Nhiều doanh nghiệp niêm yết gọi vốn cho các dự án bất động sản "đẩy" việc phát hành TPDN xuống các công ty con. Ảnh minh họa: Thành Hoa.
|
Thị trường thiếu vắng “bàn tay” giám sát
Chưa bao giờ thị trường TPDN lại phát triển như thời điểm hiện tại. Báo cáo tổng quan về thị trường TPDN 8 tháng đầu năm của Công ty cổ phần chứng khoán SSI chỉ ra, trong tổng số 129.016 tỉ đồng chào bán, 90,08% số trái phiếu đã bán được và phát hành trên thị trường với nhiều thời hạn khác nhau. Quy mô thị trường TPDN hiện tại đã “rơi” vào khoảng 10,2% GDP.
Tuy các ngân hàng thương mại dẫn đầu thị trường về lượng phát hành (56.060 tỉ đồng) nhưng sự chú ý cũng dành cho 44 công ty bất động sản tiến hành nhiều đợt phát hành với tổng số 36.946 tỉ đồng (chiếm 31,5% tổng giá trị phát hành). Bởi trong số những đối tượng mua số trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành cũng có mặt rất nhiều ngân hàng thương mại.
Cho dù thống kê của SSI cho thấy chỉ có 20% số trái phiếu bất động sản được mua bởi các ngân hàng và gần 9% được mua bởi các công ty chứng khoán thì thực tế cuộc chơi trên thị trường chứng khoán chủ yếu nằm trong tay các tổ chức tài chính. Điều này cho thấy không loại trừ các doanh nghiệp phát hành trái phiếu để đảo nợ cho các ngân hàng, ngoài mục đích gọi vốn mới. Điều này chỉ có ngân hàng và các doanh nghiệp phát hành hiểu rõ.
Thứ hai là thống kê cho thấy 22.664 tỉ đồng (61%) được ghi là trái phiếu bán cho nhà đầu tư trong nước. Nhưng nhà đầu tư trong nước cụ thể là ai thì không doanh nghiệp nào công bố. Trong khi thị trường trái phiếu đến nay thực tế không bán được nhiều cho các cá nhân ít am hiểu thị trường, ngoại trừ các nhà đầu tư bất động sản cá nhân mua trái phiếu như hình thức nộp tiền sớm vào dự án bất động sản.
Doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu lãi suất cao hay 23% số chào bán nhưng không bán được... cộng với những mặt trái có thể xảy ra trong suốt đầu năm đến nay càng cho thấy thiếu vắng “bàn tay” giám sát của các cơ quan quản lý.
Quy định dễ nên “ồ ạt” phát hành
Nghị định 163/CP về phát hành TPDN là “chỗ dựa” để có một thị trường TPDN phát triển nhanh như hiện nay. Những băn khoăn chưa có lời giải ở trên xuất phát từ điều kiện phát hành quá “mở”. Quy định chỉ siết các công ty niêm yết chặt hơn về việc công bố thông tin, kết quả phát hành... còn nghị định thì rất thoáng với các công ty cổ phần (CTCP) hay công ty TNHH.
Ví dụ: chỉ cần là CTCP muốn phát hành trái phiếu, chỉ cần ra đời được một năm, nếu kết thúc năm tài chính 90 ngày mà chưa có báo cáo tài chính (BCTC) hoặc chưa kiểm toán BCTC thì chỉ cần sử dụng BCTC bán niên năm tài chính trước liền kề được kiểm toán là có quyền phát hành.
CTCP chỉ cần hội đồng quản trị phê duyệt phương án phát hành là được bán trái phiếu. Chỉ khi nào bán trái phiếu chuyển đổi kèm theo chứng quyền mới phải chờ đại hội cổ đông. Là công ty đại chúng thì phát hành trái phiếu kèm chứng quyền còn phải đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Công ty đại chúng phải chuẩn bị hồ sơ phát hành trái phiếu, thuyết minh mục đích, phương án sử dụng vốn chặt hơn. Sau đó còn báo cáo định kỳ 6 tháng, 1 năm về phương án giải ngân vốn...
CTCP, công ty TNHH MTV về lý thuyết cũng phải công bố như trên. Nhưng thực tế công bố thế nào thì “mạnh ai nấy làm”. Các doanh nghiệp hầu hết chỉ chuẩn bị phần hồ sơ chào bán, chứ không chú trọng đến phần sau.
Đây cũng là lý do nhiều doanh nghiệp niêm yết do phát hành TPDN đã quá nhiều, như trường hợp Novaland hay Sunshire Group nên “đẩy” các đợt phát hành xuống các công ty con chưa niêm yết để tránh công bố thông tin chi tiết.
Nghị định 163 cũng quy định việc công bố thông tin về phát hành TPDN được thực hiện trên trang web của doanh nghiệp phát hành và thông tin chuyên tranh về TPDN tại sở giao dịch chứng khoán theo quy định. Song như trên trang web của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, phần công bố thông tin trái phiếu dành cho các đợt phát hành trái phiếu Chính phủ. TPDN nằm trong phần tin tức/công bố thông tin, đôi dòng ngắn gọn công bố thông tin giao dịch trái phiếu của các doanh nghiệp niêm yết chứ không phải toàn bộ thông tin về thị trường TPDN.
Đã đến lúc phải siết lại việc phát hành TPDN bằng cách gắn việc phát hành với xếp hạng tín nhiệm bắt buộc đối với doanh nghiệp phát hành.
Trả lời trên báo điện tử Vneconomy mới đây, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, do việc xếp hạng tín nhiệm với doanh nghiệp phát hành hiện chưa phải quy định bắt buộc nên trên thị trường mới có một doanh nghiệp là CTCP Sài Gòn Phát Thịnh Rating đăng ký và đủ điều kiện làm dịch vụ này. Tuy nhiên, để siết hơn điều kiện phát hành, tránh rủi ro cho nhà đầu tư không chuyên nghiệp, Bộ Tài chính sẽ sửa lại Luật Chứng khoán yêu cầu các doanh nghiệp phát hành TPDN ra công chúng phải tiến hành xếp hạng tín nhiệm.
Đây mới chính là thước đo độ tin cậy của trái phiếu doanh nghiệp đến đâu, tránh tình trạng đua nhau phát hành giấy tờ có giá mà lại đẩy rủi ro hoàn toàn về phía người mua.
Theo TBKTSG
Link: https://www.thesaigontimes.vn/td/293792/trai-phieu-doanh-nghiep-da-den-luc-bat-buoc-xep-hang-tin-nhiem.html