Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, CTCP Phát triển Du lịch Vinasia (Vinasia) đã thanh toán 146,55 tỷ đồng tiền lãi trái phiếu. Danh sách trái chủ không được tiết lộ.
Tuy nhiên, bản công bố thông tin cho thấy, lô trái phiếu có giá trị 4.000 tỷ đồng được phát hành vào ngày 31/10/2018, kỳ hạn 14 tháng, mã trái phiếu được ký hiệu là “NHA122019”. CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) là tổ chức lưu ký.
Sau đợt phát hành 6 tháng, Vinasia đã tham gia góp vốn để thành lập nên CTCP Phát triển thương mại và dịch vụ Vinasia (nay đổi tên thành CTCP Hàng không Vinpearl Air) có quy mô lên tới 1.300 tỷ đồng. Trong đó Vinasia đăng ký góp vốn 585 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ sở hữu 45% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại - tương đương với 55% vốn điều lệ - do 2 nhà đầu tư cá nhân sở hữu là ông Hoàng Quốc Huy và Phạm Khắc Phương.
Theo tìm hiểu của VietTimes, Vinasia được thành lập vào tháng 6/2017 với tên gọi là CTCP Phát triển Du lịch Nam Hà, đăng ký hoạt động kinh doanh bất động sản. Công ty đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại số 41A Lý Thái Tổ, Phường Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Quy mô vốn điều lệ ban đầu là 300 tỷ đồng, với sự tham gia góp vốn của 3 nhà đầu tư cá nhân, bao gồm: ông Bùi Vinh Quang, bà Nguyễn Thị Oanh và ông Nguyễn Khắc Đạt với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 45%, 25% và 30%. Trong đó, bà Nguyễn Thị Oanh (sinh năm 1962) là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.
Tới tháng 4/2019, CTCP Phát triển Du lịch Nam Hà đã thực hiện đổi tên thành CTCP Phát triển Du lịch Vinasia và nâng quy mô vốn điều lệ lên mức 1.300 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu của 3 cá nhân kể trên vẫn không thay đổi.
Được biết, ông Nguyễn Khắc Đạt còn là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Phát triển Nhà Sinh Thái - công ty con do Tập đoàn Vingroup (Mã CK: VIC) nắm giữ 100% tỷ lệ biểu quyết.
Nội dung công bố thông tin của CTCP Phát triển Du lịch Vinasia
|
Trước đó, những thông tin về pháp nhân Vinpearl Air đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là “vận tải hành khách hàng không” đã làm dấy lên đồn đoán về việc VIC gia nhập lĩnh vực hàng không. Tuy nhiên, phải tới khi công bố Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ Quý 2/2019, VIC mới chính thức thừa nhận là chủ sở hữu của pháp nhân này với việc ghi nhận đang nắm giữ 80% tỷ lệ biểu quyết và 51,65% tỷ lệ lợi ích tại Vinpearl Air.
Nhiều khả năng CTCP Vinpearl đã nắm giữ 80% cổ phần của Vinpearl Air. Do Vingroup đang nắm giữ 64,56% tỷ lệ lợi ích tại Vinpearl nên Vingroup gián tiếp nắm giữ 51,65% tỷ lệ lợi ích tại Vinpearl Air.
Tập đoàn Vingroup đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn CEA (Canada) để thực hiện đào tạo phi công, kỹ thuật bay và các nhân sự khác trong lĩnh vực hàng không. Ngày 16/08/2019 vừa qua, Trường Đào tạo nhân lực kĩ thuật cao ngành Hàng không của Tập đoàn Vingroup công bố chính thức tuyển sinh khóa 1 với số lượng dự kiến 400 học viên phi công.
Ngoài ra, truyền thông trong nước cũng đưa tin cho biết Cục Hàng không Việt Nam (CAAV) đã có công văn gửi tới Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) góp ý kiến đối với Dự án thành lập Hãng hàng không Vinpearl Air.
Trong đó, Vinpearl Air đăng ký đầu tư dự án theo mô hình hỗn hợp kết hợp giữa hãng hàng không truyền thống và chi phí thấp với tổng vốn đầu tư 4.700 tỷ đồng. Hãng hàng không này sẽ đặt căn cứ tại sân bay Nội Bài và dự kiến bắt đầu khai thác thương mại vào tháng 7/2020 với đội máy bay gồm 6 chiếc. Quy mô đội bay sẽ được nâng lên 30 máy bay vào năm 2025.
Về công tác nhân sự, Vinpearl Air mới đây đã bổ nhiệm nguyên Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines - ông Phan Xuân Đức - làm Tổng giám đốc. Ông Đức là phi công kỳ cựu, có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không./.