Trái phiếu doanh nghiệp: Sân chơi hẹp cho các tên tuổi lớn

Gần đây, một số thương vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp với giá trị lớn như của Masan, Vingroup, Thủy sản Minh Phú... thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Liệu cơ hội huy động vốn từ kênh trái phiếu có chia đều cho tất cả doanh nghiệp?
Tại thời điểm cuối năm 2014, dư nợ toàn thị trường trái phiếu là 864.952 tỉ đồng, trong đó 1/3 là trái phiếu doanh nghiệp
Tại thời điểm cuối năm 2014, dư nợ toàn thị trường trái phiếu là 864.952 tỉ đồng, trong đó 1/3 là trái phiếu doanh nghiệp

Các thương vụ lớn

Liên tiếp những ngày đầu tháng 6, thông tin về các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp với giá trị lớn liên tục được công bố. Điểm chung những đợt phát hành này là đều thuộc về những doanh nghiệp lớn, có cơ cấu tài sản và nguồn vốn lên đến hàng ngàn tỉ đồng.

Một thương vụ có giá trị lớn thuộc về Masan Consumer Holdings - một công ty con thuộc sở hữu toàn phần của tập đoàn Masan (MSN) với giá trị trái phiếu phát hành là 9.000 tỉ đồng (lớn nhất trong lịch sử phát hành trái phiếu doanh nghiệp từ trước tới nay). Theo thông tin được công bố thì trái phiếu này có kỳ hạn năm năm, các nhà đầu tư chính là Vietcombank (VCB) (5.400 tỉ đồng), Ngân hàng Quốc tế (VIB) (1.000 tỉ đồng), Ngân hàng BIDV (900 tỉ đồng). Tập đoàn MSN cho biết mục đích chính của đợt phát hành này là nhằm tối ưu hóa bảng cân đối kế toán, giảm chi phí lãi vay (có thể là MSN dự định dùng tiền từ đợt phát hành mới này để trả cho các khoản nợ vay trước đây có lãi suất cao).

Trước đó, báo chí cũng đưa tin Công ty Chứng khoán Kỹ thương (Techcom Securities) vừa thu xếp thành công đợt phát hành trái phiếu trị giá 2.000 tỉ đồng cho tập đoàn Vingroup. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không bảo đảm bằng tài sản, có kỳ hạn năm năm với lãi suất năm đầu là 11%. Đợt phát hành này bổ sung thêm số lượng vào các đợt vay nợ bằng trái phiếu của Vingroup từ trước tới nay. Tính đến ngày 31-3-2015, Vingroup có năm khoản vay trái phiếu trong nước và hai khoản vay trái phiếu quốc tế với tổng giá trị là hơn 17.000 tỉ đồng.

Đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp có giá trị lớn mới đây thuộc về Công ty cổ phần tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC). Ngày 11-6 vừa qua, VietinBank đã mua 1.000 tỉ đồng trái phiếu của MPC. Trái phiếu này có kỳ hạn năm năm, lãi suất cố định 7,5%/năm. Đợt phát hành này bổ sung thêm vào đợt phát hành trái phiếu lần 1 ngày 20-5 của MPC. Giá trị phát hành lúc đó là 1.500 tỉ đồng, người mua cũng là VietinBank.

Cơ cấu lại nợ và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh

Mục đích của các đợt phát hành trái phiếu ít khi được các doanh nghiệp đề cập một cách cụ thể. Nhưng tựu trung lại, các đợt phát hành thường có hai mục đích chính: cơ cấu lại các khoản nợ vay và huy động vốn mới để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Về mục tiêu cơ cấu lại nợ, môi trường lãi suất hiện nay (mặc dù bắt đầu tăng trở lại) vẫn được đánh giá là ở mức tương đối thuận lợi cho hoạt động “đảo nợ” của doanh nghiệp.

Về mục tiêu mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đây là điều cần thiết trong bối cảnh kinh tế hồi phục, đặc biệt là đối với các tập đoàn kinh tế lớn. Mảng M&A có thể là một trong những mảng hoạt động thúc đẩy các tập đoàn như MSN, Vingroup... tăng vốn. Hay như các công ty chứng khoán, điển hình là SSI cũng đã có những đợt phát hành trái phiếu lớn kể từ đầu năm đến nay (tổng giá trị lên đến 800 tỉ đồng) nhằm đa dạng hóa nguồn vốn huy động, cơ cấu lại nguồn vốn trung hạn, chuẩn bị cho việc kinh doanh các sản phẩm chứng khoán phái sinh trong tương lai khi hành lang pháp lý sẵn sàng.

Ngân hàng tìm được kênh rót vốn

Tín dụng đang chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng trong năm tháng đầu năm (tăng 4,8%, trong khi cùng kỳ năm 2014 tín dụng mới chỉ tăng 1,31%). Trái phiếu doanh nghiệp được tính vào tăng trưởng tín dụng nên các thương vụ lớn nói trên cũng là một trong những nguyên nhân góp phần khiến tín dụng của các ngân hàng tăng cao. Ưu điểm của việc rót vốn cho trái phiếu doanh nghiệp đối với các ngân hàng là có thể giải ngân một lượng vốn lớn trong khi chi phí thẩm định, quản lý các khoản vay sẽ được giảm thiểu đáng kể nếu so với việc cho vay nhiều món nhỏ. Tất nhiên lãi suất trái phiếu doanh nghiệp phần lớn đều không hấp dẫn bằng việc cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa hay cho vay cá nhân nhưng bù lại, “bán buôn” được một khoản tín dụng lớn cũng giúp tiết kiệm nhiều chi phí.

Mặc dù hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp được đánh giá có thể sẽ tiếp tục sôi động trong sáu tháng cuối năm nhưng nhìn chung, đây là một sân chơi khá hẹp, chỉ dành cho các doanh nghiệp là các tên tuổi lớn, có tài sản đảm bảo và phương án kinh doanh khả thi.

Theo TBKTSG