Từ khi được mở bán vào giữa tháng 11 năm ngoái PS5 chưa bao giờ hết hot ở Việt Nam. Giới trẻ luôn mong muốn để sở hữu một bộ máy PS5 sớm nhất có thể nhưng đâu sẽ là những trò chơi bạn nên chơi trên chiếc máy tuyệt vời này.
1. Ghost of Tsushima
Giá: 39,99 USD
Ảnh: IGN |
Được phát triển bởi Sucker Punch và ra mắt độc quyền trên hệ máy Play Station 4 của Sony, Ghost of Tsushima nghiễm nhiên là một trong những siêu phẩm được mong chờ nhất trong năm 2020. Không phụ lòng những game thủ đang chờ đợi Ghost of Tsushima, ngay ngày ra mắt tựa game đã được nhận về không ít đánh giá cao ngất từ những trang game nổi tiếng của thế giới.
Ghost of Tsushima lấy bối cảnh Nhật Bản thế kỷ 13 vào năm 1274. Trong lịch sử thế giới, đây là thời điểm quân Mông Cổ mở đợt tấn công đầu tiên vào đất nước mặt trời mọc, chiếm lấy lấy đảo Tsushima làm vị trí chiến lược mở đường thôn tính toàn bộ nước Nhật. Tuy nhiên, nhà phát triển chỉ mượn bối cảnh và các sự kiện lịch sử làm cảm hứng sáng tạo, còn lại nội dung đều mang tính hư cấu. Tướng Mông Cổ thậm chí còn được mô tả là cháu của Thành Cát Tư Hãn. Người chơi nhập vai Sakai Jin, vị samurai duy nhất sống sót sau cuộc chiến nói trên khi đồng đội đều hy sinh còn chủ tướng phe ta bị quân Mông bắt.
Ban đầu, mục tiêu của nhân vật chính chỉ là giải cứu người chú của mình nhưng tình thế xoay chuyển liên tục, cuốn người chơi vào cuộc chiến của nhân vật chính ở cả khía cạnh đánh đuổi giặc ngoại xâm và tư tưởng.
Đồ họa của tựa game cũng được người chơi đánh giá cao không kém khi bạn dường như đã được đắm mình vào Nhật Bản ở thế kỉ 13 qua những khung cảnh đẹp, chân thực đến choáng ngợp. Ngay cả những đoạn hội thoại cũng được Sucker Punch thiết kế một cách đậm chất nghệ thuật và có chủ ý.
Một điểm mạnh nữa của Ghost of Tsushima là hệ thống chiến đấu. Người chơi sẽ được học những môn võ, kiếm pháp khác nhau để đối đầu với kẻ thù. Bạn phải luôn cố gắng luân chuyển liên tục để tấn công và phòng thủ trước những đợt tấn công của kẻ địch. Đặc biệt, người chơi cũng phải cố gắng di chuyển thông minh để tránh bị bao vây. Ở những màn đối đầu một chọi một với Boss, bạn phải luôn cố gắng tìm được điểm yếu của chúng rồi từ đó tận dụng nó để kết liễu kẻ thù. Lối chơi của Ghost of Tsushima tuy không có gì khá mới mẻ những nó được kết hợp với độ họa đỉnh cao khiến những màn chặt chém trở nên đã mắt hơn bao giờ hết.
Dẫu vậy tựa game vẫn vướng phải một số ít điểm trừ. Trước hết là về hệ thống vũ khí không quá đa dạng khi chủ yếu nhân vật vẫn chỉ dùng thanh katana của mình để chiến đấu với kẻ thù. Những con Boos chưa đủ thách thức và có phần dễ dàng khiến người chơi cảm thấy không có quá nhiều thử thách thực sự trong tựa game. Ghost of Tsushima không khóa mục tiêu nên góc nhìn hơi tệ khi chiến đấu trong phạm vi hẹp. Nhìn chung, với một thế giới mở chân thực, cốt chuyện sâu sắc, kết hợp với hình ảnh độc đáo, Ghost of Tsushima sẽ đem đến cho bạn những khoảng thời gian giải trí một cách thoải mái nhất.
2. God of war
Giá: 14,99 USD
Ảnh: IGN |
Đã nhiều năm kể từ khi cuộc chiến tranh với các vị thần Hy Lạp kết thúc, nhân vật chính của dòng game – Kratos nay đã có nơi ở mới tại vùng đất Scandinavia cổ xưa cùng người con trai Atreus, trên đường đi hoàn thành di nguyện cuối cùng của người vợ đã khuất: mong muốn tro bụi của mình được rải khắp mọi nơi từ trên đỉnh cao nhất của chín thế giới.
