Trang tin Đa Chiều: “Mỹ đã đánh giá quá cao TSMC và phán đoán sai về ông Tập Cận Bình”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trang tin Đa Chiều đăng bài phản bác việc New York Times ngày 7/6 dẫn lời giới tình báo Mỹ cho rằng ông Tập Cận Bình lo ngại  phá hủy dây chuyền sản xuất của TSMC nên đã trì hoãn việc tiến công Đài Loan.
Việc "vũ thống" Đài Loan gần đây trở thành đề tài tuyên truyền nóng trên truyền thông (Ảnh: Sohu).
Việc "vũ thống" Đài Loan gần đây trở thành đề tài tuyên truyền nóng trên truyền thông (Ảnh: Sohu).

Trang tin Đa Chiều (Dwnews) phổ biến trong cộng đồng Hoa ngữ ngày 9/6 đã đăng bài phân tích của tác giả Lục Liên, nhan đề: “Trong vấn đề dùng vũ lực thống nhất Đài Loan, Mỹ đã đánh giá quá cao TSMC và phán đoán sai về ông Tập Cận Bình”.

Bài báo viết: “Tờ New York Times ngày 7/6 đưa tin, các quan chức tình báo Mỹ cho rằng sự do dự không quyết của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về vấn đề “vũ thống” (tức thống nhất Đài Loan bằng vũ lực) ở một mức độ nào đó là do lo ngại dây chuyền sản xuất của TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing Company), nhà sản xuất chip và các tấm wafe đứng đầu toàn cầu, có thể bị phá hủy.

Nếu dây chuyền sản xuất của TSMC bị phá hủy, nó sẽ hủy hoại các kế hoạch phát triển công nghệ tiên tiến của chính Trung Quốc và kết quả này cũng sẽ làn tan tành phần lớn chiến lược máy tính và viễn thông của Trung Quốc. Một quan chức tình báo Mỹ nói, nguy cơ này là quá lớn đối với ông Tập Cận Bình.

TSMC được coi là một yếu tố

TSMC được coi là một yếu tố

Bài báo của New York Times nhấn mạnh tầm quan trọng của TSMC, và cho rằng lý do khiến Trung Quốc do dự về việc thống nhất quân sự của Đài Loan nằm ở TSMC. Theo tôi (tác giả Lục Liên), các quan chức tình báo Mỹ đã đánh giá quá cao TSMC và đánh giá sai về ông Tập Cận Bình.

Tác giả Lục Liên viết: “Bản chất của “vũ thống” Đài Loan không phải là vấn đề liên quan đến sự phát triển của ngành công nghiệp chip. Đây là một mệnh đề lớn liên quan đến quân sự, chính trị và chiến lược trỗi dậy của Trung Quốc. Việc thống nhất chắc chắn sẽ nảy sinh tác động lâu dài, và tác động kinh tế là một trong số đó, tác động đến ngành sản xuất chip là một yếu tố cần được xem xét trong tác động kinh tế, nhưng chắc chắn không phải là nhân tố cốt lõi.

Một khi “vũ thống” Đài Loan, liệu có xảy ra xung đột Trung-Mỹ hay không là cân nhắc hàng đầu của Bắc Kinh. Mỹ là thách thức bên ngoài lớn nhất đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Không thể bỏ qua việc Trung Quốc, một cường quốc mới nổi, có thể quản lý và kiểm soát các mối quan hệ song phương với một cường quốc truyền thống như Mỹ, và liệu có thể tránh được việc đối đầu với nhau hay không.

Trung Quốc chưa bao giờ tuyên bố từ bỏ "vũ thống" Đài Loan (Ảnh: Ifeng).

Trung Quốc chưa bao giờ tuyên bố từ bỏ "vũ thống" Đài Loan (Ảnh: Ifeng).

Bản chất của vấn đề Đài Loan là vấn đề Trung - Mỹ. Việc Trung Quốc đại lục “vũ thống” Đài Loan sẽ là một cột mốc quan trọng trong cuộc đọ sức Trung-Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nếu việc thống nhất bằng quân sự thất bại, thì quá trình trỗi dậy của Trung Quốc sẽ chậm lại, và Trung Quốc đại lục sẽ quay trở lại thời kì “nằm gai nếm mật” suốt 20 năm.

Nếu việc thống nhất bằng quân sự thành công, chiến lược Châu Á - Thái Bình Dương hoặc chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, và cuộc đọ sức Trung – Mỹ sẽ trải qua những thay đổi cơ bản. Tuy nhiên, Châu Á - Thái Bình Dương là trung tâm của thế giới tương lai, và Mỹ rất khó có thể bỏ rơi Đài Loan và cũng sẽ quay trở lại. Cuộc đọ sức Trung – Mỹ sẽ không kết thúc, và cuộc đọ sức quanh Đài Loan sẽ tiếp tục kéo dài.

Trung Quốc đại lục không thể trì hoãn vô thời hạn tốc độ thống nhất. Với sự trỗi dậy của Trung Quốc, đẩy nhanh tiến trình thống nhất và cuối cùng thực hiện thống nhất là một sứ mệnh chính trị mà Trung Quốc phải đạt được.

Không phải vì phá hủy TSMC là giá phải trả quá tốn kém, mà là khi còn không gian để thống nhất, sẽ không mạo muội hấp tấp lựa chọn phương án thống nhất bằng quân sự. Nếu đến mức bắt buộc phải “vũ thống”, thì dù có phá hủy TSMC, Trung Quốc cũng sẽ không do dự.

Hơn nữa, “vũ thống” không có nghĩa là TSMC chắc chắn sẽ bị phá hủy. Sự phát triển của công nghệ quân sự như dẫn đường chính xác đã rất trưởng thành, và sự thống nhất bằng quân sự của Trung Quốc đại lục với Đài Loan sẽ không phải là một cuộc tấn công quân sự kiểu hủy diệt”.

Một trong những phương án "vũ thống" Đài Loan của Trung Quốc (Ảnh: ucpnz).

Một trong những phương án "vũ thống" Đài Loan của Trung Quốc (Ảnh: ucpnz).

Cuối cùng, bài báo kết luận: “Vì vậy, cho rằng TSMC là lý do khiến ông Tập Cận Bình do dự tiến hành “vũ thống” là rất phiến diện, chỉ là nhìn “vũ thống” ở góc độ kinh tế; sự phát triển ngành nào cũng đều nhìn vào “vũ thống”, mà không nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt của “vũ thống” đối với Trung Quốc”.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành hôm 16/4 khi trả lời phỏng vấn hãng tin Mỹ AP đã nói: “Sự thống nhất quốc gia của Trung Quốc là một tiến trình lịch sử và xu thế chung không thể ngăn cản và không ai hay bất kỳ thế lực nào có thể ngăn cản được. Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép Đài Loan độc lập; lập trường bảo vệ chủ quyền, an ninh và thống nhất quốc gia của Trung Quốc là không thể lay chuyển. Trung Quốc nguyện làm hết sức mình để phấn đấu cho viễn cảnh hòa bình thống nhất, đồng thời không cam kết từ bỏ các lựa chọn khác và sẽ không có bất cứ lựa chọn nào bị loại trừ”. Điều này có nghĩa là Trung Quốc không cam kết từ bỏ sử dụng vũ lực với Đài Loan – điều mà Mỹ và các nước phương Tây muốn thấy.