Kể từ những ngày thành lập Việt Minh, Việt Nam luôn giấu đi chiến thuật của mình như Mỹ đã chứng kiến cuộc tấn công và nổi dậy vào Tết Mậu Thân năm 1968. Nhưng hai học giả người Mỹ đã nghiên cứu thông tin để phỏng đoán cách thức Việt Nam sẽ đối phó những mối nguy đang lớn dần lên trong khu vực.
Theo các nhà nghiên cứu Derek Grossman và Nguyễn Anh Nhật thì: "Trong những năm gần đây, các nhà phân tích đã tốn rất nhiều giấy mực trong việc đánh giá các loại vũ khí đặc biệt mà Quân đội Nhân dân Việt Nam (VPA) có được hay tự phát triển trong nước... Nhưng rất ít người viết về tiến trình đằng sau việc có những khả năng quân sự mới và học thuyết quân sự hay quan niệm về tác chiến để sử dụng hiệu quả những gì họ có trong những cuộc xung đột tương lai trên Biển Đông".
Grossman là một nhà phân tích của RAND một tập đoàn có quan hệ mật thiết với Không quân Mỹ và Nguyễn Anh Nhật là thạc sĩ tại UC San Diego từng làm tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế sử dụng các thông tin đã được công khai để phỏng đoán cách Việt Nam sẽ đối đầu với những mối đe dọa trên không và trên biển. Các tác giả không biết rõ Việt Nam có một học thuyết toàn diện trên không hay trên biển hay không? Có thể bởi vì Việt Nam có lịch sử là một nước có lục quân mạnh mẽ".
"Chúng tôi rất tin tưởng rằng VPA có 2 nguyên tắc cơ bản chi phối mọi kế hoạch quân sự". Đầu tiên, Việt Nam coi trọng việc phòng thủ hơn là tấn công. Điều này gần giống như quan điểm "phòng thủ tích cực" gắn liền với chiến lược phòng thủ với các hoạt động chiến thuật tấn công. Hai tác giả Grossman và Anh Nhật viết: "Tham mưu của VPA cho rằng chiến lược tốt nhất là định vị các mối đe dọa và nhanh chóng ngăn chặn chúng thay đổi hiện trạng trên Biển Đông".
Chẳng hạn, các chiến lược gia Việt Nam đã chỉ ra rằng con đường tốt nhất để chống lại các chiến dịch đổ bộ và không vận của kẻ địch là chiến đấu từ khoảng cách xa với bờ biển Việt Nam. VPA nhắm tới hải quân và không quân của địch ngay tại cầu cảng và sân bay ở trên Biển Đông. Các cuộc tấn công có thể được thực hiện bằng “tên lửa phóng từ tàu chiến, tàu ngầm, máy bay hải quân, tên lửa chống hạm phóng từ bờ biển, pháo tầm xa, lực lượng đặc công, lực lượng biên phòng…”.
Tiếp theo, Việt Nam có thể sử dụng “Chiến tranh Nhân dân” để đối phó với kẻ địch hiện tại như đã từng làm trong quá khứ. Việt Nam cần vận động toàn dân để tiến hành một cuộc chiến bất đối xứng chống lại một kẻ địch mạnh hơn.
Theo Grossman và Anh Nhật thì: "Để áp dụng được Chiến tranh Nhân dân trên biển, Hải quân Việt Nam đã đúc rút: "Cần khai thác các điều kiện địa lý, đặc biệt là các hang động và những hòn đảo để neo đậu và giấu tàu và để hỗ trợ cho các hoạt động hậu cần". Việt Nam đã mua 6 tàu ngầm diesel điện lớp Kilo của Nga cũng như hệ thống phòng thủ tên lửa bờ biển K-300 Bastion-P có thể tấn công các tàu trên mặt nước. Trong khi đó, Việt Nam cũng có thể sử dụng hàng nghìn tàu dân dụng nhỏ để theo dõi trên biển và chống lại những sự xâm lấn của kẻ địch vào lãnh hải của mình trên Biển Đông".
Có rất ít thông tin về học thuyết tác chiến trên không của Việt Nam. Vì có số lượng hạn chế các máy bay hiện đại bao gồm Su-30 của Nga nên Việt Nam cần sử dụng các vũ khí này thận trọng và hiệu quả nhất.
Su-30 MK2 của Việt Nam.
|
Các tác giả tập trung vào học thuyết tác chiến hải quân và không quân nhưng Nguyễn Anh Nhật tin rằng với chiến tranh trên bộ thì chiến lược tác chiến cũng giống như những gì Việt Nam từng sử dụng để đối phó với Pháp và Mỹ: "Việt Nam đã tham khảo nhiều chiến lược và chiến thuật phòng thủ chống lại các chiến dịch đổ bộ và không chiến, cho thấy họ tin rằng có nhiều cơ hội những cuộc tấn công sẽ thành công hơn là trong quá khứ... Họ cũng có tiềm lực hơn so với các cuộc chiến trước đây. Họ đang thử nghiệm những khả năng mới như sử dụng không quân hay chiến tranh cơ giới. Nhưng về tổng thể, chiến tranh phòng thủ và học thuyết Chiến tranh Nhân dân từng được sử dụng để chống lại hai đế quốc Pháp và Mỹ vẫn nằm ở vị trí trung tâm".
Nhưng những điều hiệu quả trong rừng núi ở miền nam Việt Nam có thể sẽ không hữu dụng trên Biển Đông. Trước đây, Việt Nam đã chống lại Pháp và Mỹ chủ yếu là trên đất liền, sử dụng sức mạnh toàn dân và chiến tranh du kích. Một cuộc xung đột trên Biển Đông chủ yếu là chiến tranh bằng máy bay công ngệ cao, tàu chiến và tên lửa sẽ gây khó khăn cho Việt Nam.
Grossan và Nguyễn Anh Nhật cũng cảnh báo: "VPA sẽ phải thử nghiệm học thuyết quân sự này dù chưa quen thuộc với lĩnh vực không chiến và hải chiến... Khoảng cách xa xôi và điều kiện thời tiết khó dự đoán sẽ tạo ra nhiều vấn đề mới mà VPA phải đối mặt trên Biển Đông. Với lịch sử sử dụng lục quân làm nòng cốt, VPA phải suy tính sâu xa hơn và huấn luyện thường xuyên và thực tế hơn trong những lĩnh vực này để nắm được cơ hội tốt nhất nhằm có thể đối phó với một cuộc xung đột tiềm tàng trong tương lai".