Thông điệp của trò chơi không còn mang nặng tính chất trả thù, chiến tranh như các phiên bản trước đó mà đề cao về cuộc phiêu lưu đầy tình cảm cha con giữa Kratos và Atreus, các nốt thăng trầm trong mối quan hệ này được studio Santa Monica thể hiện một cách gần gũi, mang đầy tính nhân văn. Nhà làm game đã rất thành công trong việc biến một vị thần chiến tranh hung bạo nỏng nảy trở thành một người đàn ông chững chạc, trầm tính. Giống như những người cha khác ông không nói những lời lẽ yêu thương tới người con Atreus mà Kratos thể hiện tình yêu thương bằng sự khuyên bảo cứng nhắc, ngăn cấm và hành động. Dẫu khô khan như vậy nhưng sau khi vượt qua hàng loạt khó khăn, thử thách thì tình cha con đã trở nên gắn bó hơn bao giờ hết.
Ngoài một cốt chuyện đầy tính nhân văn của God of war thì gameplay cũng là một điểm mạnh không thể không nhắc đến trong tựa game này. Phong cách chiến đấu của trò chơi sẽ không còn giữ tốc độ nhanh chóng, đầy điên loạn như các phiên bản trước đó, thay vào là sự tính toán kết hợp giữa việc sử dụng vũ khí mới của Kratos: cây rìu Leviathan và một chiếc khiên để phòng thủ sao cho hiệu quả nhất. Việc chiến đấu và quan sát đối thủ nay cũng đã trở nên khó hơn do góc nhìn camera đặt sát ngang vai thay vì toàn cảnh như trước, cộng với việc lũ quái vật không ngừng tìm kiếm mọi cơ hội để có thể tấn công bạn từ đằng sau, trên đầu và ở hai phía, các trận chiến trong God of War nay đã trở nên khó khăn hơn bội phần.
Tuy vậy, trước khi vào game bạn vẫn có thể tùy chỉnh với bốn mức độ khó khác nhau phù hợp với khả năng của game thủ. Cơ chế tiếp cận kẻ thù nay cũng cần nhiều sự tính toán hơn khi bạn không còn có thể cứ lao thẳng vào như các tựa game tiền nhiệm. Đối với chủng loại Revenant, các đòn đánh bình thường của Kratos sẽ không thể nào chạm vào được thân thể của chúng, bạn cần kết hợp giữa sự hỗ trợ từ những mũi tên đến từ Atreus mới có thể phá bỏ lớp bảo vệ bên ngoài và từ đó tung ra các chiêu thức để có thể kết liễu được chúng. Đối với những con sói chúng luôn cố gắng để bao vây bạn vì vậy game thủ luôn phải quan sát mọi hướng để đưa ra phương án tác chiến hoàn hảo nhất. Đối với các con Boos tại tựa game này bạn phải luôn cố gắng để tìm ra điểm yếu của chúng để tấn công mà không bị phản đòn. Tóm lại tựa game này giờ đây đòi hỏi người chơi tính chiến thuật cao hơn những tác phẩm đi trước, nó tạo cho game thủ cảm giác hưng phấn và thích thú khỉ trải nghiệm God of War.
Không chỉ vậy các yếu tố nhập vai cũng đã được thêm thắt vào trò chơi như các chỉ số sức mạnh (Strength), phòng thủ (Defense), sát thương phép (Runic), máu và sức chịu đựng (Vitality), May mắn và Thời gian hồi phục (Luck và Cooldown), các chỉ số này sẽ có được chủ yếu từ vũ khí, áo giáp, các bùa chú, cán rìu... có được trong cuộc hành trình của người chơi. Việc thu thập cổ vật, hoàn thành bản đồ, các nhiệm vụ phụ như đã nêu trên sẽ đem lại cho bạn một số lượng điểm kinh nghiệm, đơn vị tiền tệ Hacksilver nhất định. Điểm kinh nghiệm sẽ giúp bạn nâng cấp được uy lực của những combo hoặc mở khóa thêm được hàng loạt bộ kĩ năng của Kratos.
Nhìn chung, đây là một tựa game khá hoàn hảo về mọi mặt từ âm thanh, màu sắc, hình ảnh, cốt chuyện cho đến lối chơi. Hầu hết các game thủ đều đưa ra đánh giá rất cao cho tựa game này vì vậy God of War hẳn là rất xứng đáng để bạn trải nghiệm.
