TP.HCM sắp triển khai 8 dự án giao thông trọng điểm nhằm tháo gỡ nhiều vấn đề

VietTimes – Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (QLDA) về tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án giao thông trọng điểm vừa cho biết sẽ trình HĐND TP.HCM xem xét, triển khai xây dựng 8 dự án giao thông trọng điểm tại thành phố này.
Triển khai 8 dự án giao thông trọng điểm giải quyết vấn đề giao thông ở TP.HCM. Ảnh: Tuổi Trẻ
Triển khai 8 dự án giao thông trọng điểm giải quyết vấn đề giao thông ở TP.HCM. Ảnh: Tuổi Trẻ

Thông tin từ tờ Tuổi Trẻ Online, ngày 4/6, tại tại buổi giám sát của HĐND TP.HCM ở Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố (QLDA) về tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án giao thông trọng điểm, ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban QLDA, cho biết sắp tới sẽ trình 8 dự án giao thông quan trọng để HĐND TP.HCM xem xét thông qua chủ trương đầu tư công trong kỳ họp giữa năm.

Các dự án sẽ được trình gồm: Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài dài 55km quy mô 4-6 làn xe, Cầu đường Nguyễn Khoái (quận: 4, 1, 7), Nút giao An Phú (quận 2), Mở rộng quốc lộ 50, Nâng cấp quốc lộ 22, Xây hai cầu trên đường N2 và N4 nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), Hai dự án khép kín đường vành đai 2 gồm đoạn từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội (quận 9 và Thủ Đức) và đoạn từ nút giao Bình Thái đến Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức).

Ông Phúc cho biết tại thời điểm này có 75 dự án đang thi công, trong đó có 43 dự án đang bị ảnh hưởng mặt bằng ( có đến 8 dự án dừng thi công hai năm qua do vướng mặt bằng).

Theo tờ PLO, ông Phúc cho hay trong năm 2020, Ban QLDA đã xây dựng chỉ tiêu kế hoạch thực hiện đối với các dự án trọng điểm bao gồm hoàn tất thủ tục trình phê duyệt, điều chỉnh dự án là 18 dự án đầu tư; hoàn tất các thủ tục khởi công 31 gói thầu, dự án; thi công 59 dự án, trong đó, phấn đấu hoàn thành 32 dự án.

Dự án triển khai còn chậm trễ phải kể đến là xây dựng đoạn tuyến kết nối từ cầu Phú Hữu trên đường Vành đai phía Đông đến Xa lộ Hà Nội (bao gồm nút giao thông Bình Thái) quận 9 và Thủ Đức và Dự án xây dựng đoạn kết nối từ nút giao thông Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng.

Theo ông Phúc, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là vướng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), công tác di dời công trình tiện ích, phối hợp chưa tốt giữa các cơ quan, đơn vị và sự chậm trễ do chủ đầu tư.

Họp giám sát của HĐND TP.HCM ở Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (QLDA). Ảnh: PLO
Họp giám sát của HĐND TP.HCM ở Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (QLDA). Ảnh: PLO

Để đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông, ông Phúc kiến nghị HĐND TP.HCM xem xét và có ý kiến chỉ đạo các cơ quan, đơn vị cùng thống nhất và thực hiện nội dung sự “phù hợp quy hoạch” trong quá trình lập, thẩm định và quyết định chủ trương đầu tư công các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, HĐND TP hỗ trợ, ưu tiên đảm bảo nguồn vốn để thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trong giai đoạn 2021 - 2025 để góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông thành phố.

Ông Cao Thanh Bình - Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM, cho biết cần giải pháp bồi thường giải phóng mặt bằng tổng thể, không nên để một hộ dân phải chịu cảnh giải tỏa mặt bằng nhiều lần cho nhiều dự án khác nhau.

Theo bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TP.HCM, qua khảo sát thực địa cho thấy tình trạng đề ra nhiều công trình, dự án và tập trung khởi công nhưng hiệu quả từng dự án, công trình chưa được đánh giá.

Do đó, bà Lệ yêu cầu sắp từng dự án, công trình phải đánh giá được hiệu quả và đối tượng thụ hưởng, thời gian hoàn tất. Chủ tịch HĐND TP.HCM đề nghị Ban QLDA chủ động phối hợp các quận, huyện để tháo gỡ vướng mắc về công tác bồi thường GPMB, nếu vướng mắc vượt thẩm quyền báo cáo UBND TP.HCM tháo gỡ.