Trang tin Đa Chiều cho biết, hôm 14/8 khi phát biểu tại một diễn đàn về thương mại tổ chức trong Phủ Tổng thống, ông Duterte đã nói: “Trung Quốc bồi đắp các đảo nhân tạo trên Biển Đông rồi tuyên bố chủ quyền là sai trái, tôi không muốn tranh cãi với họ về điều này. Anh không thể tạo ra một hòn đảo, sau đó nói vùng trời phía trên là của anh. Đó là điều sai trái, vì vùng nước đó là hải phận quốc tế, quyền đi qua vô hại của tàu thuyền các nước được bảo đảm”. Ông Duterte còn nói thêm: “Việc xem xét lại cuộc tranh chấp Biển Đông là rất quan trọng đối với Trung Quốc”.
CNN cho biết, ông Duterte còn phát biểu hành vi của Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông khiến khu vực này tồn tại nguy cơ xảy ra xung đột và bày tỏ lo ngại: “Sớm muộn nơi này cũng là một điểm bùng nổ, khi một viên chỉ huy đầu óc nóng nảy nào đó có thể sẽ nhấn cò súng”. Hãng tin AP nhận xét, đây là lần công khai phê phán Trung Quốc hiếm thấy của ông Duterte kể từ khi ông xa rời liên minh với Mỹ để quay sang thân thiện với Bắc Kinh.
Tờ Sydney Morning Herald của Australia đưa tin, ông Duterte đã phát biểu như trên trước Đại sứ Mỹ và đông đảo khách nước ngoài. Đây là lần ông công khai phê phán Trung Quốc hiếm có. Trước đây, để có được mối quan hệ thân mật, ông đã từ chối coi Bắc Kinh là kẻ địch; nhưng nay ông đã công khai nói Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với vùng nước xung quanh và vùng trời phía trên các đảo nhân tạo đều là sai trái; rằng Bắc Kinh không nên yêu cầu (tàu thuyền, máy bay) các nước rời đi để tránh xảy ra xung đột.
Tin cho biết, trước đó Trung Quốc đã thông qua làn sóng điện cảnh cáo các tàu thuyền và máy bay của Philippines tránh xa các đảo nhân tạo (mà họ tôn tạo phi pháp), số lần ngày càng nhiều, Philippines bày tỏ quan ngại về điều này. Sydney Morning Herald cho rằng, điều đáng chú ý là những lời lẽ phê phán Trung Quốc của ông Duterte diễn ra ngay trước chuyến thăm tới Philippines của ông Tập Cận Bình sẽ diễn ra vào cuối năm nay.
Trung Quốc đã ngang nhiên biến các hòn đảo nhân tạo mà họ bồi đắp trái phép ở Trường Sa thành các căn cứ quân sự tiền tiêu
|
Kết quả thăm dò dân ý mới đây cho thấy, uy tín cá nhân của ông Duterte đang trượt dốc do dân chúng Philippines lo ngại việc ông mềm yếu trước Trung Quốc sẽ dẫn đến việc đánh mất chủ quyền quốc gia. Mặt khác, tuy nhiều lần ông Duterte đề cao sự viện trợ về tài chính của Trung Quốc và đó cũng là nguyên nhân cốt lõi khiến ông xa rời Mỹ và các nước châu Âu, nhưng phần lớn sự cam kết đầu tư 24 tỷ USD của Trung Quốc đều chưa được thực hiện.
Vào tháng 10/2016, khi ông Duterte sang thăm Bắc Kinh, Trung Quốc đã ký 27 bản hiệp nghị với Philippines, đồng ý ban đầu cung cấp khoản tiền vay lãi suất thấp 9 tỷ USD cho Philippines. Ngoài ra còn có khoản đầu tư trực tiếp 15 tỷ USD cho việc xây dựng tuyến đường sắt, cầu cảng, các hạng mục năng lượng và khai khoáng. Thế nhưng 2 năm đã trôi qua, đến nay Trung Quốc mới chỉ ký kết hai dự án trị giá 75 triệu USD – một con số quá nhỏ nhoi so với 24 tỷ USD đã hứa hẹn. Ông Joseph Franco, một cựu quan chức quân đội từng làm việc tại Bộ Tổng tham mưu lực lượng vũ trang Philippines - hiện là nghiên cứu viên của Học viện nghiên cứu quốc tế Rajaratnam ở Singapore – nói: “Tôi cho rằng trong nội các có người đã nhắc nhở ông ấy ít nhất bề ngoài đừng tỏ ra là người theo đuôi Trung Quốc”.
Sau đó, tối hôm 23/8, trong một cuộc diễn thuyết tại thành phố Davao, ông Duterte đã đọc một bức thư có chữ ký của Ngoại trưởng Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Bộ trưởng thương mại Wilbur Ross gửi ông, khẳng định quan hệ đồng minh Mỹ - Philippines và mong muốn giúp đỡ Philippines mua sắm các vũ khí thiết bị chủ chốt dùng cho phòng thủ và an ninh. Ông nhấn mạnh sau khi đọc bức thư: “Tôi không hề phản đối Mỹ”.
Một cuộc thăm dò dân ý đối với 1.200 cử tri diễn ra vào tuần cuối tháng 6/2018 đã cho kết quả, mức độ thiện cảm với Trung Quốc của người Philippines đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2016.