TP.HCM: Chưa ghi nhận ca nhiễm COVID-19 khi học sinh đến trường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – TP.HCM chưa ghi nhận ca nhiễm COVID-19 trong những ngày đầu tiên học sinh quay lại trường học.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng khẳng định chưa có ca nhiễm trong học sinh đến trường. Ảnh: Phạm Nguyễn
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng khẳng định chưa có ca nhiễm trong học sinh đến trường. Ảnh: Phạm Nguyễn

Một trong những nội dung được dư luận quan tâm liên quan đến ngày đầu tiên học sinh lớp 9 và lớp 12 trên địa bàn TP.HCM trở lại trường học có phát sinh ca nhiễm COVID-19 hay không? Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Dương Trí Dũng thông tin, ngày 13/12, TP.HCM đã triển khai cho các em lớp 9, lớp 12 đến trường học trực tiếp (trừ huyện Củ Chi).

Thống kê cho thấy, tại các trường THCS, THPT, số học sinh lớp 9 đi học trở lại chiếm 90,69% (trên tổng số 80.927 học sinh), lớp 12 đạt 93,65% (trên tổng số 60.566 học sinh). Đối với Trung tâm Giáo dục Thường xuyên, tỷ lệ học sinh lớp 9 đến trường là 73,6%, lớp 12 chiếm 91,17%.

Về phương án ứng phó khi xuất hiện F0 trong trường học, ông Dương Trí Dũng cho hay, từ hướng dẫn của ngành Giáo dục và ngành Y tế, các đơn vị đã xây dựng các phương án xử lý theo từng tình huống cụ thể, trong đó có việc tầm soát F0 và F1. Hiện tại, Sở GD&ĐT đã có văn bản gửi UBND TP.HCM, đề nghị cấp các bộ xét nghiệm nhanh cho y tế quận, huyện để hỗ trợ xét nghiệm đối với F1 tại trường học.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, 5 đoàn kiểm tra thuộc ngành Giáo dục và Y tế đã đến đánh giá công tác phòng chống dịch tại các trường học trên địa bàn quận 3, quận 4, quận 5, quận 10 và quận Gò Vấp. Đồng thời, các phòng chuyên môn của Sở cũng tổ chức đoàn kiểm tra an toàn phòng chống dịch COVID-19 ở các địa phương còn lại. Kết quả kiểm tra cho thấy, công tác tổ chức học trực tiếp được các trường thực hiện an toàn, nghiêm túc, theo phương án đã được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương phê duyệt trước đó.

“Đến thời điểm này, TPHCM chưa phát hiện ca nhiễm COVID-19 ghi nhận tại đơn vị trường học”, ông Dũng nói.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng cung cấp thông tin tới báo chí. Ảnh: Linh Nhi
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng cung cấp thông tin tới báo chí. Ảnh: Linh Nhi

Đối với kế hoạch huy động nhà thuốc tư nhân tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19, Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, TP.HCM hiện có hơn 6.500 nhà thuốc, thường phân bố tại các khu vực đông dân cư như gần chợ, khu công nghiệp.... Việc kêu gọi và huy động mạng lưới các nhà thuốc tư nhân có ý nghĩa thiết thực và cần thiết để tăng thêm nguồn lực trong giai đoạn hiện nay.

Vì vậy, ngày 13/12/2021, Sở Y tế đã có công văn số 9297/SYT-NVD gửi hệ thống các nhà thuốc tư nhân trên địa bàn TP. Theo đó, Sở Y tế đề nghị các nhà thuốc trên địa bàn TP sẵn sàng tham gia các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thể, cung ứng đầy đủ và đúng theo quy định các vật dụng và thuốc cần thiết cho công tác chăm sóc sức khỏe người mắc COVID-19 tại nhà; Đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp kèm theo thông tin về thuốc, tư vấn và theo dõi cho người sử dụng.

Đồng thời, mỗi nhà thuốc phải là một điểm truyền thông, tư vấn và hướng dẫn chăm sóc sức khoẻ tại nhà cho người F0. Khi phát hiện người bệnh có các triệu chứng như: sốt, ho, khó thở... nhà thuốc hướng dẫn người bệnh khai báo y tế điện tử và liên hệ với y tế gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn.

Bên cạnh đó, nhà thuốc sẽ là cầu nối giữa người F0 với các trạm y tế, trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc COVID-19 tại cộng đồng. Tùy theo nhu cầu thực tế tại từng địa phương, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch quận - huyện, TP Thủ Đức lựa chọn các nhà thuốc để cùng tham gia quản lý và cấp phát thuốc điều trị F0 tại nhà.

Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai. Ảnh: Linh Nhi
Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai. Ảnh: Linh Nhi

“Việc huy động các nhà thuốc tư nhân tham gia công tác chăm sóc F0 tại nhà, xuất phát từ thực tiễn nhu cầu người dân về việc chăm sóc sức khỏe. Cạnh đó, tại thời điểm này, TP đẩy mạnh chiến dịch chăm sóc sức khỏe đối tượng thuộc nhóm nguy cơ nên cần rất nhiều nguồn lực… Sự tham gia của các nhà thuốc tư nhân hoàn toàn dựa trên sự đồng thuận và tự nguyện.” - Chánh Văn phòng Sở Y tế thông tin thêm.

Trao đổi với báo chí về vấn đề xử lý rác thải y tế của F0 tại nhà, Chánh Văn phòng Sở Y tế cũng cho hay, Sở đã ban hành văn bản số 9029 ngày 3/12/2021 về tăng cường quản lý chất thải của F0 tại nhà. Theo tinh thần văn bản này, các đơn vị y tế cơ sở và UBND quận - huyện, phường - xã - thị trấn phải nắm chắc số lượng F0 trên địa bàn; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường để có phương án xử lý chất thải y tế; Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP và các Trạm y tế địa phương hướng dẫn F0 tại nhà phân loại, xử lý chất thải y tế đảm bảo an toàn, đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.