3. Sackboy: A Big Adventure
Giá: 59,88 USD
Ảnh: IGN |
Sau một thời gian dài im hơi lặng tiếng, Sony mới đây đã cho ra mắt một tựa game mới nhưng cũng rất quen thuộc với làng game, đó chính là “Sack Boy: A Big Adventure”. Trò chơi mang đến một cuộc phiêu lưu đầy màu sắc cho nhân vật chính Sackboy. Nếu bạn là người chơi PlayStation lâu năm, chắc có lẽ bạn sẽ cảm thấy rất quen thuộc với cái tên LittleBigPlanet - tựa game đã phần nào làm nên tên tuổi cho hệ máy PlayStation cùng với nhân vật Sackboy cực kỳ đáng yêu. Lần này Sackboy: A Big Adventure đã đươc tao nên dựa trên chính LittleBigPlanet. Đây là tựa game phiêu lưu đi cảnh rất dễ thương được phát triển bởi Sumo Digital. Dường như đây nhà sản xuất không muốn chúng ta phải căng não khi chơi game vì Sackboy: A Big Adventure có cốt truyện rất dễ hiểu và dễ đoán, không hề có cú ngoặt khó hiểu hay ẩn dụ gì cả.
Khi trò chơi bắt đầu, chúng ta sẽ được đưa đến một ngôi làng yên bình mang tên Craftworld. Một ngày nọ, Chúa tể Vex đến và làm sạch toàn bộ cư dân của Craftworld bằng một chiếc máy hút bụi công suất lớn. Với tình thế ngàn cân treo sợi tóc, may mắn thay, Sackboy kịp chạy thoát và quyết định chống lại kế hoạch xấu xa của hắn, đồng thời nhảy lên một quả tên lửa để tẩu thoát. Dưới sự hướng dẫn của Sackgirl Scarlet cũ, với tư cách là một Sackboy, bạn sẽ nhận trách nhiệm giải cứu dân làng bằng cách thu thập Orb Dreamer và đánh bại Vex.
Khi bắt đầu chơi một tựa game nào đó, đồ họa sẽ là yếu tố và là cái nhìn đầu tiên mà người chơi quan tâm ở một tựa game. Sackboy: A Big Adventure sở hữu nét đồ hoạ khá là đáng yêu, mặc dù đây đã là đồ hoạ 3D rồi, nhưng nó lại không siêu thực như những bộ phim hoạt hình 3D vậy. Ngay cả các NPC trong game cũng được phác hoạ rất đáng yêu chứ không chỉ riêng gì nhân vật chính. Trong các màn chơi, sẽ luôn có những nhân vật được phác thảo giống như những chiếc hộp các tông, tuy được tạo ra với thiết kế giống nhau nhưng chúng cũng khiến màn hình của chúng ta trở nên sinh động hơn. Tuy là nhiều mảng màu, nhưng sẽ không làm bạn thấy khó chịu vì sự hài hoà mà bản thân tựa game mang lại.
Mọi thứ trong Sackboy: A Big Adventure giống như là một phần riêng biệt dành cho PS5. Những màn chơi đầu tiên có vẻ nhàm chán nhưng sau đó, các màn chơi tiếp theo có thiết kế phức tạp hơn, được mở rộng hơn, chia thành nhiều khu vực, đòi hỏi kỹ năng và phản ứng nhạy bén của người chơi. Mỗi màn chơi này đều sở hữu những thách thức mới để giữ cho trải nghiệm luôn mới mẻ, chẳng hạn như khi Sackboy sử dụng boomerang hoặc "giày bay". Game cũng có thể chơi ở chế độ co-op hỗ trợ lên đến 4 tay cầm, giúp bạn và cả gia đình có thể quây quần và cùng giải trí bên nhau, mỗi người điều khiển Sackboy nhưng với trang phục khác nhau. Đáng chú ý, người chơi có thể mở khóa các trang phục bằng những cái chuông - tiền ảo trong game nhận được sau mỗi màn chơi, hay những mảnh trang phục trong mỗi màn sẽ là phần thưởng cho người chịu đi khám phá cặn kẽ từng màn chơi. Khá may khi Sumo Digital quyết định không hút máu người chơi nên tất cả đồ trang phục đều phải chơi mới mở khóa được, không phải bỏ tiền ra mua. Đội ngũ phát triển đã xây dựng và tận dụng tài tình các tính năng của tay cầm mới DualSense trên PS5 tạo cảm giác khá hào hứng trong việc trải nghiệm game, từ tương tác trong menu đến các vật thể trong trò chơi rất khác biệt.
Dịch tổng hợp: IGN, Tomsguide, Gamesradar, Tech Radar, Engadget, Whasington Post, The Verge.