều tình huống bất trắc, khó lường đe dọa tính mạng, sức khỏe của những đối tượng này.
Hiện nay, biện pháp cảnh vệ do pháp luật quy định chỉ áp dụng đối với nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước như nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Chủ tịch Quốc hội… Biện pháp cụ thể là bảo vệ tiếp cận, cảnh vệ vũ trang tuần tra canh gác tại nơi ở và các biện pháp khác.
Tuy nhiên, khi nghỉ, không còn nắm giữ chức vụ, nơi ở của các cán bộ thường thay đổi nên khó áp dụng biện pháp vũ trang tuần tra canh gác tại nơi ở. Vì vậy, dự thảo luật chỉ quy định các vị nguyên lãnh đạo này được áp dụng biện pháp bảo vệ tiếp cận và các biện pháp khác trong trường hợp cần thiết.
Về quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ, dự thảo đưa đề xuất đáng chú ý về các trường hợp được nổ súng trong khi thi hành nhiệm vụ. Trước đây và hiện nay pháp luật quy định các trường hợp được nổ súng tại Nghị định số 128/2006 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Cảnh vệ (là văn bản mật). Thì nay được đưa ngay vào dự thảo luật.
Tuy nhiên, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội lại không muốn tăng thêm đối tượng được bảo vệ đặc biệt, mà đề xuất giữ nguyên đối tượng cảnh vệ như quy định hiện hành.
Ủy ban này cho rằng, khi bổ sung các đối tượng:“Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao” thì một số chức danh Bộ trưởng khác như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an cũng có vị trí, tầm ảnh hưởng quan trọng phải được bổ sung. Như vậy sẽ tăng biên chế, cơ cấu, tổ chức của lực lượng cảnh vệ và làm cho dư luận quốc tế hiểu lầm vì an ninh, trật tự ở Việt Nam phức tạp nên phải mở rộng đối tượng cảnh vệ.