TP.HCM: Triển khai nâng cấp dịch vụ y tế công trực tuyến

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngành y TP.HCM đang quyết liệt thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cấp các dịch vụ công trực tuyến để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh. 
Triển khai nhiều hoạt động tạo thuận lợi hơn cho người dân trong sử dụng các dịch vụ hành chính công trực tuyến cấp độ 3 và 4 (Ảnh chụp màn hình)
Triển khai nhiều hoạt động tạo thuận lợi hơn cho người dân trong sử dụng các dịch vụ hành chính công trực tuyến cấp độ 3 và 4 (Ảnh chụp màn hình)

Tích hợp tiện ích thông minh

Nhằm tạo thuận lợi hơn cho người dân trong sử dụng các dịch vụ hành chính công trực tuyến cấp độ 3 và 4, Sở Y tế TP.HCM vừa chính thức triển khai hoạt động tư vấn, hướng dẫn sử dụng dịch vụ hành chính công qua tổng đài số 1900 63 85 63.

Tổng đài này có chức năng số hóa, tích hợp thêm các tiện ích thông minh để thay thế cho các số điện thoại di động, điện thoại bàn đang tạm sử dụng trước đây trong giải đáp thắc mắc về dịch vụ công của người dân. Các thắc mắc thường gặp như: hồ sơ tiếp nhận, thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề Y, cấp chứng chỉ hành nghề Dược, cấp giấy phép hoạt động nhà thuốc, phòng khám đa khoa, chuyên khoa...

Khi gặp khó khăn trong đăng ký các dịch vụ công trực tuyến cần được hướng dẫn, người dân gọi điện thoại đến tổng đài 1900 63 85 63 để được nghe chuyên viên của các phòng chức năng Sở Y tế hướng dẫn cụ thể về các thủ tục hành chính công cần thực hiện.

Bắt buộc thực hiện kê đơn thuốc điện tử

Theo ý kiến từ chuyên gia của Bộ Y tế, mặc dù việc kê đơn thuốc điện tử được cho là mang lại nhiều lợi ích cho cả bệnh viện và người bệnh, đặc biệt là trong kiểm soát chất lượng và giá trị đơn thuốc nhưng lộ trình thực hiện bắt buộc kê đơn thuốc điện tử trước đó đã bị nhiều cơ sở y tế chậm trễ thực hiện, cho nên buộc phải lùi thời hạn triển khai.

Mới đây, Bộ Y tế vừa có thông tư sửa đổi hướng dẫn việc kê đơn thuốc điện tử. Theo đó, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện kê đơn thuốc điện tử theo lộ trình: Bệnh viện từ hạng 3 trở lên (bao gồm cơ sở y tế tuyến quận huyện, tỉnh thành, bệnh viện hạng 1 và đặc biệt, một số cơ sở y tế tư nhân) hoàn thành trước ngày 31/12/2022.

Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác, Bộ Y tế yêu cầu hoàn thành thực hiện kê đơn điện tử trước ngày 30/6/2023.

Nhận chỉ đạo từ Bộ Y tế, ngành y TP.HCM cũng đang quyết liệt thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cấp các dịch vụ công trực tuyến để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh.

Cơ sở KCB BHYT bắt đầu triển khai sử dụng thẻ CCCD gắn chip thay thẻ BHYT để KCB
Cơ sở KCB BHYT bắt đầu triển khai sử dụng thẻ CCCD gắn chip thay thẻ BHYT để KCB

CCCD gắn chip thay thẻ bảo hiểm y tế gặp vướng mắc gì?

Sau một thời gian tích hợp thẻ Bảo hiểm Y tế (BHYT) lên căn cước công dân (CCCD) có gắn chip, các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM cũng đã bắt đầu triển khai rộng rãi như tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện quận 11... để tạo thuận lợi cho người dân khi khám chữa bệnh, cải cách hành chính theo hướng hiện đại hoá.

Được biết trước đây, khi đi khám bệnh người bệnh luôn phải mang theo thẻ BHYT, sổ khám bệnh và xuất trình CMND để bệnh viện kiểm tra lại thông tin và nhận diện ảnh. Trong đó, có nhiều bệnh nhân quên thẻ BHYT và phải quay về lấy, nhưng bây giờ chỉ cần đưa CCCD có gắn chíp cho nhân viên y tế là nhanh chóng được khám bệnh.

Tuy nhiên, việc khám, chữa bệnh bằng CCCD gắn chip chưa thật sự thông suốt, cần phải sớm được tháo gỡ để đem lại hiệu quả như kỳ vọng.

Vẫn còn tình trạng bệnh nhân xuất trình CCCD gắn chip nhưng quét mã QR Code không được, vì BHXH Việt Nam mới đồng bộ số người có thẻ BHYT có CCCD được khoảng 35 - 40 triệu người và đang tiếp tục đồng bộ nên số người có CCCD gắn chip chưa được đồng bộ vẫn phải khám bằng thẻ BHYT hoặc tiện ích trên ứng dụng VSSID. Do đó, giai đoạn đầu, người dân vẫn cần mang thẻ BHYT hoặc CCCD trong thời gian chờ đồng bộ tất cả.

Ngoài ra, thông tin từ một số bệnh viện đã triển khai thí điểm cho hay, BV đã gặp phải tình huống một số người bệnh khám bệnh xong và không quay lại đóng tiền đồng chi trả BHYT. Vì lý do trước đây, khi bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT, BV sẽ giữ lại thẻ BHYT và trả lại cho bệnh nhân cùng với thời gian cấp thuốc. Nhưng kể từ khi thực hiện quét mã QR Code qua CCCD, BV không có quyền giữ lại thẻ nên có một số trường hợp khám bệnh thấy kết quả kiểm tra cận lâm sàng, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh không có bệnh lý gì nên quay về nhà luôn và không quay lại đóng khoản tiền đồng chi trả với BHYT nên thành ra bệnh viện bị mất khoản này.